ĐBQH “chấm điểm” Bộ trưởng Bộ TN-MT

Cuối buổi sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã kết thúc phần trả lời chất vấn ĐBQH. Các ĐB đánh giá Bộ trưởng đã trả lời gọn, rõ nhiều vấn đề, nhưng cũng cho rằng nhiều vấn đề nóng của lĩnh vực này cần được xử lý một cách quyết liệt.

* ĐB Nguyễn Thanh Hiền, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Nhiều đoàn thanh tra đến rồi đi, trong khi ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng

ĐB Nguyễn Thanh Hiền
Chính sách về đất đai cần tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh thì mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đưa giá trị đất đúng với yêu cầu của phát triển, sát với thị trường hiện nay. Còn nay, bảng giá đất nhà nước đưa ra quá vênh so với giá thị trường, đó là lý do mà các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm trên 70%), trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai...

Bên cạnh vấn đề đất đai, ĐB cũng quan tâm đến vấn đề môi trường. Lâu nay chúng ta có nhiều vấn đề, từ ô nhiễm nguồn nước đến các dự án có liên quan đến môi trường chưa quản lý tốt trong đầu vào; rồi quy hoạch nông thôn, xử lý rác thải ra sao... đều là những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, nên phải có phương pháp tốt để quản lý.

Tôi đồng ý với những giải pháp bảo vệ môi trường mà Bộ trưởng Bộ TN-MT đưa ra trong phần trả lời chất vấn về bảo vệ môi trường. Nhưng tôi cũng cho rằng, cần tập trung rà soát lại tất cả các hiện trạng liên quan đến môi trường, từ đó có biện pháp khoanh vùng để xử lý. Cùng với đó phải kiểm soát tốt trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Chúng ta rất cần các dự án đầu tư nhưng phải lựa chọn những dự án có công nghệ tốt, tránh tình trạng đưa về các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, như vậy là phát triển không bền vững, mà Formosa là bài học xương máu.

Tôi cũng cho rằng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đó là vấn đề lâu nay nhân dân rất bức xúc. Nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đến rồi đi, không phát hiện thấy sai phạm trong khi thực tế ô nhiễm thì ngày càng nghiêm trọng. Cần có các phương tiện, công cụ để chúng ta kiểm soát môi trường, đặc biệt là “thái độ” của các cơ quan quản lý.

* ĐB Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra chưa cụ thể
ĐBQH “chấm điểm” Bộ trưởng Bộ TN-MT ảnh 2 ĐB Phạm Tất Thắng

Bộ trưởng Bộ TN-MT đã trả lời khá gọn, rõ, đúng nội dung câu hỏi của ĐBQH. Với phương thức ĐB hỏi trong 1 phút,  Bộ trưởng trả lời trong 3 phút và theo nhóm 3 ĐB một lần cũng giúp Bộ trưởng trả lời vào trọng tâm câu hỏi. Với cố gắng của Bộ trưởng Bộ TN-MT khi trả lời chất vấn thì tôi khá hài lòng. Cách trả lời đã khá tập trung vào câu hỏi của ĐB. Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TN-MT ít có tranh luận, chứng tỏ các ĐB cũng hài lòng nên ít tranh luận lại.

Với câu hỏi của tôi, Bộ trưởng cũng trả lời đúng nội dung chính. Nhưng câu hỏi của tôi chú trọng về giải pháp thì các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra thì chưa cụ thể, có thể là do dung lượng thời gian có hạn. Vì thế, tôi hy vọng sau khi có Nghị quyết chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng sẽ phải quyết liệt triển khai, tập trung các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai cũng như bảo vệ môi trường.

* ĐB Lê Công Nhường (Bình Định): Chậm chạp thì môi trường bị hủy hoại

ĐBQH “chấm điểm” Bộ trưởng Bộ TN-MT ảnh 3 ĐB Lê Công Nhường
Bộ trưởng Bộ TN-MT đã trả lời đúng những vấn đề các ĐBQH nêu. Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu từ phía người dân và đòi hỏi từ thực tiễn thì Bộ trưởng cần chỉ đạo sâu sát hơn để các chương trình, kế hoạch liên quan đến việc xử lý ô nhiễm môi trường được thực hiện nhanh chóng và hợp lý hơn.

Như trả lời câu hỏi của tôi về vấn đề xử lý rác thì Bộ trưởng nói rằng sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ KH-CN, nhưng thực ra vấn đề này tôi đã kiến nghị từ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14, Thủ tướng chính phủ cũng đã giao Bộ KH-CN tìm mô hình công nghệ xử lý rác cho Việt Nam. Đến bây giờ việc đó vẫn chưa xong. Cuộc sống thì luôn tiếp tục, ô nhiễm tiếp tục gia tăng, chúng ta phải xử lý nhanh chóng cho người dân được nhờ, còn chậm chạp thì môi trường bị hủy hoại.

Tôi nghĩ, Bộ trưởng phải có những giải pháp tổng hợp hơn nữa vì khai thác cát là khai thác tài nguyên khoáng sản và những mỏ cát lớn do Bộ TN-MT cấp phép. Tôi nghĩ khi Bộ cấp phép mà địa phương quản lý thì chưa đúng chức năng nhiệm vụ, vì thế Bộ trưởng nên giao luôn việc cấp phép cho địa phương để quy trách nhiệm về một mối.

Tin cùng chuyên mục