Đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời điều tra các vụ tham nhũng lớn

Góp ý dự án sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vào sáng 3-10, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị, cần bổ sung quy định Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, vì thực tế có những đối tượng tham nhũng phải ở tầm Quốc hội “ra tay” mới xử lý được.

Nét mới của dự luật lần này là cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó cơ quan, tổ chức, đơn vị khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm để dẫn đến tham nhũng. Cụ thể, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách, quản lý mà từ chức trước khi bị xem xét trách nhiệm thì được miễn bị xử lý kỷ luật, trừ khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đánh giá của các đại biểu, quy định mới này sẽ đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân người đứng đầu, giúp hình thành “văn hóa từ chức”. “Việc dự án luật tách vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thành một chương riêng sẽ đề cao vị trí, vai trò của người đứng đầu và khuyến khích tính chủ động của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, Phó Chánh Thanh tra TPHCM Trần Đình Trữ nhận xét.

Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, hiện nay việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực còn ít, xử lý kéo dài hoặc xử lý không đạt yêu cầu. Việc phát hiện tham nhũng chủ yếu là qua báo chí và đơn thư. Hiện tượng “ăn vặt” trở nên phổ biến, mối quan hệ xã hội đều quy về mối quan hệ tiền tệ. Người dân muốn hồ sơ được giải quyết nhanh thì “bồi dưỡng” cho cán bộ thụ lý và nói khéo là trả tiền lúc trước mượn. Đại biểu Khuê từng chứng kiến, một cán bộ tiếp nhận, trong khoảng một tiếng đồng hồ có 7-8 người cầm bì thư đến công khai nói là… trả nợ! Ông Trần Trọng Văn, đại diện Cục Hải quan TPHCM nhận định, hoạt động thanh, kiểm tra bên đảng, chính quyền phụ thuộc vào thủ trưởng, nên dù có phát hiện vẫn không nói được! Vì vậy, dự luật sửa đổi nên quy định hoạt động thanh, kiểm tra nội bộ phải mang tính chất độc lập thì may chăng mới tự phát hiện, chấn chỉnh. Ông Văn nêu ý kiến: “Ở góc độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, gắn chặt với các hoạt động kinh tế, xuất nhập khẩu có nhiều vấn đề tế nhị mà dư luận xã hội quan tâm. Dự án Luật PCTN lần này liệt kê 12 nhóm hành vi tham nhũng, trong đó bổ sung hành vi “nhũng nhiễu vì vụ lợi”. Thực tế không có chuyện cán bộ nhũng nhiễu khơi khơi, nhũng nhiễu cho vui mà phải gắn với quyền lợi hoặc “đòi hỏi” gì đó. Vì vậy, đề nghị cần coi hành vi nhũng nhiễu là tham nhũng mà không cần chứng minh đến yếu tố vụ lợi”.

Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Văn Tùng, Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự - Viện KSND cấp cao tại TPHCM bổ sung: “Người có chức sắc có hành vi nhũng nhiễu vì vụ lợi mà chỉ xử lý kỷ luật là không đủ sức răn đe. Bởi cán bộ có chức sắc quyền lực ở vùng sâu, vùng xa thường nhũng nhiễu 1 lần có thể chỉ 10.000 đồng nhưng nhiều lần thì lên đến 1 triệu đồng. Tương tự, ở một số nơi trên địa bàn TPHCM có tình trạng người buôn bán trên vỉa hè, lề đường với thu nhập không bao nhiêu nhưng phải đóng “hụi chết”. Đây là hành vi tham nhũng vặt, gây nhiều bức xúc cho xã hội. Nếu chỉ dừng ở mức xử lý kỷ luật thì sẽ không trị được tham nhũng”.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm, vòi vĩnh, tham nhũng vặt nếu không kịp thời được phát hiện, ngăn chặn và xử lý sẽ hình thành thói quen. Đến một lúc nào đó, đủ điều kiện sẽ dẫn đến tham nhũng lớn. Dự án Luật PCTN sửa đổi lần này đã bổ sung nhiều điều khoản mới, trong đó có mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, dự luật yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế còn phải có trách nhiệm thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và phối hợp ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi đó.

Tin cùng chuyên mục