Đê kè miền Tây rung rinh trước sóng dữ

Từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, hàng loạt đê biển trên địa bàn ĐBSCL bị sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tài sản của người dân. Đê biển không chỉ bị sạt lở ở những nơi chưa được xây kè bảo vệ mà cả những nơi được “mặc áo giáp” kiên cố...
Đê kè miền Tây rung rinh trước sóng dữ

Từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, hàng loạt đê biển trên địa bàn ĐBSCL bị sạt lở nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tài sản của người dân. Đê biển không chỉ bị sạt lở ở những nơi chưa được xây kè bảo vệ mà cả những nơi được “mặc áo giáp” kiên cố...

Thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Những ngày gần đây, đi dọc tuyến đê biển từ Bến Tre đến tận Cà Mau, chúng tôi thấy nhiều nơi liên tiếp bị sạt lở. Những người dân phía trong đê phải sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Chưa hết bần thần sau sự cố kè trước nhà mình bị sạt lở, bà Phan Thị Duy (nhà phía sau kè Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) kể: “Rạng sáng ngày 12-2, không biết biển động như thế nào mà sóng đánh vào rất dữ, có lúc cao đến hai, ba mét. Đêm đó, gia đình tôi không dám ngủ. Sóng biển đánh tràn qua kè làm ngập lênh láng. Đồ đạc trong nhà bị ướt, hư hỏng. Không biết thời gian sắp tới kè còn chịu nổi không?”.

Kè Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) mong manh trước sóng biển  Ảnh: Minh Luân

Đợt triều cường rằm tháng Giêng vừa rồi dâng cao, kết hợp với gió Đông Bắc cường độ mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo Trạm quản lý thủy nông thị xã Vĩnh Châu, khi tiến hành kiểm tra đê biển trên địa bàn đã phát hiện tuyến đê K43 (thuộc xã Vĩnh Hải) có ba đoạn bị sạt lở với chiều dài khoảng 70m. Hiện tại, chiều rộng mặt đê còn lại khá mỏng vì vậy nếu không được bảo vệ nhanh chóng thì nguy cơ vỡ đê sẽ rất cao.

Còn tại khu vực quanh cửa biển Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau), triều cường dâng cao, sóng biển đánh mạnh, làm ảnh hưởng đến khu vực phòng hộ xung yếu nơi đây. Ông Nguyên Văn Nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông, cho biết mấy năm trước tình trạng sạt lở vẫn diễn ra, tuy nhiên, năm nay từ sau Tết Nguyên đán việc sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Trên địa bàn chiều dài bờ biển 13km, diện tích rừng phòng hộ còn lại khoảng 500 ha. “Nếu không có giải pháp kịp thời và căn cơ thì dưới tác động sóng biển, rừng phòng hộ trên địa bàn chẳng bao lâu nữa xóa sổ”, ông Nhiên cảnh báo.

Ông Trương Văn Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, kè Gành Hào (huyện Đông Hải) bị sạt lở với chiều dài 50m, chiều rộng 10m, chiều sâu là 2,5m. Phần hành lang sau lưng tường kè bị sụp dài 41m, rộng 6m, sâu từ 0,5 - 1,5m. Còn tại kè đê biển Nhà Mát (đoạn tiếp giáp với Đồn biên phòng Nhà Mát) gió mạnh và sóng lớn (có lúc cao từ 5 - 10m) trên biển đã làm dầm mũ bị gãy 20,2m rớt xuống mái kè. Đoạn kè phía khu vui chơi của Công ty Ô tô Bảo Toàn giáp đê đất cũng xuất hiện 2 hố sụp và trồi mái kè dài 3m, rộng 3m, sâu 0,4m. Ngoài ra, tại cầu Chiên Túp 1 (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) cũng bị sạt lở đường dẫn 2 bên cầu với chiều dài 18m, rộng 3m, sâu 1m.

Theo ông Phương, Bạc Liêu cần khoảng 40 tỷ đồng để triển khai nhanh biện pháp khắc phục khẩn cấp để sạt lở và sụt lún không phát sinh thêm. Trong đó, gia cố kè Gành Hào là 25 tỷ đồng, kè Nhà Mát và cầu Chiên Túp 1 là 15 tỷ đồng.  Còn về ổn định lâu dài thì Bạc Liêu cần khoảng 210 tỷ đồng.

Sống chung với sóng biển

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, kè Gành Hào được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2005. Thời điểm này, công trình kè Gành Hào được xem như “bất khả xâm phạm”, chịu được tác động của “thủy thần”. Tuy nhiên chỉ hơn 10 năm sau công trình đã chịu không nổi tác động của sóng biển. Cách nay một năm kè Gành Hào cũng xảy ra cảnh sạt lở nghiêm trọng.

Tỉnh Cà Mau là địa phương có chiều dài bờ biển lớn nhất ĐBSCL với 254km, trải dài từ biển Đông sang biển Tây. Thời gian qua, Cà Mau cũng đã làm nhiều công trình kè bảo vệ đê biển. Tuy nhiên, cũng có những công trình phát huy hiệu quả nhưng cũng có công trình đầu hàng với “thủy thần”. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua, tỉnh cũng đã làm một số loại kè khác nhau như kè rọ đá, kè bản nhựa, kè ngầm tạo bãi… Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy hiện nay, mô hình kè ngầm tạo bãi đang phát huy hiệu quả cao.

Cũng theo ông Hoai, một trong những yếu tố quan trọng của kè ngầm tạo bãi là sống chung được với sóng biển. Cụ thể, loại kè này vừa cứng vừa mềm. Hai hàng cọc bê tông ly tâm của kè được làm kiêm cố, giữa các cọc bê tông có một khoảng hở nhất định, bên trong bỏ đá hộc vào. Vì vậy, khi sóng biển tác động vào kè thì một phần nước tràn qua làm tiêu hao một phần năng lượng sóng, giảm áp lực sóng lên thân kè. Một ưu điểm nữa của kè ngầm tạo bãi là phù sa phía sau kè được giữ lại. Vì vậy, sau một thời gian bồi lắng, cây rừng có thể tự phát triển hoặc trồng tạo thành “vành đai” xanh bảo vệ kè. “Hiện nay, các nhà khoa học cũng đang triển khai nhiều giải pháp kè khác nhau nhằm mục đích tìm những loại kè phù hợp nhất để đầu tư bảo vệ đê biển. Đến nay, chưa có mô hình kè nào có ưu điểm hơn kè ngầm tạo bãi. Dù vậy, chúng tôi cũng tìm những giải pháp, ứng dụng mô hình kè mới với mong muốn là giá thành hợp lý và đảm bảo được yếu tố bền vững. Trước đây, chi phí đầu tư cho loại kè ngầm tạo bãi giá thành khoảng 35 triệu đồng/m, hiện cải tiến giảm còn khoản 20 triệu đồng/m. Ông Hoai cho biết.

Phía trong kè ngầm tạo bãi, phù sa bồi lắng, cây rừng tái sinh Ảnh: NGỌC CHÁNH

Nhìn chung nhiều công trình kè kiên cố ven biển trên địa bàn ĐBSCL thời gian qua cũng chưa thể sống chung an toàn với sóng biển. Điều đó cho thấy cần có giải pháp kè hợp lý và căn cơ hơn, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan và bất thường.

 Sau sự cố sạt lở liên tiếp trên địa bàn, UBND tỉnh Bạc Liêu đã họp với các chuyên gia và các đơn vị như Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, Viện Thủy công… nhằm tìm giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài. Theo tư vấn của các đơn vị chuyên môn với UBND tỉnh Bạc Liêu thì giải pháp trước mắt là cần gia cố lại các nơi kè bị hư hỏng, hoàn thiện lại mái kè, tường kè; sử dụng Tetrapod (loại bê tông hình ba chân, có trọng tải lớn) đặt trên mái kè để phá sóng. Còn về giải pháp lâu dài, ông Dương Thanh Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề xuất chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cần có giải pháp gây bồi, tạo bãi đê biển Nhà Mát, cửa sông Gành Hào. Đồng thời cần nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật hiện đại để làm kè cho phù hợp với diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi.

NGỌC CHÁNH - MINH LUÂN

Tin cùng chuyên mục