Đẩy mạnh nội địa hóa chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu

Để tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh đầu tư để tự chủ nguồn nguyên liệu, linh kiện sản xuất. Đây được xem là giải pháp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng, đáp ứng tiêu chuẩn được hưởng thuế suất ưu đãi tại các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nuôi bò sữa đạt chuẩn Organic chủ động nguồn nguyên liệu tại Vinamilk. Ảnh: CAO THĂNG
Nuôi bò sữa đạt chuẩn Organic chủ động nguồn nguyên liệu tại Vinamilk. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm phụ thuộc nhập khẩu

Phân tích về nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên liệu ở nhiều ngành. Đơn cử, với lĩnh vực dệt may, da giày, 60% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu. Trong khi lĩnh vực điện, điện tử, phụ tùng máy móc, ô tô, xe máy… nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu còn ở mức cao hơn rất nhiều, ước tới 90%. Ngành sản xuất được đánh giá có nhiều lợi thế về nguyên liệu thô là chế biến lương thực, thực phẩm, nhưng cũng phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất đến hơn 40%. 

Thực trạng này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt tại các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là trong bối cảnh hàng loạt FTA đã được ký kết, những lợi thế cho hàng Việt đã được định rõ, nhưng không được hưởng do không đảm bảo tiêu chuẩn, quy tắc xuất xứ nội địa. Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, nhấn mạnh EVFTA đã ký nhưng nếu sản phẩm của Việt Nam không đảm bảo quy tắc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất theo yêu cầu thì không thể hưởng lợi thế từ thuế suất ưu đãi. 

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực vốn lớn trong nước đã đẩy mạnh đầu tư, thực hiện chiến lược nội địa hóa nguồn cung ứng. Đại diện Công ty CP Điện Quang cho biết, từ đầu năm 2019, công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy công nghệ cao Điện Quang với dây chuyền, thiết bị hiện đại, tự động hóa ở mức cao, nhập khẩu từ Nhật Bản và Đức với kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng. Nhà máy có tổng năng lực sản xuất 140 triệu sản phẩm/năm. Trong đó, công ty tự chủ hoàn toàn trong việc sản xuất các linh kiện, diode phát quang, bo điều khiển đèn LED... Qua đó, khép kín chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm ra thị trường. Ngoài ra, công ty cũng đưa vào hoạt động trung tâm nghiên cứu phát triển với diện tích hơn 2.000m2, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại. 

Ở lĩnh vực khác, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu qua việc đầu tư hàng loạt trang trại bò sữa đạt chuẩn organic và GlobalGAP. Hiện Vinamilk có 13 trang trại bò sữa trong và ngoài nước. Đây là cơ sở để công ty đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sữa ra thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… và thực hiện thành công các thương vụ mua bán - sáp nhập công ty chế biến sữa tại Mỹ, Campuchia và Thụy Sĩ.

Tăng kết nối chuỗi cung ứng 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận xét việc các doanh nghiệp có thực lực đầu tư khép kín chuỗi cung ứng như trên sẽ tác động mạnh trong việc kiến tạo và dẫn dắt hình thành chuỗi cung ứng nội. Trên thực tế, đa số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ; chỉ có khả năng đáp ứng chi tiết giản đơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, để từng bước nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt nói chung, trong những năm gần đây, TPHCM có chủ trương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, như hỗ trợ vốn đổi mới công nghệ, thuế doanh nghiệp, chi phí thuê đất tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... Về phía Bộ Công thương cũng đang phối hợp với ngành công thương địa phương làm việc với các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, cử chuyên gia kỹ thuật, trực tiếp đến doanh nghiệp để hoàn thiện kỹ năng quản trị, xử lý hàng tồn kho, khắc phục tỷ lệ lỗi hàng trong quá trình sản xuất… Nhờ vậy, đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối. 

Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, vào ngày 12-9 tới, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM sẽ tổ chức ngày hội kết nối cung - cầu cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Hiện có khoảng 20 đơn vị là đại diện nhà mua hàng của các công ty đầu tư nước ngoài (FDI) và 100 công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ có năng lực cung ứng trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo ô tô - xe máy - xe tải, cơ khí chế tạo… đăng ký tham gia. Đây là hoạt động thường niên của TPHCM nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ, từng bước gia tăng nội lực sản xuất.

Bà Miriam Garcia Ferrer nhấn mạnh: “Có thể nói, để có thể hưởng lợi từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nếu hàng Việt đã vào được thị trường EU thì sẽ đi xa đến các thị trường khác. Về phía EU cũng sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để giúp doanh nghiệp Việt áp dụng FTA”. 

Tin cùng chuyên mục