Để không còn những cái chết oan vì súng đạn

Ngày 24-3, hơn 1,5 triệu học sinh và những người ủng hộ đã đổ ra các đường phố ở Washington D.C, New York cùng nhiều thành phố khác tại Mỹ và một số TP trên thế giới tham gia các cuộc tuần hành nhằm phản đối bạo lực súng đạn và kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. 
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng. Nguồn: Click2houston.com
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng. Nguồn: Click2houston.com

Tuần hành lớn nhất

Sự kiện này bắt đầu diễn ra vào buổi trưa, tuy nhiên, hàng ngàn người tham gia đã tụ tập hàng giờ trước đó trên đại lộ Pennsylvania gần Capitol Hill, hô vang khẩu hiệu, thông điệp phản đối bạo lực súng và yêu cầu chính phủ thắt chặt các biện pháp kiểm soát súng chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn trường học nói riêng và người dân nói chung. 

Tại thành phố New York, Thị trưởng TP Andew Cuomo và nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã đích thân tham dự cuộc tuần hành với hàng chục ngàn người tham dự gần công viên trung tâm. Ông Cuomo khẳng định: “Một ngày tuần hành là không đủ. Hãy tham gia, hãy hưởng ứng và tôi không nghi ngờ gì rằng hôm nay có thể là thời điểm thay đổi của nước Mỹ về vấn đề này”. Theo ban tổ chức, cuộc tuần hành mang tên March For Our Lives (tạm dịch: Tuần hành vì sinh mạng của chúng ta) và khoảng 800 sự kiện tương tự diễn ra ở khắp các thành phố trên toàn nước Mỹ và thế giới như ở London (Anh), Paris (Pháp) và Berlin (Đức)... 

Đây là cuộc tuần hành có quy mô toàn quốc lớn nhất nước Mỹ, được khởi xướng do những học sinh còn sống sót ở trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, Mỹ, nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu vào hồi tháng 2 vừa qua khiến 17 người thiệt mạng. Với khẩu hiệu Never Again (Không bao giờ nữa), các học sinh, sinh viên yêu cầu quốc hội thông qua luật cấm vũ khí tấn công, dừng bán các băng đạn và thắt chặt quy trình kiểm tra lý lịch người sở hữu súng. Họ cũng yêu cầu cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nỗ lực kiểm soát súng đạn. 

Lo ngại vũ trang hóa trường học

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại học đường, trong đó có quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh và giáo viên tại các trường học. 

Tuy nhiên, ý tưởng của ông Donald Trump về việc trang bị vũ khí cho nhân viên trong trường học đang đối mặt với nhiều chỉ trích do lo ngại nguy cơ vũ trang hóa trong môi trường giáo dục và những tai nạn bất ngờ. Thực tế đã có một giáo viên trung học phổ thông ở bang California vô ý làm súng nổ trong lớp học, khiến 3 học sinh bị thương. Theo cảnh sát địa phương, vụ việc xảy ra khi giáo viên Dennis Alexander, đồng thời là một cảnh sát dự bị, hướng dẫn học sinh về an toàn súng đạn và cách tước vũ khí của kẻ tấn công. Dù Nhà Trắng công bố quyết định cấm sử dụng bán súng liên thanh, cho phép súng bán tự động bắn nhanh như súng tự động nhưng nhiều nhà hoạt động đang kêu gọi có những luật phạm vi rộng hơn.

Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy càng ngày càng có nhiều người Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng nghiêm ngặt và thắt chặt các biện pháp kiểm tra lý lịch người mua súng. Tuy nhiên, người ta vẫn ít tin tưởng rằng giới lập pháp Mỹ sẽ có hành động cụ thể để giải quyết vấn đề trên do sự xung đột giữa các nhóm lợi ích.

Tin cùng chuyên mục