ĐBQH "phê" quy định lấy phiếu tín nhiệm "rối rắm"

ĐBQH "phê" quy định lấy phiếu tín nhiệm "rối rắm"

(SGGPO). - Sáng nay 28-3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.

Dù đồng tình với ý kiến giám sát tối cao thông qua chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm, giám sát chuyên đề về các vấn đề bức xúc xã hội đã nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội nhưng đại biểu (ĐB) Trần Minh Diệu (Quảng Bình), các kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội còn hạn chế, dàn trải, thiếu khoa học. Báo cáo kết quả giám sát không được trình ra Quốc hội và không được xem xét thảo luận, ít được ĐB nghiên cứu. "Hiệu quả, hiệu lực chưa cao nghĩa là có thể có sự lãng phí và cần được phân tích nghiên cứu điều chỉnh cho nhiệm kỳ tới", ĐB Trần Minh Diệu nhấn mạnh.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) góp ý tại phiên họp sáng 28-3. Ảnh: LÃ ANH

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chia sẻ, đáng ra nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có thể làm tốt hơn. Đó là hoạt động của Quốc hội còn hạn chế, chưa cải tiến đổi mới mạnh mẽ việc giám sát chống tham nhũng lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc làm luật cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn còn thiếu tập trung, chắp vá. Đặc biệt một số luật thiếu tính ổn định, có biểu hiện lợi ích cục bộ, Quốc hội thông qua rồi lại sửa nhưng không có ai chịu trách nhiệm. Vì vậy cần phải quy trách nhiệm với cơ quan soạn thảo và đứng đầu thẩm tra với những dự án luật như vậy. Cũng theo ĐB Huỳnh Nghĩa, một tồn tại hạn chế khác nữa là việc lấy phiếu tín nhiệm. Nhân dân chưa đồng tình vì quy định quá "rối rắm" ở 3 mức còn lập lờ (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp - PV). "Việc quy định 3 mức như vậy thì làm sao cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét đánh giá. Theo quan điểm của tôi chỉ nên có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm để có thể dễ dàng trong đánh giá. Từ đó, quyền lực của Quốc hội được nâng lên, người dân tin tưởng hơn", ĐB Huỳnh Nghĩa nói.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) góp ý tại phiên họp sáng 28-3. Ảnh: LÃ ANH

Trong quy trình lập pháp, việc ĐB Quốc hội chỉ tham gia khâu cuối cùng của quá trình xây dựng pháp luật, theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), đã dẫn đến nguyên nhân của luật khung, luật ống hiện nay và một bộ phận trong xã hội coi mình đứng trên pháp luật. Ví dụ như khi đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nhiều ĐB kiến nghị nên có chính sách điều chỉnh trong giao đất nông nghiệp, nên thừa nhận sở hữu tư nhân đối với đất ở của người dân nhưng đã không được tiếp thu. Khi giám sát thấy nông dân bỏ ruộng mới thấm thía câu đã có từ lâu: "ĐB phát biểu rất hay, tiếp thu rất gay nhưng xin giữ nguyên như dự thảo".

Cũng theo ĐB Lê Nam, việc nhân dân cả nước ủng hộ bước đi, việc làm của Bí thư TPHCM Đinh La Thăng vì nhân dân khao khát sự thay đổi, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu, trau chuốt với những ngôn từ “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao".

Dù nhìn nhận trong giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng, Quốc hội đã làm được nhiều việc rất tốt nhưng theo ĐB Lê Nam, trong bức tranh tổng kết nhiệm kỳ có xung đột không với một miền Tây Nam bộ rất trù phú và hiền hòa đang lùi dần vào dĩ vãng; một Tây Nguyên khô khát giữa tháng 3, hạn hán, ngân sách nợ nần, biển Đông cũng chưa ngừng dậy sóng... "Những trăn trở, âu lo đó cần phải thể hiện đầy đủ hơn trong tổng kết nhiệm kỳ này mặc dù chỉ có ý nghĩa là bàn giao lại khóa sau", ĐB Lê Nam nói.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục