Dạy tiếng Anh ở trường mầm non: Cần thống nhất chương trình và kinh phí hoạt động

Nhằm quản lý và nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh tại các trường mầm non, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh. 

Dù được kỳ vọng là cơ sở pháp lý để ổn định và thống nhất chương trình tiếng Anh ở các trường mầm non nhưng dự thảo vẫn bỏ ngỏ nhiều “nút thắt” quan trọng về nội dung chương trình, nguồn tuyển giáo viên và kinh phí tổ chức hoạt động. Đó là những vấn đề được nêu ra trong hội thảo sáng 27-7 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TPHCM.

Dạy tiếng Anh ở trường mầm non: Cần thống nhất chương trình và kinh phí hoạt động ảnh 1

Bất cập nguồn tuyển giáo viên

Tại hội thảo góp ý dự thảo Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh sáng 27-7, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết, hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh đã được triển khai thí điểm trên phạm vi cả nước từ năm 2014. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, các địa phương đều gặp khó do không có chương trình khung quốc gia áp dụng chung cho cả nước. Ngoài ra, Đề án Ngoại ngữ quốc gia chưa có nội dung đề cập đến giảng dạy tiếng Anh ở bậc mầm non.

Trước thực tế đó, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo chương trình khung cho hoạt động này tại các đơn vị. Tuy nhiên, sau khi dự thảo được công bố, bà Trương Thị Việt Liên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dù được xây dựng chương trình khung khá chi tiết, nhưng dự thảo vẫn chưa làm rõ mục tiêu hướng đến của chương trình là hoạt động giáo dục chính khóa hay ngoại khóa.

“Nếu dạy chính khóa đòi hỏi phải có biên chế giáo viên tiếng Anh tại các trường mầm non, trong khi nếu là hoạt động ngoại khóa cần có thêm hướng dẫn các trường hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ”, vị này phân tích. Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng khẳng định, hiện nay chưa thể có giáo viên mầm non đáp ứng đủ điều kiện năng lực giảng dạy tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT là trình độ B2, bậc 4 trong khung năng lực tiếng Anh quốc gia. 

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Huệ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, cho rằng, cái khó của chương trình hiện nay là nhiều trường mầm non đang hợp đồng với các trung tâm sử dụng đội ngũ giáo viên bản ngữ có chứng chỉ về nghiệp vụ sư phạm. Đây là lực lượng đảm bảo khá tốt về mặt chuyên môn ngoại ngữ nhưng không phải ai cũng hiểu biết tốt về tâm sinh lý trẻ, biết được thời gian nào trẻ hưng phấn, tổ chức hoạt động thế nào phù hợp độ tuổi của trẻ. Thêm vào đó, hiện nay bộ đã có quy định về yêu cầu bằng cấp đối với giáo viên người nước ngoài nhưng nhiều địa phương cho biết vẫn loay hoay chưa thể thực hiện do thiếu hướng dẫn cơ sở đào tạo nào cấp chứng chỉ theo quy định.

“Chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu xem giữa việc đưa giáo viên có chứng chỉ B2 về tiếng Anh đi học bồi dưỡng nghiệp vụ mầm non nhanh hơn hay tạo điều kiện cho giáo viên mầm non bồi dưỡng tiếng Anh hiệu quả hơn”, chuyên gia Nguyễn Thị Hoài Ân, Trưởng nhóm Giáo viên tiếng Anh Cambridge khu vực Đông Nam Á, bày tỏ.

Cần tính đến phương án xã hội hóa

Theo phản ảnh từ các địa phương, áp lực xây dựng trường, lớp vào mỗi đầu năm học đang là khó khăn chung, do đó yêu cầu đầu tư xây dựng thêm phòng học ngoại ngữ ở bậc mầm non là không thể thực hiện. Bà Trần Thị Hoàng Dung, Phó trưởng phòng GD-ĐT (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) đề xuất, với điều kiện phòng ốc, đội ngũ giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn hiện nay, hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh không thể đòi hỏi tổ chức ở phòng chức năng riêng biệt như ở các bậc học khác mà chỉ nên tổ chức một cách nhẹ nhàng, thoải mái, thực hiện trên cơ sở nhu cầu đăng ký của phụ huynh bằng nguồn thu xã hội hóa, không nên tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh.

Đồng ý kiến, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết, hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh là một trong những hoạt động bổ trợ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ ở bậc mầm non, hướng đến mục tiêu hội nhập. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống trường công lập chỉ có thể đáp ứng các mục tiêu giáo dục cơ bản, đối với các hoạt động bổ trợ cần tính đến các phương án xã hội hóa. 

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, việc công bố chương trình khung mang tính quốc gia nhằm giúp các cơ sở giáo dục có thêm căn cứ, kết hợp với tình hình thực tế tại địa phương để tổ chức thực hiện.

“Ngoài chương trình khung cơ bản, các trường có thể áp dụng các phương pháp tiên tiến, hiện đại trên thế giới, kết hợp thêm các nội dung mang tính vùng miền ở địa phương, miễn đảm bảo mục tiêu chương trình quốc gia”, Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho biết.

Đồng thời, bộ cũng quy định, các trường có thể sử dụng đội ngũ giáo viên trong trường hoặc ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài thông qua các trung tâm ngoại ngữ, nhưng hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng hoạt động, khi xảy ra khiếu nại về hoạt động giảng dạy không thể đổ lỗi cho đơn vị cung cấp hoặc giới thiệu giáo viên. Hiện nay, các sở GD-ĐT chịu trách nhiệm thẩm định nội dung tài liệu, giáo án được sử dụng trong chương trình, các trường có thể dựa vào tình hình thực tế để lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp.

Tin cùng chuyên mục