Đề cao giá trị con người

Sau khi khảo sát 70 dự án đô thị thông minh trên khắp thế giới, một nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Torino (Ý) kết luận rằng, công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông giúp đô thị tận dụng tốt mọi nguồn tài nguyên. Dù vậy, nhóm nghiên cứu lưu ý, CNTT chỉ là một mắt xích trong xây dựng đô thị thông minh. 
Đề cao giá trị con người
Đáng chú ý, những TP sử dụng internet nhiều sẽ có khả năng phát triển sáng kiến trong lĩnh vực chính quyền và kinh tế. Họ khẳng định, tầm quan trọng của CNTT và vốn xã hội cho phép thực hiện chính quyền điện tử và thương mại điện tử, dựa trên sự minh bạch và trao quyền cho người dân. Ngoài ra, những TP nhỏ thường ít trì trệ trong quá trình kiến tạo đô thị thông minh. Ngược lại, những TP lớn, đông dân cư luôn đối mặt với nhiều nhu cầu thay đổi hạ tầng công nghệ.
Điểm chung của TP thông minh: Thành lập đặc khu kinh tế, sử dụng năng lượng tái tạo; các tòa nhà, giao thông thông minh; kết nối băng thông rộng, cân đối không gian xanh và không gian có mái; nằm tại vị trí mang tính chiến lược về địa lý. 
Kết quả khảo sát cho thấy, có 2 cách thức tiếp cận TP thông minh.  Trong đó, tiếp cận “cứng” là phương pháp tận dụng kỹ thuật CNTT ở mức độ cao. Những đô thị áp dụng cách này sẽ dùng công nghệ truyền tín hiệu không dây, cảm biến tích hợp trong hệ thống hạ tầng, hay phát triển nhiều phần mềm để hỗ trợ mọi khâu vận hành, thực hiện chính sách. Trái lại, với cách tiếp cận “mềm”, CNTT đóng vai trò hạn chế. Tiếp cận “mềm” dựa trên nền tảng văn hóa, giáo dục, tinh thần khởi nghiệp… Người dân tương tác nhiều hơn với chính quyền, chủ động tiếp cận dữ liệu và tự đưa ra quyết định.
Ở châu Á, đề án đô thị thông minh tập trung vào hạ tầng kỹ thuật, lơ là những sáng kiến tăng cường hiệu quả hoạt động của chính quyền, kinh tế hay con người. Nói cách khác, đầu tư vốn xã hội và con người là 2 khía cạnh quan trọng nhưng ít được dự án đô thị thông minh ở châu Á nhắc đến. Trong khi đó, đô thị thông minh ở châu Âu nhấn mạnh khía cạnh “mềm” - con người trong quá trình kiến tạo. 
Nhóm tác giả đưa ra cảnh báo, một đô thị có hệ thống CNTT hoàn hảo với nhiều sáng kiến thông minh chưa chắc là TP có chất lượng sống tốt trong mắt người dân. Sống ở những đô thị như thế, người dân có thể chịu sự kiểm soát chặt chẽ, cứng nhắc hoặc bị xâm phạm quyền riêng tư. Chưa kể, khả năng tiếp cận với nguồn dữ liệu lớn và hệ thống công nghệ quy mô sẽ khiến TP đối mặt với tội phạm công nghệ cao hoặc khủng bố. Những tình huống như vậy rất dễ xảy ra nếu chính quyền không đề cao giá trị con người và chất lượng cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục