Để quản lý hiệu quả đô thị loại đặc biệt

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19-6-2015 có dành riêng một chương quy định về Chính quyền đô thị (chương III). Tuy nhiên, những quy định tại chương III dùng chung cho tất cả các loại đô thị trong cả nước. Trong khi đó, tại Điều 3 (Phân loại đơn vị hành chính) thì thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt.
Để quản lý hiệu quả đô thị loại đặc biệt

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19-6-2015 có dành riêng một chương quy định về Chính quyền đô thị (chương III). Tuy nhiên, những quy định tại chương III dùng chung cho tất cả các loại đô thị trong cả nước. Trong khi đó, tại Điều 3 (Phân loại đơn vị hành chính) thì thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt.

Hà Nội đã có Luật Thủ đô, vì vậy TPHCM rất cần có một mô hình hợp lý để quản lý hiệu quả đô thị loại đặc biệt trong khuôn khổ Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đòi hỏi này là chính đáng, những văn bản dưới luật cần phải có những quy định cho phù hợp với tầm vóc TPHCM.

Vỉa hè TPHCM đang được xanh hóa góp phần cho bộ mặt thành phố xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Việt Dũng

Bảo đảm những yêu cầu có tính chất nguyên lý trong quản lý đô thị

Lâu nay chúng ta tổ chức quản lý đô thị không có gì khác với địa bàn nông thôn. Những bất cập trong quản lý đô thị lâu nay xuất phát từ chưa phân biệt sự khác nhau giữa địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn trong việc thiết kế mô hình quản lý. Trong quá trình quản lý đô thị, các cấp chính quyền ở đô thị phải luôn đương đầu giải quyết những khó khăn như: tình trạng xây dựng hỗn loạn không tuân thủ quy hoạch, vấn đề cấp thoát nước, thiếu cây xanh, tình trạng thiếu nhà ở (nhà ổ chuột), nạn ùn tắc giao thông, đường sá xuống cấp, mạng lưới điện quá tải, ô nhiễm môi trường, thiếu công ăn việc làm, thất nghiệp, nghèo đói, tệ nạn xã hội, gia tăng dân số, trật tự giao thông… Các khó khăn này luôn tác động lẫn nhau, đan xen lẫn nhau làm cho quá trình quản lý đô thị đã phức tạp càng phức tạp thêm.

TPHCM được xác định là một trong hai đô thị loại đặc biệt của cả nước, là siêu đô thị. Vì vậy, nó phải được tổ chức vận hành phù hợp với những đặc thù riêng. Khoa học quản lý đô thị phải bảo đảm các nguyên tắc: Tổ chức quản lý đô thị theo nguyên tắc tập trung thống nhất cao, tránh tình trạng “cắt khúc”; phải dựa theo quy hoạch; bộ máy quản lý đô thị phải tinh gọn, con người phải có kiến thức về quản lý đô thị, hiểu biết về đô thị; luật pháp phải đồng bộ, pháp chế nghiêm, phương tiện quản lý dần dần phải được hiện đại...

Theo đó, đảm bảo tính chất tập trung, thống nhất trong quản lý đô thị, thực hiện theo hình thức chuyển giao mạnh cho cơ quan hành chính cấp dưới thông qua việc ủy quyền, vừa đảm bảo được vai trò quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của chính quyền thành phố, vừa đảm bảo sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời hạn chế được tình trạng quan liêu của bộ máy hành chính. Việc thực hiện cung ứng các dịch vụ công như điện, nước, giao thông, giáo dục, y tế... cần phải được tổ chức theo một mạng lưới quy hoạch chung trên toàn địa bàn đô thị, bảo đảm tính thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, do vậy cấp thành phố phải trực tiếp quản lý.

Đổi mới các mối quan hệ công tác chính quyền thành phố: Cần thiết phải xác định rõ các mối quan hệ chỉ đạo, điều hành, chấp hành, hướng dẫn, phối hợp trong chính quyền thành phố; phải có sự thay đổi về hình thức, phạm vi, tính chất và đặc biệt phải tăng cường tính hiệu lực của các mối quan hệ. Chính quyền thành phố phải xử lý các mối quan hệ giữa địa phương với Trung ương, giữa cơ quan hành chính các cấp với cơ quan chuyên môn sở, ngành và mối quan hệ ngành, lĩnh vực theo chiều dọc.

Đổi mới cơ chế phân cấp, ủy quyền quản lý

Trên cơ sở phân cấp, phân quyền nhiều hơn, rõ hơn cho chính quyền TPHCM mới có thể phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo, nhanh nhạy của chính quyền thành phố, để giải quyết tốt hơn, có hiệu quả hơn các nhiệm vụ đa dạng, phức tạp, nặng nề của quản lý nhà nước và tổ chức cung ứng dịch vụ công ở các đô thị đang phát triển nhanh hiện nay. Đẩy mạnh việc phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành Trung ương với chính quyền thành phố theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm cho chính quyền thành phố, đặc biệt là các nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển, quản lý kiến trúc xây dựng, đất đai, kết cấu hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường, tổ chức bộ máy, nhân sự... để đảm bảo được quyền chủ động của chính quyền thành phố trong việc quyết định các vấn đề đô thị trong phạm vi quy định của pháp luật và chính sách chung của Nhà nước.

Chính phủ cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn trên một số lĩnh vực để thành phố chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ, thẩm quyền trong phạm vi được phân cấp như thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính công, trong thu chi ngân sách, vay nợ, trong việc quyết định các kế hoạch, dự án đầu tư phát triển.

Những vấn đề mang tính chiến lược đối với phát triển của TPHCM thuộc thẩm quyền của Chính phủ, còn việc tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố.

Yêu cầu về năng lực quản lý đối với cán bộ, công chức

Khi có một mô hình tổ chức chính quyền phù hợp để quản lý một đô thị đặc biệt, khi được phân cấp mạnh thì vấn đề đặt ra là yêu cầu cấp thiết đối với năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố. Bên cạnh kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bổ trợ (như tin học, ngoại ngữ) thì nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý, nhất là quản lý nhà nước, là đòi hỏi cấp thiết đối với công chức để họ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ công tác được giao. Báo cáo đánh giá nhu cầu đào tạo công chức TPHCM vừa qua đã xác định ba nhóm năng lực liên quan là: (1) Kiến thức và kỹ năng quản lý chung; (2) Kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước tại TP; (3) Kiến thức và kỹ năng lãnh đạo tại TP.

Các kiến thức và kỷ năng này được xây dựng trên nền tảng phẩm chất, thái độ và hành vi tương thích nhằm giúp người công chức có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tương ứng với vị trí chức danh một cách chủ động và tích cực trong bối cảnh khó khăn, thách thức, yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong thực tiễn. Như vậy, TPHCM phải được quyền tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh thuộc thẩm quyền thành phố quản lý, không phải xin ý kiến bộ - ngành Trung ương; chủ động sắp xếp, bố trí, sử dụng và đưa ra các quyết định cần thiết về mặt nhân sự liên quan đến việc lựa chọn và sắp xếp, như tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng bậc; quyết định đãi ngộ, chế độ khen thưởng đối với cán bộ công chức; xây dựng chính sách thu hút cán bộ công chức đến các vùng sâu, xa, kém phát triển của thành phố, chính sách sử dụng nhân tài…

Chính phủ phải nghiên cứu, cập nhật những vướng mắc đối với sự vận hành và phát triển thành phố để tháo gỡ, giúp TPHCM đủ sức quản lý đô thị đặc biệt.

Cần thực hiện cơ chế mới về phân cấp, ủy quyền trong công tác quản lý hành chính nhà nước; đổi mới công tác chỉ đạo, lãnh đạo điều hành và đổi mới phương thức quản lý. Cụ thể là: Nâng cao trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách cần được làm rõ; việc phân định chức năng giữa các cơ quan phải rõ ràng, tránh chồng chéo, mỗi một việc phải có người chịu trách nhiệm chính. Mạnh dạn xóa bỏ được tư duy bao cấp trong quản lý, cái gì Nhà nước cũng ôm, cái gì cũng đòi xin - cho...  Tóm lại, phải mạnh dạn giảm nội dung quản lý theo xu thế cải cách hành chính, triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành và cung cấp dịch vụ công.

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục