Dế mèn phiêu lưu ký - Sức sống diệu kỳ

Dế mèn phiêu lưu ký, tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đã đi trọn hành trình 70 năm kể từ năm 1942, sau khi nhà văn Tô Hoài hoàn tất tác phẩm mà ngay chính bản thân ông cũng không nghĩ rằng nó có sức sống mãnh liệt đến như vậy.
Dế mèn phiêu lưu ký - Sức sống diệu kỳ

Dế mèn phiêu lưu ký, tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đã đi trọn hành trình 70 năm kể từ năm 1942, sau khi nhà văn Tô Hoài hoàn tất tác phẩm mà ngay chính bản thân ông cũng không nghĩ rằng nó có sức sống mãnh liệt đến như vậy.

Ngày 20-11, tại Hà Nội, lễ kỷ niệm 70 năm Dế mèn phiêu lưu ký đã được tổ chức trong không khí trang trọng, ấm áp với sự có mặt của chính ông Dế mèn Tô Hoài cùng đông đảo các bạn hữu và nhiều thế hệ độc giả yêu mến tác phẩm này.

Dế mèn phiêu lưu ký được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bạn đọc nhiều nước yêu thích.

Dế mèn phiêu lưu ký được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bạn đọc nhiều nước yêu thích.

70 năm qua, kể từ khi ra đời đến nay, Dế mèn phiêu lưu ký luôn là cuốn sách thiếu nhi được đọc nhiều nhất ở Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Một vinh dự không chỉ riêng cho tác giả Tô Hoài - cha đẻ của Dế mèn mà còn là niềm tự hào cho văn học Việt Nam. Tác phẩm này không chỉ quanh quẩn ở bãi cỏ ven sông Tô Lịch, mà đã vượt qua biên giới quốc gia đến làm bạn với thiếu nhi của gần 40 quốc gia trên thế giới. Chính nhà văn Tô Hoài cũng thừa nhận rằng bản thân ông cũng chưa đi được bằng ấy nước.

Năm 1941, truyện Con dế mèn được in lần đầu tiên trong tuyển tập gồm 20 truyện ngắn của NXB Tân Dân. Ngay khi ra mắt độc giả, Dế mèn ngay lập tức tạo được sức hút kỳ lạ khiến ông Vũ Đình Long, Giám đốc của NXB Tân Dân khi đó đã gọi Tô Hoài - cậu thanh niên mới gần 20 tuổi lên gặp gỡ và đề nghị hợp tác viết kéo dài thêm câu chuyện về Dế. Một năm sau đó, hai tập tiếp theo của Dế mèn phiêu lưu ký ra đời đã đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài và của nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Tác giả Vũ Ngọc Phan khi nói về Tô Hoài và Dế mèn phiêu lưu ký đã từng khẳng định: “Ở nước ta, chưa có ai viết về loài vật được như ông. Nhiều nhà văn có lẽ do chịu ảnh hưởng của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký đã viết rất nhiều sách về giống vật, nhưng đa số họ chưa thành công và cho đến nay, Tô Hoài vẫn là người ăn “giải cạn” trong thể loại này”. Lồng trong câu chuyện của Dế mèn, những vấp váp đầu đời của một anh chàng hung hăng, kiêu căng tự phụ tuy có hơi “xấu xí” nhưng vẫn vô cùng đáng yêu. Bao nhiêu đứa trẻ đã rớt nước mắt cảm động vì tình anh em của Dế mèn và Dế trũi, gặp lúc gian nguy, cả hai trôi trên cánh đồng lụt, sắp chết đói, Dế trũi đã mời anh kết nghĩa ăn đôi càng của mình để sống, đừng chết uổng cả hai. Nhưng Dế mèn không nghe, vì thương em, và vẫn muốn em đừng vội ngã lòng trước nguy khó. Trường đoạn ấy giá trị hơn hàng ngàn bài học về đạo đức luân lý, bởi nó đã diễn tả vô cùng sống động và đầy cảm xúc chứa chan về lòng nhân ái vô hạn.

Nhà văn Tô Hoài tâm sự, khi viết Dế mèn, ông có hai cuốn sách gối đầu giường là Gulliver du ký (Jonathan Swift) và Con chim xanh (Maurice Maeterlinck). Chính cảm hứng từ hai cuốn sách đã khơi gợi trong ông những tò mò về thế giới bên ngoài và ước muốn được phiêu lưu. Dế mèn phiêu lưu ký không phải là chuyện đồng thoại đơn thuần mà mang những tư tưởng của lớp trẻ thời đó.

70 năm cho một cuộc hành trình độc đáo của một kiệt tác văn học dành cho thiếu nhi với biết bao cột mốc chinh phục bạn đọc đầy tự hào của tác giả, ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, khẳng định. Năm 1960, ba năm sau khi thành lập, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt ấn phẩm Dế mèn phiêu lưu ký đầu tiên, từ đó khai mở cuộc phiêu lưu của chú dế mèn đến với bạn đọc trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức thể hiện phong phú. Ấn phẩm chữ, ấn phẩm có minh họa, truyện tranh, những bản dịch bằng tiếng Nga, Anh, Pháp, Nhật, Thụy Điển, Khmer... và sắp tới là tiếng Hàn. Không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn, không chỉ bạn đọc Việt Nam mà độc giả cả thế giới, ngay cả ở những nước không biết đến con dế mèn là như thế nào cũng thích đọc, thích trải nghiệm cùng cuộc phiêu lưu của nhân vật văn học có một không hai này.

“Dế mèn đã trở thành Dế cụ “thất thập cổ lai hy” nhưng Dế mèn không già, không mỏi”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định. Dế mèn vẫn luôn tràn đầy khát khao lên đường tìm đến những chân trời khác lạ, được sống những cảnh đời mới. Và ai cũng tin rằng Dế mèn không vì sự ngăn trở của tuổi tác mà tiếp tục sống mãi trong hành trình khám phá những giấc mơ.

Vĩnh Xuân

>> "Dế mèn phiêu lưu ký" tròn 70 tuổi

Tin cùng chuyên mục