Dễ dán, khó quản tem nhãn nông sản

Không thể phủ nhận những tác động tích cực từ quy định dán tem nhãn cho hàng hóa (trong đó có nông sản) của Chính phủ để giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi chọn mua sản phẩm. 
Thế nhưng, trên thực tế gian thương vẫn tìm cách mập mờ, gạt người mua bằng những sản phẩm có dán đầy đủ tem các loại nhưng chất lượng hàng hóa rất khó kiểm chứng. Mặc dù chuyện này không mới nhưng vẫn mang đậm tính thời sự, khi hàng ngày người dân vẫn phải đối mặt với thực phẩm “bẩn”, “ngậm hóa chất”…
Dễ dán, khó quản tem nhãn nông sản ảnh 1 Người tiêu dùng lựa mua trái cây có dán tem tại siêu thị 
Ảnh: Thi Hồng
 Tin nhau là chính

Đắn đo lựa chọn giữa rừng trái cây tại một điểm chuyên doanh trên đường Dương Thị Mười (quận 12, TPHCM), chị Nguyễn Mai Ngọc băn khoăn: “Tin tưởng vào tâm của người bán là chính, chứ thực sự chẳng biết đâu mà truy xuất nguồn gốc, sự an toàn. Bơ, táo, sầu riêng… đều có dán tem để khách đỡ lo nhưng giá bán “nhảy múa” loạn xạ”. Thực ra, đây cũng là tâm lý chung của hầu hết khách hàng hiện nay. Họ thường tín nhiệm những thương hiệu đã gắn bó lâu năm, cảm thấy đủ tin tưởng. Tất nhiên, giá cả cũng bảo chứng cho sản phẩm khi mà thực tế những loại nông sản như chuối, sầu riêng, rau muống… hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ luôn có giá cao gấp 2 - 5 lần so với loại thường. Ví dụ, cùng loại bơ sáp Đà Lạt, giá bán ở chuỗi cửa hàng hữu cơ trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1), Hai Bà Trưng (quận 3) dao động 120.000 - 180.000 đồng/kg, sầu riêng sạch bán tại một phiên chợ nông sản có giá 150.000 - 170.000 đồng/kg… Ngược lại, giá bơ sáp cũng có dán tem bán tại một số cửa hàng ở quận Tân Bình, Gò Vấp chỉ từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, sầu riêng 60.000 - 80.000 đồng/kg (loại cơm vàng).

Quan sát kỹ các loại tem nhãn dán trên trái cây, rau quả đóng gói, chúng tôi ghi nhận nội dung trên tem thường khá đơn giản, mang tính thông báo, hoặc đôi khi… làm đẹp cho sản phẩm, chứ không có tác dụng lớn như người mua kỳ vọng. Mặc dù các thông số này đều hàm chứa thông tin hữu ích cho người mua, chẳng hạn như loại tem nhãn trên trái cây bắt đầu bằng 5 chữ số và số đầu tiên là số 9, chứng tỏ loại trái cây này trồng bằng phương pháp hữu cơ, an toàn cho người sử dụng, chỉ cần rửa sạch vỏ là ăn được ngay. Ngược lại, nhãn sản phẩm bắt đầu bằng số 8 cho biết đây là sản phẩm biến đổi gien, người mua cần lưu ý khi sử dụng; số 4 thông tin sản phẩm được trồng bằng phương pháp thông thường có dùng hóa chất, thuốc trừ sâu… Ghi nhanh tại một số điểm bán gần khu chợ Nhật Tảo (quận 10), xung quanh chợ Hiệp Thành (quận 12), nhiều loại táo, lê, nho nhập khẩu dán nhãn thực phẩm hữu cơ nhưng giá bán bằng hàng bình thường (70.000 - 80.000 đồng/kg lê, 100.000 đồng/kg nho xanh…). Khi hỏi người bán, họ nói thẳng tem này được đặt mua từ một địa chỉ ở quận Tân Bình, chuyên in tem cho khách có nhu cầu, nên chọn mua đại để dán lên trái cây, với giá chỉ vài chục đồng/tem. “Nói thật, từ khi dán tem lên trái cây, số hàng bán ra có tăng đáng kể. Người mua thường nhìn vào tem để định vị chất lượng sản phẩm, còn người bán sẽ căn cứ vào đó để chốt giá”, bà Năm Mận, chuyên bán trái cây trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, bật mí.

Đầu tư thương hiệu

Vào kỳ nghỉ hè này, hàng loạt siêu thị, cửa hàng, điểm vui chơi lớn ở TPHCM sẽ lấy trái cây từ các tỉnh về phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, với số lượng lớn vì đang vào mùa thu hoạch. Điều này đồng nghĩa với việc người dân TP sẽ được thưởng thức nhiều loại trái cây tươi ngon, với giá bán tương đối thấp. Nhưng đằng sau câu chuyện làm thế nào để quản những con tem này cho tương đồng với chất lượng sản phẩm mà nhà nông cam kết, quả thực không dễ dàng. Nói như một lãnh đạo Sở NN-PTNT TPHCM, ngay cả hàng hóa tập kết về các chợ đầu mối, tuy được giám sát bằng phương thức test nhanh chất lượng cùng nhiều quy trình khác nữa, nhưng sơ hở vẫn luôn hiện diện, không thể chắc chắn hàng hóa đảm bảo an toàn 100%.  

Theo ông Nguyễn Văn Thới, đại diện doanh nghiệp chuyên hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu tại quận Gò Vấp, TPHCM, thực ra tem nhãn chỉ cung cấp thông tin đến khách hàng và chỉ là một mắt xích trong chuỗi quy trình sản xuất an toàn. Do đó, muốn biết sản phẩm “sạch” đến đâu, người mua cần căn cứ vào hồ sơ, chứng từ, các thông số trên bao bì sản phẩm… Điều này được ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina CHG, nhận định bổ sung, về mặt pháp lý tem nhãn không có chức năng chống giả, trong khi hiện tại vẫn chưa có những quy định cụ thể nào để quản lý việc in ấn các loại tem này. 

Như vậy, tác dụng của tem nhãn trên sản phẩm đã khá rõ ràng. Nhiệm vụ còn lại thuộc về vai trò quản lý của cơ quan chuyên trách, cũng như lòng tự trọng của chính các nhà sản xuất trong nước. Bởi thực tế, rất nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã gia nhập các thị trường khó tính (Australia, Nhật Bản, Mỹ, Anh…) trên thế giới thành công như thanh long, nhãn, xoài cát… nhờ đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn gắt gao mà nước nhập khẩu đưa ra. Xét ở phía ngược lại, người tiêu dùng nội địa đôi khi phải dùng những mặt hàng có chất lượng không ổn định, thậm chí thiếu an toàn. Trong bối cảnh người tiêu dùng TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung ngày càng sẵn sàng chi tiền nhiều hơn cho thực phẩm an toàn, thì các nhà sản xuất hàng nông sản trong nước cũng nên quan tâm đến vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục