Để quy hoạch không cản đường phát triển

Quy hoạch “treo” cũng đồng nghĩa với việc có đất nhưng không được cấp chủ quyền, không được xây dựng hay chuyển nhượng, kinh doanh…

 

Một khu đất trống bên đường Nguyễn Văn Linh, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một khu đất trống bên đường Nguyễn Văn Linh, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Đã nhiều năm qua, không ít người dân TPHCM bức xúc với quy hoạch “treo”. Bởi lẽ, quy hoạch “treo” cũng đồng nghĩa với việc có đất nhưng không được cấp chủ quyền, không được xây dựng hay chuyển nhượng, kinh doanh…
Quy hoạch vốn để định hướng phát triển đô thị, nhưng ở nhiều nơi đang trở thành “vòng kim cô” siết lại quyền lợi của cộng đồng dân cư. Trái với hình ảnh ngăn nắp, lớp lang, đẹp mắt trên những đồ án quy hoạch là rất nhiều khu dân cư lem nhem, nhếch nhác. Ở một đô thị đất chật người đông, mỗi tấc đất trở thành tấc “vàng” nhưng nhiều người có “vàng” khối trong tay lại chẳng được xài…

Lãng phí đất
Bà Đặng Thị Thu Thủy có đất tại hẻm 97, đường số 8, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 (TPHCM) nhưng bản thân gia đình bà 4 người phải đi thuê một phòng trọ chật hẹp gần đó để ở. Miếng đất “vàng” của bà Thủy nằm trong khu vực được quy hoạch đất giáo dục và đất hỗn hợp từ năm 2003. Không chỉ riêng hộ bà Thủy, mà gần 100 gia đình khác trong khu này đều dùng số nhà tạm do UBND phường cấp và không có hộ khẩu tại địa phương nên con cháu đi học luôn gặp khó khăn. Cùng tình cảnh, bà Trần Thị Thủy Tiên (phường Tân Quý, quận Tân Phú) cho biết, gia đình bà và khoảng 20 hộ ở hẻm 15 đường Cầu Xéo đã được cấp chủ quyền nhà đất, phần lớn đã xây nhà kiên cố từ 1-3 tầng theo giấy phép xây dựng của quận cấp. Năm 2008, khu vực này bất ngờ bị quy hoạch làm công viên cây xanh, thể dục thể thao. Lợi ích hợp pháp về quyền sử dụng nhà đất của người dân bắt đầu bị “siết” từ đó khi nhiều hộ có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mưu sinh hoặc có muốn bán nhà để chuyển đổi chỗ ở cũng không thể thực hiện được hoặc giá trị khu đất bị giảm đi rất nhiều so với các căn nhà khác trong khu vực.
Nhắc đến các điểm nóng quy hoạch ở TPHCM, không thể quên hàng ngàn hécta ở khu Nam. Theo quy hoạch tổng thể Khu đô thị mới Nam thành phố, đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1994, thì đây là khu đô thị hiện đại, đa chức năng; có trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học, công nghiệp sạch, văn hóa giáo dục, nghỉ ngơi, giải trí và dân cư. Tuy nhiên, sau 23 năm thì chỉ có Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hình thành, còn các khu đô thị đẹp đẽ khác vẫn nằm trên giấy. Hiện thực tế những khu đất “vàng” quanh các trục đường như Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng… đang là những vạt đồng lớn bỏ hoang hoặc khu dân cư cũ, xập xệ, môi trường sống không đảm bảo. Người dân suốt nhiều năm kiến nghị tha thiết hãy xóa bỏ quy hoạch để họ được cất nhà, tách thửa cho con. Trước tình hình đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Ban quản lý khu Nam và UBND huyện Bình Chánh đã thống nhất trình UBND TPHCM xin chủ trương hoán đổi chức năng của khoảng 55ha khu B sang khu chức năng khác cũng thuộc khu Nam, phần diện tích hiện tại để tự cải tạo chỉnh trang vì nơi đây mật độ xây dựng quá lớn sẽ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, các khu vực có mật độ dân cư cao quanh các trục đường Phạm Hùng, Lê Văn Lương, quốc lộ 50 cũng sẽ được rà soát và xem xét theo hướng đưa ra khỏi quy hoạch khu đô thị phía Nam thành phố, giao UBND các quận huyện lập quy hoạch chỉnh trang để làm cơ sở cấp phép và quản lý xây dựng. 
Quy hoạch đang chạy sau
Bản chất quy hoạch là những mục tiêu hướng đến để phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, nhiều quy hoạch hiện nay, thay vì định hướng, lại đang phải chạy theo sự phát triển của cuộc sống, cụ thể là qua những bức xúc của nhân dân. Vừa qua, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã phải trình UBND TP điều chỉnh cục bộ 178 khu vực quy hoạch, diện tích 4,2ha. Đồng thời, cũng xin chủ trương ghi vốn lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch đối với 105 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích 15.078ha. Như vậy, một đồ án quy hoạch thiếu tính khả thi không chỉ cản trở người dân thực hiện quyền lợi của mình mà còn gây tốn kém 2 lần cho ngân sách. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch cũng chưa phải là giải pháp căn cơ để giải quyết bức xúc của cộng đồng dân cư. 
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, hầu hết người dân bức xúc với quy hoạch vì chậm thực hiện nên đất đai bị lãng phí, đời sống người dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng, kiến nghị điều chỉnh của người dân đa phần tập trung vào quy hoạch đất công viên cây xanh, công trình công cộng, đầu mối hạ tầng kỹ thuật… và đây đều là những quy hoạch cần thiết cho một đô thị phát triển bền vững. Do vậy, nếu trong thời gian chưa có nguồn lực thực hiện quy hoạch nhưng có chính sách về nhà đất hợp lý, người dân vẫn được khai thác, sử dụng và hưởng lợi trên chính mảnh đất của mình thì chắc chắn họ sẽ đồng thuận với các đồ án quy hoạch. Ngược lại, các đồ án quy hoạch cũng sẽ có tính khả thi hơn, hạn chế việc điều chỉnh làm giảm chất lượng các đồ án, cũng như giảm sự phát triển đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật, do mỗi lần điều chỉnh sẽ giảm các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của đồ án. Chính vì vậy, Sở Quy hoạch và Kiến trúc kiến nghị rằng, các chính sách về nhà đất trong khu vực quy hoạch nên được nghiên cứu, điều chỉnh ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị…
Vừa qua, quận Tân Phú đã rà soát và đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với 40 ô phố và 3 tuyến đường. Hầu hết quy hoạch là đất công viên cây xanh, đất công trình công cộng, đất giáo dục, đất hỗn hợp, thương mại dịch vụ và đường giao thông được đề xuất điều chỉnh thành đất nhóm nhà ở hiện hữu chỉnh trang và đất nhóm nhà ở xây dựng mới và giảm lộ giới tuyến đường giao thông. Theo trần tình của UBND quận Tân Phú, phần lớn các khu vực đã được quy hoạch làm công viên cây xanh, công trình công cộng là đất còn thưa thoáng, đất trống, đất thổ mộ… nên các phương án quy hoạch này có tính phù hợp và khả thi. Tuy nhiên, do chưa xác định được nguồn lực thực hiện nên thời hạn thực hiện theo quy hoạch chưa được xác định cụ thể. Nếu chính sách về nhà đất hợp lý, có lẽ, UBND quận Tân Phú không phải điều chỉnh quy hoạch trong sự “tiếc nuối” như vậy!

Tin cùng chuyên mục