Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân:

Để nông nghiệp thành phố phát triển, phải chuyển mô hình từ hộ cá thể sang HTX

Để tồn tại trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã mới là hướng phát triển chủ yếu. Nông dân vẫn làm chủ đất đai, nhưng thông qua HTX để giải quyết bài toán thị trường.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tại hội thảo
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tại hội thảo

Ngày 3-12, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo mô hình đơn vị sản xuất cơ bản nông nghiệp TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, sau khi định hướng TP là trung tâm sản xuất giống cây, con của khu vực trong quá trình phát triển nền nông nghiệp đô thị, hội thảo này là nhằm xác định mô hình cơ bản của nông nghiệp TP trong thời gian tới. Theo con số khảo sát, 77% doanh số nông nghiệp TP là từ hộ cá thể, 15% nông dân liên kết với doanh nghiệp, 5% từ hợp tác xã và 3% từ trang trại. Nhưng về lâu dài hộ cá thể không phải là mô hình tối ưu trong nền kinh tế thị trường, việc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ nông sản được khuyến khích và trân trọng, nhưng không phải là cứu cánh. Bài học từ các nước cho thấy, để tồn tại trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã (HTX) mới là hướng phát triển chủ yếu. Nông dân vẫn làm chủ đất đai, nhưng thông qua HTX để giải quyết bài toán thị trường. Hộ cá thể không biết thị trường cần gì, như thế nào, chất lượng ra sao, trong khi thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có lượng hàng hóa nhất định, có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, phải có xuất xứ hàng hóa.

Những điều này chỉ HTX mới đáp ứng. Để tiếp cận nguồn vốn nhằm mở rộng sản xuất, HTX cũng sẽ dễ dàng tiếp cận hơn hộ cá thể nhờ có kế hoạch sản xuất, đầu ra sản phẩm... Với các tiến bộ kỹ thuật mà cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp chuyển giao thông qua HTX sẽ thuận lợi rất nhiều.

Thế mạnh của HTX không chỉ là đầu mối tiêu thụ nông sản, mà còn là lưu kho, sơ chế, chế biến trước khi tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; cung cấp đầu vào về vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá thấp hơn thị trường, không dưới 10% để nâng cao lợi nhuận cho từng thành viên HTX. Như vậy nếu muốn duy trì sự phát triển nông nghiệp TP phải chuyển đổi mô hình từ hộ cá thể sang HTX.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, vậy phải làm thế nào để thay đổi căn bản việc chuyển đổi này, biện pháp gì, nếu có đã đủ sự quyết liệt chưa? 

PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, HTX không làm thay việc nông dân... HTX chỉ giải quyết những vướng mắc của hộ cá thể là tiêu thụ, thông tin thị trường, cung cấp vật tư đầu vào giá thấp; đồng thời khẳng định, sản xuất tập thể nhưng không sở hữu tập thể. Yếu tố có tính quyết định sự tồn tại của loại hình này là chứng minh cho nông dân thấy hiệu quả của HTX mang lại cho từng thành viên chứ không phải dừng lại hiệu quả cho HTX. Vì vậy, HTX cần phải minh bạch và điều quan trọng là cần xây dựng HTX điểm là mô hình để nông dân có thể tìm hiểu, từ đó nhân rộng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, chợ đầu mối chiếm khoảng 85% tổng sản lượng nông sản tiêu thụ TP. khi chợ đầu mối quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc buộc phải tổ chức lại sản xuất, hộ cá thể phải vào HTX mới có thể đáp ứng các yêu cầu này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng, HTX là mô hình tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của nền kinh tế thị trường. Khảo sát của TP vừa qua cho thấy, lợi ích sau khi gia nhập HTX doanh thu tăng 1,1 lần nhưng lợi nhuận tăng 1,35 lần. TPHCM hiện có 230 tổ hợp tác, cần tập trung nâng cấp 10% - 20% trong số này lên HTX, TP đã có chính sách hỗ trợ cho HTX mới thành lập, nhưng cũng cần thận trọng, đảm bảo sự hiệu quả và hoạt động lâu dài của HTX. Muốn vậy cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu được lợi ích thiết thực và có mô hình chứng minh. Các huyện cần có kế hoạch tổ chức hội thảo cấp huyện; tiếp tục mời HTX làm ăn hiệu quả đến báo cáo, từ đó nhân rộng mô hình.

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, TP hiện có 41 HTX nông nghiệp với 2.235 thành viên, bình quân 54 thành viên/HTX. TP có kế hoạch xây dựng 7 HTX nông nghiệp điển hình ở 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Tin cùng chuyên mục