Để người có công ai cũng có nhà

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang nỗ lực cho chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019, với mục tiêu tập trung cải thiện nhà ở cho các hộ nghèo và yêu cầu đến cuối năm nay 100% người có công là hộ nghèo phải có nhà ở khang trang. Cũng như 2 lần tổ chức trước, chương trình sẽ diễn ra vào ngày 17-10 tới đây.

Có thể thấy, triển khai chương trình lần này chúng ta có những tiền đề thuận lợi. Đó là đã phát huy có hiệu quả truyền thống đại đoàn kết, trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa và tình cảm nhân ái, ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng. Các cuộc vận động xây nhà tình nghĩa, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, vì người nghèo, giúp người bất hạnh đều được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt thành.

Thống kê cho thấy, trong năm 2018, các địa phương trong cả nước tiếp nhận hơn 2.200 tỷ đồng giúp người nghèo. Không chỉ giúp tiền, nhu yếu phẩm để qua lúc ngặt nghèo, mà còn giúp người nghèo sửa nhà, tổ chức chăn nuôi, có phương tiện kiếm sống, giúp chữa bệnh, học nghề, lo cho con đến trường, cải thiện đời sống tinh thần.

Tại TPHCM, để giúp cải thiện nhà ở cho các hộ nghèo có người có công, thành phố đã có những thành quả và kinh nghiệm quý, huy động được sự tham gia của toàn xã hội bằng tình cảm chân thành và trách nhiệm. Riêng chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo SGGP tổ chức thực hiện, với sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đã xây dựng và trao tặng gần 1.400 căn nhà tình nghĩa, gần 30 công trình dân sinh, 4 đền đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn và trao tặng hàng ngàn suất học bổng có giá trị, cũng đã cho thấy những chương trình an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa hợp lòng dân, có tính nhân văn cao cả luôn huy động được sự hưởng ứng nhiệt thành.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể hài lòng khi tuần trước Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung thông tin cho biết hiện trên cả nước vẫn còn 1,3 triệu hộ nghèo; số hộ cận nghèo còn 1,2 triệu hộ. Trong đó 3 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% là Điện Biên (gần 38%), Cao Bằng và Hà Giang. Tỷ lệ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 55,27%. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa. Cần phải chăm chút khơi sức dân để chăm lo cho dân, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, tránh xu hướng hành chính hóa việc tổ chức vận động.

Cùng với việc tận dụng tuyên truyền vận động trên báo đài và mạng xã hội, cần vận động theo nhóm đối tượng, đa dạng hóa các phương thức tương trợ, công khai minh bạch và có giám sát chặt chẽ việc thu chi số tiền đóng góp; tuyên dương kịp thời để ghi nhận và nhân điển hình. Truyền thống đại đoàn kết và tình cảm nhân ái của nhân dân được phát huy chính là cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xã hội của Đảng và Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục