ĐBSCL: Tăng cường phòng, chống hạn mặn

Ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết, đến thời điểm này đã có khoảng 3.200ha lúa xuân hè ở các huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, TP Sóc Trăng… bị mất trắng do nước mặn tấn công.

Hơn 55.000ha lúa còn lại đang làm đòng, trổ bông… nhờ những ngày qua có mưa rải rác giúp nhiều ruộng lúa xanh trở lại, độ mặn giảm nên tình hình được cải thiện tốt hơn. Hiện ngành thủy lợi tích cực điều tiết các cống ngăn mặn hợp lý, đồng thời phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân tranh thủ những lúc độ mặn giảm để lấy nước cung cấp cho ruộng lúa.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn những ngày qua đã làm thiệt hại hơn 68,8 tỷ đồng về sản xuất nông nghiệp và thủy sản; thiệt hại 12,6 tỷ đồng về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường; mức thiệt hại cao nhất trong nhiều năm qua.

Theo ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, những ngày qua có mưa đã làm dịu mát những cánh rừng sau thời gian nắng nóng gay gắt. Song lực lượng kiểm lâm vẫn tăng cường cảnh giác phòng chống cháy rừng. Theo kinh nghiệm, một vài đám mưa đầu mùa chỉ làm tuột phèn, nếu nắng nóng quay trở lại thì nguy cơ xảy ra cháy rừng cao hơn trước. Hiện tại, hơn 40.000ha rừng tràm ở Cà Mau vẫn báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Từ đầu mùa khô tới nay, Cà Mau xảy ra đến 19 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 16ha.

Tại Kiên Giang, An Giang, Long An… dù nắng nóng có giảm nhưng việc giữ rừng vẫn tiếp tục được tăng cường.

Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, khoảng 13.000ha rừng ở tỉnh vẫn đặt trong tình trạng báo động, do đó nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng được đặt lên hàng đầu. Về cơ bản, những diện tích rừng ở các triền núi phải chờ đến cuối tháng 5, rừng ở đồng bằng sang tháng 6-2013, mới có thể giảm được nguy cơ cháy.  

NGUYỄN THANH - AN BÌNH

Tin cùng chuyên mục