Đẩy mạnh phát triển thương hiệu du lịch Cần Giờ

Huyện Cần Giờ (TPHCM) có đường bờ biển dài, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đặc sản địa phương tươi ngon… Nhiều doanh nghiệp, du khách ví von Cần Giờ như “cô gái đẹp” chưa được đánh thức, bởi nhiều năm qua ngành du lịch nơi đây vẫn còn ngổn ngang trăm mối, thiếu sức bật. Vậy làm thế nào để thúc đẩy thương hiệu du lịch Cần Giờ phát triển mạnh mẽ hơn?
Đẩy mạnh phát triển thương hiệu du lịch Cần Giờ

Huyện Cần Giờ (TPHCM) có đường bờ biển dài, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đặc sản địa phương tươi ngon… Nhiều doanh nghiệp, du khách ví von Cần Giờ như “cô gái đẹp” chưa được đánh thức, bởi nhiều năm qua ngành du lịch nơi đây vẫn còn ngổn ngang trăm mối, thiếu sức bật. Vậy làm thế nào để thúc đẩy thương hiệu du lịch Cần Giờ phát triển mạnh mẽ hơn?

Điểm đến ấn tượng

Nhắc đến Cần Giờ, người dân thường biết tới hệ sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, lễ hội Nghinh Ông… Ngoài ra, hải sản tươi ngon được nuôi trồng, đánh bắt trực tiếp từ biển Cần Giờ cũng khiến du khách thích thú thưởng thức. Thế nhưng, nếu chỉ có hệ sinh thái và đặc sản địa phương thôi thì chưa đủ. Bởi du khách không thể bỏ thời gian từ trung tâm TPHCM đến Cần Giờ chỉ để dạo vài vòng, ăn uống, ngó nghiêng rồi về. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, huyện Cần Giờ phải tập trung nâng tầm lên thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp để hút khách, đồng thời chăm chút cho các tour ẩm thực đặc sản của địa phương, đa dạng thêm các hoạt động vui chơi, giải trí…

Thống kê của huyện Cần Giờ cho thấy, toàn huyện hiện có 7 khu du lịch, 3 cơ sở lưu trú với 145 phòng được xếp hạng, 15 cơ sở lưu trú với 297 phòng chưa được xếp hạng, 2 nhà hàng và 1 cơ sở mua sắm đạt chuẩn phục vụ du khách. Thêm nữa, Cần Giờ đã triển khai ứng dụng công nghệ GIS trong xây dựng bản đồ du lịch và cẩm nang du lịch ở địa chỉ http:/dulichcangio.hcmgis.vn để quảng bá thế mạnh, tiềm năng du lịch của huyện. Tính riêng trong năm 2016, có trên 1 triệu lượt khách du lịch đến Cần Giờ, tăng 53,5% so với cùng kỳ 2015, tổng doanh thu trên 100 tỷ đồng. Dự tính doanh thu năm 2017 đạt mức 500 tỷ đồng với trên 1,25 triệu lượt khách.

Du khách tham quan tour du lịch Cần Giờ

Anh Nguyễn Văn Thái (ngụ trên đường Hai Bà Trưng, quận 3), du khách tham quan tour Cần Giờ, chia sẻ, Cần Giờ đã và đang khai thác rất tốt các tuyến du lịch đường sông kết nối với khu du lịch Dần Xây, hội nuôi hàu, khu chế biến thủy hải sản, di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, cánh đồng muối Thiềng Liềng, núi Giồng Chùa… Thêm nữa, các tuyến du lịch đường bộ kết hợp đường thủy như: du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với tham quan các trang trại nuôi trồng thủy sản, tham quan mô hình nuôi chim yến, du lịch trải nghiệm (làm diêm dân, trồng rừng)… “Mặc dù Cần Giờ ngày nay đã thay da đổi thịt hơn so với vài năm về trước, nhưng Cần Giờ vẫn còn thiếu rất nhiều, nhất là khoản vui chơi giải trí cả ngày lẫn đêm. Thêm nữa, mô hình chợ hải sản Đồng Hòa khá thú vị, địa phương cần mở rộng quy mô, hỗ trợ 40 hộ kinh doanh nhỏ lẻ giúp nâng tầm khu vực chợ này. Theo tôi đường sá, bãi tắm… cũng cần được chỉnh trang, xây dựng nhiều hơn để hỗ trợ quá trình di chuyển cho du khách, nhất là những khách nhỏ lẻ di chuyển bằng mô tô”, anh  Nguyễn Văn Thái góp ý.

Kết nối tạo đẳng cấp

Thông tin từ UBND TPHCM cho biết, tập đoàn lớn gồm Vingroup và Tuần Châu sẽ đầu tư phát triển 2 khu du lịch cao cấp (tổng diện tích khoảng 1.300ha) tại vùng biển Cần Giờ, kỳ vọng nâng tầm thương hiệu du lịch Cần Giờ, kết nối du khách đến nơi này. Mục tiêu hướng tới việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát huy mạnh hơn tiềm năng, thế mạnh của huyện. Chẳng hạn như thưởng thức ẩm thực đặc sản trên sông, tham quan khu vực nuôi chim yến, đến với đảo khỉ, tắm biển, mua sắm sản vật địa phương…

Tại một cuộc khảo sát các tuyến điểm du lịch vừa diễn ra ở Cần Giờ cách đây vài ngày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ rõ, cần phải biến Cần Giờ thành khu du lịch đặc trưng của TP. Nhắc đến TPHCM du khách nghĩ ngay đến  Cần Giờ. Tiêu chí cần hướng đến chính là có nhiều tour độc đáo, mới lạ, hấp dẫn du khách. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chuyên trách của huyện Cần Giờ cần chủ động kết nối, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển du lịch, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch đa dạng cho mọi đối tượng khách hàng. Để giải quyết bài toán này, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến chỉ thẳng các yếu kém của du lịch Cần Giờ, cần phải khắc phục ngay, chẳng hạn như: thiếu trạm dừng chân cho du khách, cần đầu tư các tuyến xe miễn phí, mở thêm, nâng chất lượng cầu cảng…

Giám đốc một công ty lữ hành tại TPHCM, phân tích, Cần Giờ là địa phương giàu tiềm năng, có thế mạnh về phát triển du lịch, thu hút được một số hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân địa phương. Tuy vậy, rào cản lớn khiến người dân TPHCM cũng như du khách chưa đổ về chính là tuyến đường giao thông huyết mạch chưa đẹp, nhiều đoạn xuống cấp, đá dăm rải ngổn ngang khiến du khách lo ngại. Đáng lưu ý, tình trạng các nhà đầu cơ “ôm” đất, ít triển khai dự án khiến cho tình hình phát triển du lịch tại Cần Giờ cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Như vậy, câu trả lời được đưa ra cho việc muốn Cần Giờ “cất cánh”, là rất cần sự đầu tư, chăm chút mạnh mẽ của thành phố, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của chính người dân địa phương (bán đúng giá, vui vẻ, bán sản phẩm chất lượng, an toàn cho du khách…) trong việc khai thác, quảng bá tiềm năng sẵn có của huyện.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục