ĐBSCL tập trung phát triển du lịch nông nghiệp

Sáng 1-10, Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang và các ngành chức năng, tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL”. 

Du khách khám phá cảnh đẹp ở Long An
Du khách khám phá cảnh đẹp ở Long An

 Theo Tổng cục Du lịch, vùng ĐBSCL là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của nước; với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với văn hóa, lịch sử, cộng đồng... đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, có các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước, đã trở thành sản phẩm chủ đạo hấp dẫn du khách.

Những năm gần đây, du lịch ĐBSCL có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, năm 2017, các tỉnh ĐBSCL đón trên 20 triệu lượt khách du lịch, với mức tăng trung bình khoảng 9%/năm. Mặc dù lượng khách đến ĐBSCL có tăng, nhưng số lượng khách lưu trú còn rất thấp (chỉ hơn 2 triệu khách lưu trú, trong tổng số 20 triệu lượt khách). Mức chi tiêu của du khách đến du lịch ở ĐBSCL cũng rất khiêm tốn chỉ khoảng 22 USD/ngày, thấp nhất so với chi tiêu bình quân của khách du lịch Việt Nam. Nguyên nhân do sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, trùng lắp, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp…

Cũng theo Tổng cục Du lịch, hiện nay du lịch nông nghiệp được nhiều nước trên thế giới quan tâm vì đem lại lợi ích trên nhiều mặt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông thôn. Tại ĐBSCL, nơi sản xuất nông nghiệp lớn và cũng là nơi xuất khẩu nông thủy sản chủ lực của cả nước. Vì vậy, phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL là hướng đi cần thiết, qua đó tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lưu ý: Việc liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa nông nghiệp và du lịch là hết sức quan trọng, đem lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần gìn giữ được nghề nông nghiệp truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề. Cần thấy rằng, tài nguyên nông nghiệp ở ĐBSCL rất phong phú, nhưng không nên phát triển ồ ạt “trăm hoa đoa nở”, mà phải chọn lọc và có đầu tư bài bản; xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng có tính khác biệt, điểm nhấn của từng địa phương. 

Du khách tham quan vườn quýt hồng Lai Vung ở tỉnh Đồng Tháp

Tin cùng chuyên mục