Đề nghị nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng

Liên quan đến Dự án Luật Giáo dục sửa đổi (dự kiến được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp tới), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhiều vấn đề.

Theo đó, tại dự thảo mới nhất, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Dự thảo luật đã bổ sung khái niệm phổ cập giáo dục; tiếp tục quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập bắt buộc giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS; bổ sung chính sách miễn học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục công lập, hỗ trợ học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Đối với vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Thường trực Ủy ban) xin ý kiến UBTVQH về việc quy định rõ hơn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo hướng Nhà nước tăng cường và bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập nhưng không làm ảnh hưởng đến sự chăm lo cho giáo dục các lứa tuổi khác. Đồng thời, làm rõ quan điểm về phổ cập giáo dục bắt buộc (trước mắt là đối với giáo dục tiểu học - theo Hiến Pháp 2013), trong đó Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, học liệu, đội ngũ nhà giáo, sĩ số học sinh… để người học thực hiện nghĩa vụ học tập và đạt trình độ giáo dục phổ cập bắt buộc có chất lượng.

Về thi tốt nghiệp THPT, Luật Giáo dục hiện hành quy định: học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Về vấn đề này có 2 luồng ý kiến: một là phải thi, hai là không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Thường trực Ủy ban ủng hộ ý kiến thứ nhất và xin ý kiến UBTVQH.

Về thời gian học tập của học sinh phổ thông, hiện nay việc sắp xếp lịch học vào thứ bảy ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của gia đình người học và giáo viên do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ bảy và chủ nhật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc để không tổ chức dạy học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông, dành thời gian phù hợp cho các em tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng.

Về phát triển đội ngũ nhà giáo, Dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, bổ sung quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo; nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng và quy định nhà giáo được ưu tiên xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ; hoàn thiện quy định về tín dụng sư phạm.

Về chính sách lương nhà giáo, Trường trực Ủy ban cho rằng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (1996) khẳng định “giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Giáo viên phải có đủ đức tài”. Do đó, phải tập trung đầu tư, phát triển đội ngũ nhà giáo bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tiền lương: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”.

Điều 71 Luật Giáo dục 1998 thể chế hóa quan điểm trên, quy định “thang, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Nhà nước. Nhà giáo được hưởng phụ cấp nghề nghiệp và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”. Năm 2013, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết 29-NQ/TW) tiếp tục khẳng định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Điều này cho thấy sự nhất quán trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo và chính sách tiền lương của nhà giáo tương xứng với vị trí, vai trò đó. Do vậy, Thường trực Ủy ban xin ý kiến UBTVQH để thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.

Tin cùng chuyên mục