Để đảm bảo quyền lợi cho người học: Nghiên cứu phân tuyến theo khoảng cách từ nhà đến trường

Dân số TPHCM những năm qua không ngừng tăng cao. Trong khi đó, tốc độ xây dựng trường, lớp chưa theo kịp đà tăng dân số. Để giải quyết chỗ học cho người dân, TPHCM đang áp dụng nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người học, giảm thiểu tình trạng chạy trường, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh đầu cấp. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM
- Phóng viên: Thưa ông, TPHCM đang thực hiện Đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành GD-ĐT giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó có nội dung tổ chức tuyển sinh trực tuyến. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?


>> Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Nằm trong Đề án tổng thể “Xây dựng mô hình đô thị thông minh” do UBND TP ban hành, ngành GD-ĐT xây dựng đề án trường học thông minh gồm 2 nội dung cơ bản là xây dựng trung tâm điều hành trường học thông minh và thí điểm mô hình trường học điện tử tại 5 trường THPT trên địa bàn TP. Hiện nay, đề án đã được các sở, ngành đóng góp ý kiến để hoàn thiện và sẽ tiếp tục trình UBND TP phê duyệt. Theo đó, TP khuyến khích các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức tuyển sinh, quản lý trường học và đổi mới phương pháp giảng dạy. 

Với công tác tuyển sinh đầu cấp hiện nay, mỗi quận, huyện tùy vào điều kiện thực tế có mức độ triển khai khác nhau. Dự kiến những năm sắp tới, tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM, đặc biệt đối với 2 bậc mầm non và tiểu học sẽ không tổ chức phân tuyến theo địa bàn cư trú (tức hộ khẩu) như trước đây mà dựa vào khoảng cách địa lý để phân bố học sinh. Cụ thể, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP triển khai phần mềm xác định vị trí nhà ở, chỗ ở của học sinh, sau đó hệ thống tự động dò tìm trường học có khoảng cách địa lý gần nhất. 

Hình thức phân tuyến này khắc phục được tình trạng học sinh có nhà ở trên địa bàn phường (hoặc quận) này nhưng khoảng cách đến trường học thuộc phường (hoặc quận) kia gần hơn khoảng cách đến trường được phân tuyến trên cùng địa bàn. Ngoài ra, việc phân bố theo khoảng cách địa lý giúp học sinh đi lại thuận tiện hơn, qua đó góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Nếu đề xuất trên được nhân rộng, học sinh chỉ cần nhập địa chỉ nhà ở, phần mềm tuyển sinh sẽ cho biết em đó được phân tuyến vào trường nào, đảm bảo khoảng cách từ nhà đến trường luôn ngắn nhất. 

- Năm nay, tuyển sinh lớp 6 sẽ có những thay đổi gì trong công tác tổ chức, thưa ông?

Năm học 2019-2020, TPHCM vẫn thực hiện tuyển sinh lớp 6 theo hình thức xét tuyển. Cụ thể, học sinh trong độ tuổi quy định đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học trên địa bàn quận, huyện nào được vào học lớp 6 ở các loại hình trường học tại quận, huyện đó. Riêng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đơn vị duy nhất của TP được tổ chức xét tuyển kết hợp khảo sát năng lực học sinh bằng tiếng Anh, sẽ tổ chức thêm kỳ khảo sát. Tuy nhiên, nếu học sinh tham gia khảo sát không trúng tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo phân tuyến quy định của Ban chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện. Ngoài ra, trong năm học này, TP tiếp tục thực hiện tuyển sinh lớp 6 đối với các lớp tăng cường ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Hàn.

Về đề xuất mở rộng số lượng trường THCS tuyển sinh theo hình thức kết hợp xét tuyển và bài khảo sát năng lực, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu và có những bước chuẩn bị phù hợp.

- Năm nay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập được dự đoán căng thẳng hơn các năm trước do tổng số học sinh lớp 9 tăng nhưng chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông có chia sẻ gì để giảm tâm lý lo lắng cho phụ huynh, học sinh?

Ở các kỳ tuyển sinh trước, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lớp 10 THPT công lập chiếm hơn 70%. Theo chủ trương của UBND TP, ngành giáo dục sẽ tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS theo lộ trình từ nay đến năm 2020, phấn đấu có 30% học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT học nghề tại các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề. Để thực hiện mục tiêu đó, TP sẽ giảm dần tỷ lệ học sinh vào học lớp 10 THPT công lập, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 công lập. Năm học 2018-2019, toàn TP có khoảng 104.000 học sinh lớp 9 nhưng không phải học sinh nào cũng tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập (do các em có kế hoạch du học, đã theo học ổn định tại các hệ thống trường tư thục…). Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập là 70.000 học sinh. Như vậy, sẽ có hơn 30.000 học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Tuy nhiên, cũng trong năm học này, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 27 trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, gần 50 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là hơn 35.000 học sinh. Do đó, phụ huynh và học sinh không nên lo lắng về việc không có chỗ học. Thay vào đó, các em cần dựa vào năng lực của bản thân và điều kiện học tập của gia đình để có lựa chọn phù hợp. 

Nếu như trước đây, học sinh theo học các trường trung cấp nghề không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT do số lượng các môn văn hóa ít, chỉ có thể học liên thông cao đẳng nghề, đại học nghề thì hiện nay, các trường trung cấp nghề đã mở nhiều chương trình liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên, bổ sung thêm các môn văn hóa. Học xong hệ trung cấp nghề, học sinh vẫn có đủ kiến thức và trình độ dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Riêng đối với hệ giáo dục thường xuyên, với ưu điểm số môn học văn hóa ít hơn trường THPT, thời gian học, giá trị bằng cấp và cơ hội vào đại học như nhau nên sẽ là một lựa chọn tốt nếu học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập.  

- Thực tế các kỳ tuyển sinh trước đã xảy ra tình trạng học sinh chọn nguyện vọng vào trường THPT có điểm chuẩn đầu vào thấp, sau đó học một thời gian rồi xin chuyển qua trường có điểm chuẩn cao hơn, gây xáo trộn công tác tổ chức và ảnh hưởng quá trình học tập của chính các em. Sở GD-ĐT TPHCM đã có những biện pháp gì để hạn chế tình trạng học sinh “ngồi nhầm” trường, đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng?

Bắt đầu từ năm học 2017-2018, mỗi học sinh trên địa bàn TPHCM được cấp một mã số quản lý. Trường hợp học sinh chuyển trường, phòng GD-ĐT quận, huyện và Sở GD-ĐT TP sẽ biết được em này chuyển đến học tập ở đơn vị nào. Hiện nay, quy định chuyển trường được thực hiện theo Quyết định 51 của Bộ GD-ĐT về chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS và THPT. Theo đó, học sinh chỉ được chuyển trường vào 2 thời điểm là kết thúc học kỳ 1 và kết thúc năm học. Ngoài ra, trường học nơi học sinh chuyển đến phải còn chỉ tiêu tuyển sinh mới có thể tiếp nhận. Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế quy định hiện nay còn có lỗ hổng là chưa quy định điểm từ trường A qua trường B phải ngang bằng hoặc thấp hơn, nảy sinh tình trạng học sinh “chọn nguyện vọng cho có” để có một suất học công lập, sau đó tìm cách xin chuyển qua trường có điểm chuẩn đầu vào cao hơn, làm mất suất học ban đầu (theo đúng trình độ) của nhiều học sinh khác. Để khắc phục tình trạng đó, Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư mới quy định về chuyển trường và quản lý học sinh.

Đối với các trường hợp chuyển trường trên địa bàn TPHCM, hàng năm Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp với Phòng Trung học, Sở GD-ĐT TP thường xuyên đi kiểm tra, yêu cầu hồ sơ xin chuyển trường ngoài đồng ý của hiệu trường tại trường muốn chuyển đến phải có thêm lý do chính đáng như học sinh thay đổi chỗ ở, ba mẹ/người nuôi dưỡng thuyên chuyển công tác hoặc một số trường hợp đặc biệt khó khăn khác như nhà nghèo không có phương tiện đi học, đau ốm bệnh tật… Trường học chỉ được tiếp nhận học sinh mới khi chưa tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao hoặc tuyển đủ chỉ tiêu nhưng có trường hợp học sinh nghỉ học.

Tin cùng chuyên mục