Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản

Thị trường, nguồn cung sản xuất nông sản trong nước những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 đang có dấu hiệu phục hồi trở lại và gặp thuận lợi nhờ sự quan tâm vào cuộc, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù gặp nhiều khó khăn bất lợi nhưng năm 2016 vẫn được đánh giá là năm mà ngành nông nghiệp đón nhận nhiều sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương cũng như nỗ lực của bà con nông dân. Nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả nước vẫn đạt 32,1 tỷ USD (tăng cao nhất từ trước tới nay), trong đó có 10 mặt hàng vẫn duy trì được mức xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên.

Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương bàn về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho nông sản tổ chức ngày 14-2 tại Hà Nội, các chuyên gia và đại diện các bộ cho rằng, thị trường nông sản, đặc biệt là thị trường xuất khẩu vẫn rất bấp bênh, có nhiều rủi ro.

Trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo hiện nay không mấy thuận lợi, thị trường xuất khẩu dần bị thu hẹp khi sản phẩm của Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ… đang ra sức chiếm thị phần. Những năm trước đây, các nước trong khu vực ASEAN như Philippines, Malaysia, Indonesia… nhập khẩu gạo Việt Nam 2 - 3 triệu tấn gạo/năm theo các hợp đồng tập trung, nhưng đến năm 2016, lượng gạo xuất khẩu sang cả ba thị trường này chỉ còn khoảng 10%. Ngay cả thị trường Trung Quốc trong vài năm gần đây trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam cũng được nhận định là khó đạt được sản lượng xuất khẩu như mong muốn. Hiện tại thị trường Trung Quốc chỉ đồng ý cho 22 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này và kèm theo nhiều yêu cầu khắt khe về vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã đưa ra dự báo xuất khẩu gạo trong năm 2017 chỉ đạt mức trên 5 triệu tấn, tương đương với sản lượng xuất khẩu năm 2016, trong khi tình hình nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn chưa rõ nét, sản lượng và tồn kho gạo thế giới tăng ở mức kỷ lục trong năm qua. Hiện tại, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đang tìm các giải pháp để đàm phán, mở hướng xuất khẩu lúa gạo sang các thị trường mới như ở châu Phi.

Mặc dù mục tiêu đề ra cho năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản sẽ đạt khoảng 32,5 - 32,8 tỷ USD, song Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong năm 2017 vẫn chưa thể hết khó khăn, thị trường có sự cạnh tranh quyết liệt, tổng thể thì cung vẫn lớn hơn cầu. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới đang phục hồi khá chậm. Các nước có xu hướng dựng hàng rào kỹ thuật để tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản nước họ có cơ hội xuất khẩu, hay hạn chế nước khác nhập khẩu. Bài toán đặt lên hàng đầu vẫn là tìm đầu ra cho nông sản, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu là giải pháp để gia tăng giá trị, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.

Thế nhưng làm cách nào để vượt qua được hàng rào kỹ thuật, đưa nông sản của Việt Nam đi sâu vào thị trường các nước. Các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cho rằng, cần phải tăng cường đàm phán với các đối tác, thị trường xuất khẩu tiềm năng để tháo gỡ các rào cản về thuế quan, hàng rào kỹ thuật (đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm) cho nông sản Việt. Bên cạnh đó, phải thực sự tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, nói không với các chất cấm, chủ động về nguồn giống tốt, áp dụng chế độ quản lý, giám sát chặt chẽ; đồng thời chủ động nắm bắt thông tin thị trường để định hướng và quy hoạch vùng sản xuất, khai thác thêm thị trường mới… Có vậy mới có thể tránh tình trạng đổ xô trồng - chặt, nuôi nhiều rồi không biết bán ở đâu, liên tục va các cú sốc cung cầu, được mùa rớt giá…

Mới đây, giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cũng đã tổ chức lễ cam kết hai bên phối hợp tăng cường thúc đẩy tiêu thụ nông - lâm - thủy sản. Giải pháp đưa ra là cả hai bên sẽ cùng trao đổi, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu và hàng giả đối với vật tư nông nghiệp, nông - lâm - thủy sản; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản... Tuy nhiên, bàn về vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại một hội nghị có liên quan đến xúc tiến thương mại, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, muốn cải thiện hoạt động xuất khẩu nông sản thì ngay từ khâu sản xuất phải bám sát nhu cầu của thị trường, đồng thời phải đầu tư mạnh cho hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt đối với các loại nông sản mà chúng ta đang có thế mạnh xuất khẩu.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung chỉ đạo về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ để làm thật tốt 10 sản phẩm quốc gia có giá trị xuất khẩu cao trên 1 tỷ USD. Từ đó tập trung kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư để hướng tới xuất khẩu, chinh phục những thị trường khó tính. Đây là chủ trương đúng đắn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không có trọng tâm trọng điểm dẫn đến thực trạng “cái gì cũng ham” mà không có sản phẩm nào chủ lực.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục