Để các trường tự đứng trên chân mình

Năm 2016, Trường Đại học (ĐH) An Giang đứng trước thực tế nguồn thu chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động. Mức kinh phí trường được rót hàng năm 70 - 80 tỷ đồng đã trở thành gánh nặng đối với ngân sách tỉnh và trường xin chuyển làm thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiện TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm tế bào gốc . Ảnh: MAI HẢI
Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiện TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm tế bào gốc . Ảnh: MAI HẢI
 Năm 2017, Trường ĐH Trà Vinh được quyết định cho thí điểm tự chủ. Đây là 2 ĐH địa phương ở khu vực Tây Nam bộ, được xem là vùng trũng giáo dục của cả nước, nhưng có 2 hướng đi hoàn toàn khác nhau nhằm thoát khỏi tình trạng khó khăn để tìm hướng phát triển. Một chọn hướng tự chủ, một chuyển cơ quản chủ quản. Vậy đâu là hướng đi tốt nhất để các trường ĐH địa phương thoát khỏi tình trạng èo uột như hiện nay? 
Trở lại câu chuyện cách đây hơn 10 năm, khi việc thành lập, nâng cấp trường ĐH diễn ra một cách chóng mặt, đến mức được ví là mọc như nấm sau mưa. Theo báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 1998-2009 có 312 trường ĐH, cao đẳng (CĐ) thành lập, nghĩa là trung bình cứ 2 tuần lại có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Tính đến tháng 9-2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ… Báo cáo này đã chỉ ra điểm yếu cốt tử của việc thành lập trường ĐH ồ ạt đó là tăng nhanh về số lượng, nhưng những điểm quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng đào tạo lại thiếu một cách toàn diện: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành - thí nghiệm), giáo trình, nghiên cứu khoa học…
Đến nay, dù đã sau hơn 10 năm, những hạn chế này vẫn tồn tại. Nhiều trường đã trên 10 năm mang danh ĐH, nhưng lực lượng giảng viên chưa tới 20 người. Điển hình như Trường ĐH Bạc Liêu thành lập từ năm 2006, nhưng đến nay chỉ có vỏn vẹn 15 tiến sĩ, 137 thạc sĩ. Nhiều trường ĐH khác có phòng thí nghiệm, thực hành thua cả những trường CĐ; nghiên cứu khoa học hầu như không có. 
Nhìn vào thực tế tuyển sinh của các trường ĐH tỉnh 3 năm gần đây (từ năm 2015-2017), chúng ta không khỏi giật mình khi những trường này hầu như “đói” người học. Đầu vào của những trường này trên 90% là bằng điểm sàn, nhiều trường còn thấp hơn cả điểm sàn (nhờ sử dụng chính sách ưu tiên “3 Tây”). Nhiều ngành hàng trăm chỉ tiêu nhưng chỉ có 10 - 20 thí sinh vào học. Ngay cả một trường ĐH tỉnh khá nhất nhì khu vực Tây Nam bộ là Trường ĐH An Giang thì cũng rơi vào tình cảnh chợ chiều như nói ở trên. 
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thực tế đã được hiện thực hóa bằng Nghị quyết 77 của Chính phủ về việc cho thí điểm tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, trong giai đoạn 2015-2017. Hiện nay đã có 23 cơ sở mạnh dạn thực hiện tự chủ và bước đầu đã cho thấy nhiều đột phá: Nhà nước không cấp ngân sách, các trường tăng học phí, nguồn thu tăng, đầu tư cơ sở vật chất tăng, đầu tư nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, nguồn học bổng - quỹ phát triển trường tăng lên…  
Như vậy, để có thể lột xác và thoát khỏi tình trạng thoi thóp như hiện nay, các trường ĐH địa phương phải mạnh dạn thực hiện cơ chế tự chủ. Khi đó, các trường sẽ không còn phụ thuộc vào ngân sách (Nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ đất đai, cho vay ưu đãi để đầu tư phát triển trường) và sẽ cạnh tranh bằng chất lượng. Thoát khỏi cơ chế “xin - cho”, nếu trường nào không có chất lượng, không thu hút được người học thì sẽ tự giải thể.  
Thành công từ các trường ĐH công lập thực hiện thí điểm tự chủ đã chứng minh: ngân sách không bao giờ có thể bao cấp cho giáo dục ĐH (Nhà nước chỉ bao cấp một số ngành đặc thù). Ngay cả những nước phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp… cũng không bao cấp cho giáo dục ĐH và tự chủ là giải pháp tất yếu. Đã đến lúc các trường ĐH địa phương phải tự đi trên đôi chân của chính mình, muốn tiến xa hơn, phát triển hơn phải mạnh dạn tự chủ, phải cạnh tranh để nâng cao chất lượng.

Tin cùng chuyên mục