ĐBSCL chống hạn, mặn sớm

ĐBSCL chống hạn, mặn sớm

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do mực nước sông và mực nước nội đồng vào mùa lũ năm nay ở ĐBSCL xuống thấp nhất trong vòng 30 năm qua nên sẽ thiếu nguồn nước ngọt và gây hạn hán nghiêm trọng.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cảnh báo: Có thể nói năm nay, các tiểu vùng ở ĐBSCL như bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, ven biển, phù sa ngọt đều bị ảnh hưởng hạn, mặn. Nghiêm trọng hơn, khoảng 500.000ha lúa ở ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ đông - xuân 2010 – 2011 và hơn 100.000ha lúa (tương đương 16% diện tích vụ đông - xuân của vùng) có nguy cơ bị nước mặn xâm nhập nặng nề, chủ yếu tập trung ở Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre và Hậu Giang.

Đáng chú ý, nông dân vùng bán đảo Cà Mau (tỉnh Kiên Giang) đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn ngay đầu vụ. Hơn 50% trong số 4.500ha lúa gieo sạ tại huyện An Biên bị chết do nhiễm mặn.

Hạn mặn đe dọa nghiêm trọng vụ lúa đông - xuân 2010-2011 tại ĐBSCL.

Hạn mặn đe dọa nghiêm trọng vụ lúa đông - xuân 2010-2011 tại ĐBSCL.


Tiến sĩ Lê Văn Bảnh lưu ý: “Đến nay, ĐBSCL đã xuống giống hơn 60% trong tổng số 1,5 diện tích lúa đông - xuân. Để giảm thiểu tối đa tác hại của hạn, mặn, nhất là vào cuối vụ, phần diện tích còn lại phải xuống giống dứt điểm trong tháng 12-2010. Những vùng sản xuất lúa ven biển cần nhanh chóng gia cố, hoàn thiện hệ thống đê bao ngăn mặn. Đặc biệt, vùng Đồng Tháp Mười phải chú ý các biện pháp ứng phó nguy cơ xì phèn”.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Vương quốc hoa kiểng, cây giống, cây ăn trái đặc sản Chợ Lách mỗi năm thu về hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận cho nông dân. Để bảo vệ diện tích sản xuất chủ lực hơn 9.400 ha, huyện Chợ Lách đang đồng loạt triển khai các biện pháp chống hạn, mặn. Đặc biệt, ngành nông nghiệp tập huấn cho nông dân cách bón phân, chăm sóc hoa kiểng, cây giống, cây đặc sản phù hợp với điều kiện nắng hạn, xâm nhập mặn; nạo vét kênh mương, ngăn cống đập trữ nước phục vụ sản xuất. Hàng tuần đều thông báo cho người dân biết tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn, khuyến cáo thời gian lấy nước…”.

UBND tỉnh Bến Tre vừa có văn bản yêu cầu nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống dẫn nước, cấp nước, các ao hồ, kênh rạch có khả năng trữ nước ngọt. Đồng thời có phương án vận hành hiệu quả, tổ chức vận chuyển nước từ vùng ngọt phục vụ nhân dân vùng bị mặn, không để xảy ra tình trạng thiếu, nâng giá nước…

Tỉnh Tiền Giang triển khai sớm dự án ngọt hóa Gò Công nhằm bảo vệ vùng sản xuất lúa 30.000ha. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết: “Việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn khép kín đang được khẩn trương thực hiện để có thể vận hành hiệu quả nhất. Đặc biệt, chúng tôi sẵn sàng hệ thống bơm chuyền 2 cấp cho toàn dự án ngọt hóa Gò Công, đảm bảo dự trữ, phục vụ nước ngọt cho toàn vùng dự án đến khi thu hoạch dứt điểm lúa đông - xuân, chậm nhất đến 30-3-2011. Ngoài ra, tỉnh cũng có giải pháp cung ứng nước sinh hoạt cho 300.000 dân vùng bị ảnh hưởng, hạn, xâm nhập mặn”.

Trong khi đó, Chi cục Thủy lợi An Giang có kế hoạch chống hạn theo từng thời điểm đầu, cuối vụ đông - xuân và cao điểm là vụ hè - thu, khuyến cáo nông dân tranh thủ triều cường 2 - 3 giờ trong ngày để đóng mở cống trữ nước ổn định cho các tuyến nội đồng.

Đặc biệt, An Giang đang đầu tư 114 tỷ đồng xây dựng 193 công trình đa mục tiêu như cống, đập tạm, nạo vét 182 kênh mương nội đồng. Riêng 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn giáp với tỉnh Kiên Giang sẽ đắp 7 đập tạm để chống xâm nhập mặn sâu; bơm chuyền cấp 2 cho tổng diện tích trên 50.000ha ở 2 huyện vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, nhận định nhiệm vụ chống hạn mặn năm nay rất cam go. Đến nay, nông dân trong tỉnh xuống giống 236.000/284.000ha lúa đông - xuân. Phần diện tích còn lại, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo phải xuống giống dứt điểm vào cuối tháng 12-2010 để đảm bảo vận hành quy trình chống hạn mặn hiệu quả nhất, an toàn cho vụ lúa quan trọng số 1 trong năm. Sau ngày 31-12, sẽ đóng toàn bộ hệ thống hơn 20 cống vùng Tứ giác Long Xuyên để ngăn mặn và giữ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa hàng trăm ngàn hécta gồm 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang. Các địa phương ven biển thuộc vùng bán đảo Cà Mau tiến hành đắp toàn bộ các đập ngăn mặn; đóng các cống thuộc dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No để trữ nước ngọt trồng lúa… 

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục