Dạy và học ngoại ngữ 1: 3 tiết/tuần không thể nâng chuẩn đầu ra

Đó là góp ý của nhiều hiệu trưởng, giáo viên về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Thực trạng dạy và học ngoại ngữ tiếng Anh ở nước ta vốn đã tụt hậu, kém hiệu quả. 
Học với giáo viên bản ngữ luôn khiến học sinh thích thú
Học với giáo viên bản ngữ luôn khiến học sinh thích thú
Vì thế, nếu không tăng thời lượng và đầu tư bài bản cho môn học “mở khóa” thời hội nhập này thì khó đạt được mục tiêu nâng cao chuẩn đầu ra tiếng Anh cho học sinh. 
Coi nhẹ ngoại ngữ là thụt lùi
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, giáo viên đang dạy ngoại ngữ, dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể chỉ phân bổ 3 tiết/tuần cho môn ngoại ngữ 1 là bước đi thụt lùi. Nó không thể tạo ra sự đột phá nhằm cải thiện năng lực tiếng Anh - chìa khóa giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu trong xu thế hội nhập quốc tế.
“Thời lượng 3 tiết/tuần cho môn ngoại ngữ ở chương trình mới là quá ít, thậm chí còn ít hơn cả chương trình thí điểm của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) hiện nay cho phép các trường dạy học 4 - 5 tiết tiếng Anh trong một tuần. Nếu quy định số tiết học ngoại ngữ ít như cũ thì giáo viên chỉ có thể dạy từ vựng, ngữ pháp để học trò đối phó với kiểm tra, thi cử là chính. Lấy đâu thời gian để rèn luyện cho học sinh đủ 4 kỹ năng - nghe, nói, đọc, viết theo chuẩn khung tham chiếu châu Âu mà bộ yêu cầu”, cô Nguyễn Trần Chân Ái, Tổ trưởng Tổ Anh văn Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), nhận định.
Tương tự, thầy Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), cũng cho rằng trang bị hành trang ngoại ngữ đạt chuẩn cho học sinh trung học là yêu cầu cấp bách và là giải pháp đúng, phù hợp với yêu cầu đào tạo công dân toàn cầu hiện nay. Để đạt được mục tiêu này thì yếu tố đầu tư bài bản, đồng bộ để tạo môi trường giao tiếp bằng ngoại ngữ 1, nhất là tiếng Anh theo chuẩn vô cùng quan trọng. 
“Tuy chương trình giáo dục phổ thông mới có chú trọng đến yếu tố tiên tiến, hiện đại nhưng chưa chú trọng yếu tố hội nhập, tăng thời lượng dạy ngoại ngữ và theo chuẩn quốc tế cho học sinh. Việc phân bổ số tiết học ngoại ngữ ở bậc trung học chỉ có 3 tiết/tuần thì khó thực hiện mong muốn biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân Việt Nam trong xu thế hội nhập nhanh với thế giới”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, bày tỏ băn khoăn.
Ông Hiếu cũng cảnh báo về sự bất lợi, yếu thế của lao động Việt Nam trong cạnh tranh không phải là kỹ năng lao động, mà việc thua xa các nước trong khu vực là về tiếng Anh. Vì thế, nếu chương trình mới không chú trọng giảm tải chương trình, tiết học, môn học thì không thể tăng tiết dạy ngoại ngữ 1, tạo cú hích cải thiện, nâng cao năng lực học tiếng Anh cho học sinh các cấp học.
Một đã khó nói gì đến hai
Có thể nói, vấn đề lưu cữu, ngổn ngang trong dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông đã được các chuyên gia giáo dục lẫn ngoại ngữ mổ xẻ, phân tích rất nhiều. Dù đề án quốc gia về dạy và học ngoại ngữ đã triển khai theo lộ trình, nhưng nhìn lại mục tiêu cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc. Thực trạng học sinh học xong phổ thông nhưng không thể giao tiếp, sử dụng tiếng Anh đang là thách thức rất lớn. Vì thế, rất cần một chiến lược dạy - học ngoại ngữ hiệu quả và dự thảo chương trình phổ thông mới phải chú trọng mục tiêu này, kèm với các giải pháp khả thi hơn trước đây để đầu ra đạt chuẩn hội nhập như mong muốn. Chính vì thế, cùng với yêu cầu thí điểm dạy ngoại ngữ 2, nhiều người kiến nghị cần tăng thời lượng dạy ngoại ngữ 1 và đầu tư bài bản để tạo ra môi trường dạy - học tiếng Anh chuẩn. 
Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng GD-ĐT quận 2, bày tỏ rằng ngay mục tiêu dạy ngoại ngữ 1 đạt chuẩn đã khó nói gì đến dạy ngoại ngữ 2. Một số hiệu trưởng trường THPT cũng chia sẻ quan điểm chung: Triển khai dạy ngoại ngữ nào cũng  phải đầu tư một cách hiệu quả, đến nơi đến chốn, chứ không thể làm chắp vá, dạy cho có. Một trong những cái khó hiện nay là thiếu trầm trọng lực lượng giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn để thích ứng với yêu cầu dạy ngoại ngữ 1 cho học sinh từ lớp 1. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, không chỉ khó tuyển đủ giáo viên dạy tiếng Anh giỏi, nhiều giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học đã nghỉ việc do quy định của Bộ GD-ĐT quá bất cập và không thể thực hiện, khi yêu cầu phải dạy đủ 23 tiết/tuần mới được trả đủ lương. Rõ ràng, còn rất nhiều việc phải làm xung quanh mục tiêu dạy ngoại ngữ 1, vì thế mục tiêu dạy ngoại ngữ 2 dù cần thiết nhưng quá xa vời với nhiều địa phương.
Theo một số chuyên gia, để xóa mù tiếng Anh, tạo ra môi trường dạy - học tiếng Anh hiệu quả, các nước trong khu vực đều đầu tư dạy ngoại ngữ theo chuẩn. Trong đó, thời lượng dạy môn tiếng Anh được ưu tiên cao nhất và gấp 5 - 6 lần so với Việt Nam. Điển hình như ở Thái Lan, học sinh được học 18 tiết/tuần nên học sinh có nhiều cơ hội thực hành, rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Như thế, để học sinh phổ thông ra trường có hành trang ngoại ngữ có thể hội nhập môi trường học tập, lao động quốc tế, chương trình phổ thông mới phải thể hiện rõ chiến lược bài bản, khoa học trong dạy - học ngoại ngữ. Ngoài chính sách thu hút người học giỏi ngoại ngữ vào ngành sư phạm thì khâu bồi dưỡng, chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên là cấp thiết nhất.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh quan điểm phải đặt mục tiêu coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng mẹ đẻ, chứ không đơn thuần là một ngoại ngữ. Có như thế mới tránh vết xe cũ mà đa phần học sinh Việt Nam tốn công sức học tiếng Anh suốt 7 - 12 năm trời nhưng cuối cùng không thể giao tiếp, thiếu hụt kỹ năng nghe, nói.

Tin cùng chuyên mục