Đề nghị xóa bỏ sự lệ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật

Một cuộc khảo sát mới nhất cho biết, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân sử dụng mà còn ảnh hưởng gián tiếp tới nhiều người khác, trong đó có trẻ em và người già.

(SGGPO).- Một cuộc khảo sát mới nhất cho biết, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân sử dụng mà còn ảnh hưởng gián tiếp tới nhiều người khác, trong đó có trẻ em và người già.

Tại các địa bàn được khảo sát thuộc cả ba miền Bắc – Trung – Nam cho thấy, nông dân đã và đang phải sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với thời gian dài: trung bình tại tỉnh An Giang là 16 năm, tại Nam Định là 22 năm, Phú Thọ là 23 năm...

Đó là thông tin được nêu ra tại Hội thảo quốc gia về việc xóa bỏ sự lệ thuộc vào hóa chất bảo vệ thực vật do ba trung tâm gồm: Trung tâm Phát triển nông nghiệp bền vững, Trung tâm Nghiên cứu về giới và môi trường, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển nông thôn tổ chức sáng 27-11 tại Hà Nội.

Cũng theo kết quả của khảo sát trên, có tới 86% nông dân cho rằng hóa chất bảo vệ thực vật là chất độc gây ảnh hưởng rõ tới sức khỏe của người dân cũng như làm ô nhiễm môi trường (đặc biệt là về nguồn nước). Điều đáng lo ngại hiện nay là việc lạm dụng hai loạt hóa chất gồm: Paraquat và Chlorpyrifos đang rất phổ biến nhưng 90% nông dân lại không hề biết tên cũng như kiến thức về hai hoạt chất này.

Về liều lượng, 31% nông dân đã sử dụng hóa chất ở mức cao hơn khuyến cáo. Nông dân trồng rau sử dụng nồng độ hóa chất bảo vệ thực vật cao hơn khuyến cáo nhiều hơn so với những nông dân khác.

Liên quan đến sức khỏe, có 8,5% nông dân khẳng định đã từng bị ngộ độc trong khi sử dụng hóa chất. Các triệu chứng mà số đông gặp phải  như mệt mỏi, nóng và ngứa, nhức đầu...

Do vậy, các chuyên gia của cuộc khảo sát đề nghị cần có nhiều thông tin hơn về tính độc hại của các hóa chất bảo vệ thực vật nói chung và hai hóa chất Paraquat và Chlorpyrifos, cần xây dựng nhiều mô hình sinh thái hữu cơ cũng như hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm sinh thái hữu cơ cho người nông dân.

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục