Dạy trẻ kỹ năng phòng vệ

Trong thời gian qua, đã có nhiều trẻ em phải thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường và xâm hại tình dục. Do trẻ không biết cách ứng phó, gia đình thiếu sâu sát, nên các trường hợp này không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Nhiều bạn đọc đã rất quan tâm và góp ý về việc cần trang bị cho trẻ kỹ năng phòng vệ trước cái xấu, cái ác.

Ứng phó với nạn bạo lực học đường

Rất nhiều vụ bạo lực học đường chỉ được phát hiện khi có ai đó ghi hình và tung clip lên mạng. Trong clip, ta thường thấy khi các học sinh đang đánh bạn, có một số học sinh khác bình thản đứng xem, thậm chí còn vô tư quay phim, thay vì bênh vực bạn bị bắt nạt, yếu thế, hoặc can ngăn để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của vụ việc.

Bạo lực học đường có thể coi là mầm mống của bạo lực trong xã hội và xuống cấp đạo đức; thờ ơ khi thấy người khác bị bạo hành có thể coi là dấu hiệu bước đầu của sự vô cảm trong xã hội. 

Để dạy trẻ ứng phó với bạo lực, phải dạy trẻ có lòng nhân ái, biết tôn trọng nhau, biết lựa lời mà nói, biết cư xử đúng mực. Giáo viên phải làm gương về lời nói, ứng xử, thể hiện sự đúng mực khi phê bình và phạt học sinh…

Đó là một vấn đề lớn, gắn chặt với giáo dục đạo đức và văn hóa học đường. Nên dạy trẻ cách ứng phó phù hợp khi gặp một vụ đánh nhau: cần làm mọi cách để ngăn cản bạo lực xảy ra; nếu đang xảy ra thì phải làm cho cuộc xung đột sớm kết thúc.

Dạy trẻ kỹ năng phòng vệ ảnh 1 Pa nô tuyên truyền cảnh báo nguy cơ xâm hại trẻ em
Việc ngăn chặn nên dùng lý lẽ và có thái độ kiên trì, không tỏ ra bênh vực vô lý. Nên giúp các bạn giảng hòa, hóa giải hiểu lầm, cố gắng đóng vai trò trung gian tích cực; có thể phân tích những hậu quả của đôi bên nếu xung đột xảy ra để từng cá nhân tự ý thức mà cân nhắc hành vi của mình.

Có thể báo ngay với người lớn để có sự can thiệp mạnh mẽ hơn, giúp cuộc xung đột không diễn ra hoặc phải sớm dừng lại. Dĩ nhiên, bản thân cần có ứng xử khéo léo để tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột đó hoặc một cuộc xung đột khác.

Trong một số trường hợp cụ thể, cần nêu ra những lý lẽ để bảo vệ, bênh vực bạn bị bắt nạt, bạn rơi vào cảnh yếu thế, tuy nhiên, người can thiệp phải thực sự đứng “cửa giữa”, không được mất bình tĩnh để làm trầm trọng thêm sự việc. 

Nhà trường, giáo viên nên quan tâm xây dựng các quy tắc ứng xử trong trường của mình, chẳng hạn tóm gọn thành 10 điều nên làm, 10 điều không nên làm, 10 điều nên tránh. Trong chương trình môn đạo đức, giáo dục công dân, hoặc các lớp kỹ năng sống, giáo viên nên lồng ghép nội dung này vào để định hướng cho học sinh một cách chi tiết, cụ thể. 

TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Ứng phó với nạn xâm hại tình dục

Trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em, kẻ xâm hại lợi dụng sự non nớt và tâm lý sợ người lớn nên đã dễ dàng khống chế nạn nhân bằng cách hăm dọa. Trẻ vừa lo sợ lời đe dọa vừa lo sợ sự quở mắng của cha mẹ, nên các vụ xâm hại khó bị phát hiện kịp thời.

Để hạn chế đến mức thấp nhất nạn xâm hại tình dục trẻ em, phải cần sự chung tay của chính quyền, các tổ chức xã hội, đoàn thể. Đặc biệt gia đình và nhà trường là nơi tiếp cận các cháu nhanh nhất, thường xuyên nhất và hiệu quả nhất, cần phải cung cấp càng nhiều càng tốt kỹ năng tự phòng vệ cho trẻ.

Ngay từ khi còn bé, trẻ cần được nhắc nhở thật nhẹ nhàng và cụ thể về việc ai mới có quyền tiếp cận và có những cử chỉ thân mật, yêu thương với trẻ như nựng nịu, hôn má, ôm ấp…

Tuyệt đối không để người lạ có hành vi biểu lộ tình cảm như người thân và điều cấm kỵ nhất là không được chạm vào người trẻ, nhất là những nơi nhạy cảm.

Để gia đình phát hiện sớm, kịp thời nạn xâm hại tình dục trẻ, cha mẹ nên quan tâm chăm sóc, tạo sự gần gũi với trẻ, tìm hiểu và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ, để từ đó trẻ an tâm tâm sự với cha mẹ, không giấu cha mẹ bất cứ chuyện gì xảy ra.  

NGUYỄN MINH ÚT (huyện Cần Đước, tỉnh Long An)

Biết cảnh giác trước kẻ xấu

Có nhiều vụ án mà hung thủ chính là những người quen thân hàng ngày của nạn nhân, chỉ vì ngoại cảnh hay do chất kích thích tác động gợi sự ham muốn nhưng thiếu kiềm chế, nên đã xâm hại tình dục trẻ em. Trẻ đang độ tuổi ham chơi, dễ bị dụ dỗ bằng nhiều cách, nên có nguy cơ bị xâm hại. Đặc biệt là nữ sinh có thể bị xâm hại ngay tại lớp học, trên đường đi, do người lạ bên ngoài hoặc do người quen thân nhờ đưa rước.  

Cho nên phụ huynh cần hết sức thận trọng, quan tâm mọi mặt hoạt động của con em mình mọi lúc mọi nơi. Để giúp trẻ có kiến thức phòng vệ, phụ huynh nên phân tích, khuyên bảo, hướng dẫn trẻ đề cao cảnh giác, tránh xa các nhóm đối tượng thường có những hành vi xâm hại trẻ em: đối tượng nghiện chơi game; người thường có thái độ, cử chỉ, lời nói dâm ô, thô tục, đạo đức kém; người thường xuyên uống rượu, nghiện rượu; những thanh thiếu niên rong chơi lêu lổng.

Tuy trẻ em là đối tượng được cộng đồng đặc biệt quan tâm chăm sóc nuôi dạy và luật pháp bảo vệ, nhưng khi có cơ hội là nơi vắng vẻ, lúc người lớn mất cảnh giác trông chừng, hay do trẻ em ham vui chơi mà lọt vào bẫy dụ dỗ thì kẻ xấu sẽ không ngần ngại thực hiện hành vi đồi bại, bất chấp hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Cho nên để bảo vệ con em mình an toàn, phụ huynh phải cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. 

MỤC ĐỒNG (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau)

Tin cùng chuyên mục