Đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam điều tra kẻ đứng sau dân nghèo để phá rừng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt câu hỏi: "Rất khó hiểu, tại sao đối tượng lại đi sâu vào rừng, đường đi hiểm trở để trồng keo? Vì nếu như trồng, chăm sóc, chặt, vận chuyển... thì lỗ chứ không thể lời. Chứng tỏ đối tượng này có tính toán để khi hồ thủy điện Sông Tranh 3 tích nước, sau này khu vực rừng này khai thác sẽ chuyển về đường Đông Trường Sơn".

>> >> Video ông Lê Trí Thanh trả lời báo chí về vụ phá rừng Tiên Lãnh

Ngày 22-9, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu kiểm tra thực địa hiện trường 124ha rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) bị tàn phá để... trồng keo.
Đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam điều tra kẻ đứng sau dân nghèo để phá rừng ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (bìa phải) đi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ 
Sau khi đi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu Công an tỉnh Quảng Nam điều tra làm rõ ai đứng sau vụ phá rừng phòng hộ. Và vụ án này "không có vùng cấm". 
Rừng phòng hộ bị phá để... trồng keo 

Phá rừng phòng hộ để trồng keo

Từ sáng sớm 22-9, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Quảng Nam dẫn đầu đoàn công tác vào Tiểu khu 556-557 rừng phòng hộ Tiên Lãnh, nơi có 124ha rừng bị tàn phá để trồng keo.

Sau 3 giờ đi bộ đường rừng, đoàn công tác mới đến nơi. Tại hiện trường, một cánh rừng bạt ngàn bị triệt hạ và đốt cháy lem luốc. Cây cối ngã đổ. Gốc cây vẫn còn tươi những vết cưa.

Rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị chặt phá
Sau khi báo chí nêu, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam, huyện Tiên Phước đã bắt quả tang một trường hợp là ông Phùng Văn Bảy, là người dân địa phương, cùng 7 người dân là người đồng bào Ca Dong có hành vi chặt phá rừng tại Khoảnh 5, Tiểu khu 556, rừng phòng hộ Tiên Lãnh.
Hiện, các đối tượng tham gia phá rừng đã bị Công an huyện Tiên Phước mời làm việc và lập hồ sơ.
Ngày 21-9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Tiên Phước cũng đã khởi tố vụ án hình sự về tội "Huỷ hoại rừng". Công an huyện Tiên Phước cũng đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố bị can.
Đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam điều tra kẻ đứng sau dân nghèo để phá rừng ảnh 4 Ông Lê Trí Thanh lội bộ 3 giờ đường rừng để kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh
Đến 16 giờ cùng ngày, đoàn công tác ra khỏi rừng và có cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tiên Phước, UBND xã Tiên Lãnh.

Ông Lê Trí Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, nguyên nhân xảy ra vụ phá rừng là do Hạt Kiểm lâm Tiên Phước sáp nhập vào Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đóng tại huyện Phú Ninh nên việc kiểm soát rừng gặp khó. Trong khi đó, kiểm lâm địa bàn chỉ có một người nên không đáp ứng được công tác bảo vệ rừng.

Rừng phòng hộ bị tàn phá
Ông Võ Hồng Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, cho biết: Trên địa bàn có một kiểm lâm địa bàn nhưng thay đổi liên tục. Xã có một cán bộ quản lý rừng nhưng mức lương thấp. Trong khi đó, diện tích rừng lớn, địa bàn phức tạp, giáp ranh nhiều địa phương khác. Thời gian qua, có bắt được một số trường hợp, khởi tố vụ án nhưng chưa đủ điều kiện để khởi tố bị can. Mặt khác, trên địa bàn có nhiều dân nghèo, trong khi cây keo là nguồn thu nhập chính nên người dân lén lút, "liều mạng" vào phá rừng để trồng keo. Mặt khác, việc giao khoán bảo vệ rừng với diện tích lớn, chỉ 200.000 đồng/ha/năm, lại chi trả chậm nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp khó. 

Đại tá Nguyễn Văn Cự, Trưởng Công an huyện Tiên Phước, cho biết: Thời gian qua, các vụ phá rừng thường phát hiện trễ, khi phát hiện thì cây người dân trồng đã lớn. Vì vậy, việc xác minh, điều tra đối tượng phá rừng gặp khó khăn. 

Ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, sau khi đi kiểm tra, "nhìn hiện trường để lại mà đau lòng".

Ông Hường Văn Minh đề nghị Chi cục Kiểm lâm phải tính toán lại phương án quản lý bảo vệ rừng vì hiện nay chỉ có một kiểm lâm địa bàn nên không thể bảo vệ rừng. Về phía huyện Tiên Phước, ông Hường Văn Minh hứa sẽ tính toán, hỗ trợ xã Tiên Lãnh bảo vệ rừng. 
Ông Hường Văn Minh cũng cho rằng, việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 3 khiến diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hồi để làm hồ thủy điện, người dân không có đất để sản xuất dẫn đến lấn chiếm đất rừng. Nếu sắp tới, thủy điện Sông Tranh 3 tích nước, đường Trường Sơn Đông lại sát bên cạnh nên việc bảo vệ rừng sẽ gặp khó khăn hơn nữa.
"Với những khó khăn này, không biết tôi có trụ nổi nhiệm kỳ này không? Thôi, bây giờ không đổ cho ai nữa, huyện, xã và kiểm lâm phải đứng ra chịu trách nhiệm, phải xử lý, phải giải quyết", ông Hường Minh thẳng thắn. 

Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết: nguyên nhân xảy ra phá rừng là quy chế phối hợp giữa kiểm lâm và địa phương chưa tốt. Vì vậy, sắp tới chi cục sẽ sắp xếp, hỗ trợ lực lượng để quản lý, bảo vệ rừng. Ai vi phạm phải bị xử lý nghiêm, tịch thu toàn bộ tài sản đã trồng trên diện tích vi phạm. Nếu đủ yếu tố thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can. 

Dân phát hiện, chính quyền không biết

Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, trong lúc đi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng, ông gặp nhiều người dân và dân nơi đây rất bức xúc. Bởi lẽ, các vụ phá rừng thì dân phát hiện rồi báo chính quyền, trong khi các cơ quan chức năng ở địa phương thì không ai biết.

Một gốc cây bị đốt cháy đen
Đại tá Nguyễn Đức Dũng đề nghị lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương phối hợp với người dân để quản lý, bảo vệ rừng. Đối với các vụ việc phát hiện phá rừng thì phải nhanh chóng xác minh, lập hồ sơ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can để chuyển công an xử lý nghiêm chứ không thể để cây mọc lên xanh rồi mới làm, lại không xác định được bị can thì không xử lý được. 
Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cảnh báo, phải kiểm soát kỹ, không cho người dân lấn chiếm rừng phòng hộ rồi chuyển ra đất lâm nghiệp, sau đó lại chuyển ra trồng cây khác. Đây là việc làm bị nghiêm cấm.
Ông Đức đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng phải xác minh, điều tra làm rõ những người phá rừng là hộ nghèo hay là ai đứng sau lưng? "Tôi biết rõ, ông Phùng Văn Bảy là hộ nghèo, có 1 vợ và 3 con thì lấy tiền đâu để trồng rừng? Vậy ai thuê họ làm? Vấn đề này cần làm rõ ai đứng sau lưng hộ nghèo để phá rừng?", ông Đức khẳng định. 
Ông Đức thừa nhận mình cũng có trách nhiệm vì phát hiện sớm (cuối tháng 8-2017), có đôn đốc nhưng chậm xác minh, xử lý, để đến khi báo chí vào cuộc rồi mới đi xử lý.
Ông Đức đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam điều tra, xử lý nghiêm và phải xác định rõ ai là người đứng sau lưng những người đồng bào dân tộc để phá rừng?

"Không có vùng cấm"

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra thực tế, những khu rừng bị phá ở Tiên Lãnh không có mục đích là lấy gỗ mà chủ yếu là để lấy đất trồng keo.

Ông Thanh cũng đặt câu hỏi là "Rất khó hiểu, tại sao đối tượng lại đi sâu vào rừng, đường đi hiểm trở để trồng keo? Vì nếu như trồng, chăm sóc, chặt, vận chuyển... thì lỗ chứ không thể lời. Chứng tỏ đối tượng này có tính toán để khi hồ thủy điện Sông Tranh 3 tích nước, sau này khu vực rừng này khai thác sẽ chuyển về đường Đông Trường Sơn".

Về trách nhiệm, ông Thanh cho rằng trong việc để xảy ra phá rừng thì có trách nhiệm của nhiều cơ quan. Trước hết là Ban Quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước chủ quan, thiếu việc tuần tra giám sát bảo vệ rừng; công tác nghiệm thu để thanh toán tiền dịch vụ môi trường cho cho người dân chậm.

Cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang
Đối với UBND xã Tiên Lãnh, đơn vị trực tiếp quản lý rừng, người dân... nhưng lại buông lỏng quản lý; công tác dân vận, tuyên truyền, vận động người dân và nắm bắt thông tin chưa kịp thời. Khi người dân phát hiện, báo về địa phương nhưng lại chậm xử lý.

Đối với Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, việc xử lý vi phạm về rừng chậm, có những vụ xử lý hành chính nên không có sức răn đe; lúng túng trong phương pháp tuần tra. Một số vụ đã khởi tố vụ án nhưng chưa đủ chứng cứ, công tác thu thập thông tin chậm, hiện trường bị xáo trộn khiến công tác điều tra, xử lý khó.

Đối với UBND huyện Tiên Phước, chưa sâu sát với thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng. Rừng bị phá, chính quyền xã buông lỏng mà không chấn chỉnh sớm; chưa kịp thời giao đất sản xuất cho dân khiến người dân phá rừng để trồng keo.

Đối với Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT, việc điều tra, xử lý các vụ phá rừng bị chậm. Chưa triển khai làm việc với các địa phương về công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng sau khi sáp nhập các hạt kiểm lâm. Về chuyên môn, nghiệp vụ trong các vụ khởi tố vụ án không đảm bảo.

"Khẩn trương củng cố hồ sơ vụ phá rừng tại Khoảnh 5, Tiểu khu 556. Chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam rút hồ sơ lên để điều tra, xử lý án điểm để răn đe. Phải tìm ra kẻ chủ mưu thực sự là ai. Phải tìm ra ai là người thuê ông Phùng Văn Bảy phá rừng. Và vụ án này không có vùng cấm trong xử lý vụ việc "- Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh 

Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh đề nghị UBND huyện Tiên Phước phối hợp với Chi cục Kiểm lâm rà soát, xác định chính xác diện tích rừng bị xâm hại có phải là 124ha hay là nhiều hơn? Bản chất vấn đề ở đây là gì? Khẩn trương giao đất, giao rừng cho người dân. Chủ động xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng. Phối hợp với Sở NN-PTNT nghiên cứu diện tích đất của người dân sản xuất trước đây mà nay đã đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ để người dân khai thác cây keo, nghiên cứu đền bù diện tích đất rừng này cho người dân.

Từ năm 2010 đến 15-9-2017, địa bàn xã Tiên Lãnh phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất (chủ yếu trồng rừng nguyên liệu), gây thiệt hại 124,821ha rừng tự nhiên, trạng thái rừng nghèo (gồm 87,913ha rừng phòng hộ, 36,908ha rừng sản xuất). Trong tổng số diện tích rừng thiệt hại nói trên có 68,296ha giao khoán bảo vệ rừng (do Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ) và 49,359ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng (do UBND xã Tiên Lãnh quản lý).

Riêng năm 2017 phát hiện 10 vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại 24,790ha. Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xử lý.

UBND huyện ban hành Quyết định thu hồi diện tích vi phạm và giao cho UBND xã quản lý 19 vụ/52,994ha, khởi tố hình sự 10 vụ và đang điều tra, xử lý 25 vụ. 

Tin cùng chuyên mục