ĐBSCL hướng tới phát triển năng lượng tái tạo

Ngày 24-6, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức chương trình “Tuần lễ năng lượng tái tạo 2017”. 
Theo GS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ, ĐBSCL hiện có 14 nhà máy nhiệt điện than đã, đang và sắp hoạt động. Ô nhiễm khói bụi luôn là nỗi lo ngại của các nhà máy; đó là chưa kể tro xỉ than cũng là nguồn ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng đối với đất, nước và không khí, kéo theo những hệ lụy về sinh thái và sức khỏe cộng đồng. 
Trước viễn cảnh trên, năng lượng tái tạo được xem là lựa chọn hàng đầu và có ít rủi ro hơn. Việc đa dạng hóa nguồn cung nhờ năng lượng tái tạo vừa đảm bảo nhu cầu năng lượng, đồng thời cũng đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu hiểm họa môi trường và ít phụ thuộc vào biến động thị trường. “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2015. Đây được xem là nền tảng định hướng phát triển cho các loại hình đầu tư năng lượng tái tạo phát triển, khuyến khích các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo mới, hiện đại, góp phần tăng cường nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết. 
Tham dự tuần lễ năng lượng tái tạo 2017, bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về các loại điện để sản xuất năng lượng. Mối quan hệ giữa hai nước đã có sự phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó Canada đã hỗ trợ cho Việt Nam nhiều dự án về khí hậu, môi trường. Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là không có ranh giới, do vậy việc ứng phó cần có sự phối hợp chung tay giữa các quốc gia”.
CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục