Đẩy nhanh việc bồi thường và bàn giao mặt bằng

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa trình Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng những dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM. Trong đó, Bộ TN-MT kiến nghị cho TPHCM áp dụng hệ số để tính giá bồi thường đất.
Một dự án tại TPHCM chờ áp dụng hệ số để tính giá bồi thường đất. Ảnh: HUY ANH
Một dự án tại TPHCM chờ áp dụng hệ số để tính giá bồi thường đất. Ảnh: HUY ANH

Không vi phạm quyền lợi người dân

Tính đến cuối năm 2018, TPHCM còn 822 dự án với diện tích thu hồi gần 7.000ha chưa triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhu cầu thực hiện các dự án cần thu hồi đất đến hết năm 2020 là 2.275 dự án, diện tích thu hồi gần 12.500ha. Theo UBND TPHCM, trong quá trình thực hiện các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và định giá đất tại địa phương, còn một số quy định chưa đáp ứng các yêu cầu, chưa tạo sự linh hoạt, chủ động của địa phương. Từ kiến nghị của UBND TPHCM về một số giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong thời gian tới, Bộ TN-MT đã đồng tình và có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép UBND TPHCM xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.

Theo quy định hiện hành, UBND TPHCM phải xác định giá 2 lần trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Giá đất duyệt lần đầu (giá T1) để lấy ý kiến của người dân, sau khi tổng hợp ý kiến của người dân, UBND TPHCM sẽ duyệt giá lần 2 (giá T2). Quy trình duyệt giá thường kéo dài và tốn nhiều thời gian, công sức và quan trọng là mỗi dự án một giá khác nhau, không có thông tin tham chiếu chung, tính minh bạch không cao. 

Theo Bộ TN-MT, nếu địa phương chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm để áp giá khái toán kinh phí, xây dựng dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để lấy ý kiến của dân chỉ là thay đổi cách làm. Tức là thay vì làm riêng từng dự án, sau khi đã có thông báo thu hồi đất, thì nay làm cho toàn TP, làm trước khi có thông báo thu hồi đất, không vi phạm quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Thực ra đây chỉ là việc đưa bước xác định giá đất lên trước trong quy trình thu hồi đất và giúp thời điểm công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sớm hơn; người dân sẽ biết trước được giá đất tính tiền bồi thường ngay từ khi có thông báo thu hồi đất. Nếu người dân đồng thuận với giá đất trong dự thảo phương án thì UBND cấp huyện sẽ ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất… rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí. Những trường hợp không đồng thuận với giá đất trong dự thảo phương án thì UBND TP sẽ khảo sát, điều tra về giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. Đối với đất nông nghiệp, việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ cũng thực hiện tương tự như đối với các loại đất khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong việc áp dụng chung cơ chế bàn hành hệ số xác định giá đất trên địa bàn TPHCM. 

Kiến nghị được duyệt khung bồi thường dự án ODA

Liên quan đến việc UBND TPHCM đề nghị ủy quyền cho địa phương phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài (ODA) trên địa bàn TPHCM, Bộ TN-MT cho biết, Luật Đất đai quy định, chỉ có dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và phải di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hoá của cộng đồng; các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh thành trực thuộc trung ương mới phải lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong đó, không phân biệt dự án có nguồn gốc vốn trong nước hay nguồn vốn ODA. Như vậy, đối với các dự án có nguồn vốn ODA, có phạm vi thu hồi đất trên địa bàn TPHCM mà không phải di chuyển cộng đồng dân cư, thì không có quy định phải lập khung chính sách và phê duyệt khung chính sách. Cụ thể, Bộ TN-MT đã có văn bản trả lời UBND TPHCM liên quan đến dự án tuyến tàu điện ngầm Metro số 2 là không phải lập khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà UBND TP thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật. Luật Đất đai quy định rõ: đối với dự án có vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài mà Nhà nước Việt Nam có cam kết về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện theo khung chính sách đó. Như vậy, quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp có cam kết. Do đó, Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ ủy quyền cho UBND TPHCM phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài (ODA) trên địa bàn TP. Bộ TN-MT cho biết, bộ này đang được Chính phủ giao sửa đổi Điều 17 của Nghị định 47/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Trong trường hợp Chính phủ đồng ý với đề xuất của UBND TPHCM, Bộ TN-MT sẽ cập nhật nội dung này vào để sửa Nghị định 47/2014.

Liên quan đến kiến nghị của UBND TP về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức thực hiện độc lập với các dự án do UBND TP quyết định đầu tư, Bộ TN-MT cho rằng, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, trong đó có quy định về việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. Do vậy, đề nghị này của TP cũng đã được giải quyết. Cùng với đó, Bộ TN-MT cũng đã đề nghị Chính phủ giao Bộ KH-ĐT hướng dẫn TP về việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tổ chức thực hiện độc lập.

Từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, tính đến hết năm 2018, TPHCM có 927 dự án cần thu hồi đất với diện tích thu hồi gần 7.200ha. Trong đó, đã triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 150 dự án với diện tích thu hồi 260ha.

Tin cùng chuyên mục