Để Rào Tre... vượt “rào”

Những mái nhà yên ả nằm rải rác dưới chân dải Trường Sơn. Đường giao thông, đường dây điện vào tận bản… Thoạt nhìn bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) không có gì đặc biệt. Nhưng khi đi vào từng góc bếp, trao đổi với từng người dân mới thấy ở đấy có quá nhiều điều lạ lẫm.
Để Rào Tre... vượt “rào”

Những mái nhà yên ả nằm rải rác dưới chân dải Trường Sơn. Đường giao thông, đường dây điện vào tận bản… Thoạt nhìn bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) không có gì đặc biệt. Nhưng khi đi vào từng góc bếp, trao đổi với từng người dân mới thấy ở đấy có quá nhiều điều lạ lẫm.

  • Nghèo... “chất lượng cao”!

Điều đó cũng dễ hiểu bởi họ - bà con người Chứt, dân tộc thứ 54 của Việt Nam, vừa rời hốc cây hang đá khoảng vài chục năm. Cuộc sống định cư chưa thành nếp, cộng với những khó khăn sẵn có của dải đất miền Trung khắc nghiệt, càng khiến cái nghèo quấn lấy họ. Nó dai dẳng rấm rứt như cung âm nỉ non, buồn buồn của cây đàn Trơ Bon - “tài sản tinh thần” có thể xem là duy nhất của họ còn tồn tại.

Tháng Chín. Cái nắng miền Trung vẫn như thiêu như đốt. Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, đoàn công tác của Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn vượt gần 100km đến bản Rào Tre khi trời vừa đứng bóng. Tiếp chúng tôi là những người lính đồn Biên phòng Bản Giàng.

Câu chuyện quay về những năm 1959 - 1960. Lúc đó, có thông tin về một cộng đồng người dân tộc, sống rải rác, du cư trong vùng rừng núi Kà Đay của dãy Giăng Màn, khu vực giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình và nước bạn Lào. Người ta tạm gọi bà con là người dân tộc Lá Vàng, bởi tập quán đào củ cây ăn, đến khi cây vàng lá và chết thì chuyển đi nơi khác. Cán bộ huyện Hương Khê cùng Công an vũ trang Hà Tĩnh đã vào tận rừng sâu và phát hiện bà con trong những hang đá, sống như những người rừng. Vận động được bà con ra khỏi rừng, chính quyền đã tổ chức định cư và bản Rào Tre ra đời. Khi đưa họ về định cư, các nhà khoa học mới tra cứu, gọi lại đúng tên là dân tộc Chứt.

Cả bản có 33 hộ dân với 130 nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp chưa đến 2ha, 1,2ha đất hoa màu và 2,2ha đất rừng sản xuất. Ít đất đã khổ, đã vậy mưa lũ xói mòn thường xuyên làm đất bạc màu, năng suất canh tác không cao nên người dân chưa thể tự túc được lương thực... Hiện bản có 1,8ha lúa nước mà sự hình thành là một câu chuyện dài về sự kiên nhẫn của bộ đội trong vận động, hướng dẫn bà con canh tác.

Thiếu tá Dương Thanh Tịnh dẫn mọi người ra khoe ruộng lúa nhưng kèm theo đó là nỗi băn khoăn: “Một năm 2 vụ lúa nhưng chỉ đến tháng 5, tháng 6 nhà nước phải cấp gạo cho từng hộ”. Vấn đề nan giải nhất, theo Thượng tá Võ Hồng Hải, đồn trưởng đồn biên phòng Bản Giàng, chính là trình độ nhận thức của bà con. Không chỉ chưa dứt bỏ được những tập tục lạc hậu trong sinh hoạt, những tính toán giản đơn nhất trong cuộc sống cũng là bài toán khó với bà con. Ở trạm biên phòng đặt tại bản có một kho gạo để phát hàng tuần hỗ trợ bà con.

Thiếu tá Tịnh cho biết: “Không dám phát tháng, vì đã từng phát nhưng ngay hôm sau con cái họ bị đói vì cha mẹ đem gạo đổi rượu hết rồi!”. Ngay khai sinh, hộ khẩu, giấy tờ nhà cửa (nếu có) thì bộ đội biên phòng cũng đi làm giúp rồi giữ hộ luôn!

Bữa ăn hàng ngày còn không biết tính nên việc học của con trẻ là chuyện của… làng xã. Đồng chí Nguyễn Văn Đình, Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên, người đã bám đất này 32 năm, mô tả sự học ở đây như hình chóp nón. Hiện cả bản có 17 cháu đang theo học cấp 1, lên đến cấp 2 còn được 13 em, có 2 em tốt nghiệp bậc trung cấp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhưng chưa được cấp bằng vì… thiếu bằng tốt nghiệp phổ thông. Không biết đến bao giờ Rào Tre mới có người đầu tiên thi vào đại học!

Ông Nguyễn Văn Đình, Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh (bên trái) trao đổi với Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn về cuộc sống bà con bản Rào Tre. Ảnh: VIỆT NGA

Ông Nguyễn Văn Đình, Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh (bên trái) trao đổi với Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn về cuộc sống bà con bản Rào Tre. Ảnh: VIỆT NGA

  • Y tế và chuyện vượt “rào”

Người dân ở đây đa số đều thấp bé, trẻ em còi đẹn, một số bị dị tật và thiểu năng bẩm sinh. Theo Bí thư Nguyễn Văn Đình, nhiều chuyên gia về y tế cho rằng đó là hậu quả của tình trạng kết hôn cận huyết dai dẳng từ bao đời nay. Người dân nơi đây đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm sức khỏe, bệnh tật, suy thoái giống nòi, tuổi thọ trung bình không quá 60…

Đồng chí cứ nhắc đi nhắc lại chuyện sức khỏe, y tế cho dân bản Rào Tre. Bản chưa có phòng khám y tế, người dân có đau ốm thì phải ra trạm y tế xã cách đó hơn 4km. Nhưng trạm y tế thì trang thiết bị hầu như chẳng có gì. Đó là công trình lắp ghép gồm 3 dãy nhà được xây dựng bằng 3 nguồn kinh phí vào 3 thời điểm khác nhau. Năm 1998, dãy nhà đầu tiên. Gần nhất, năm 2004, dãy nhà trệt làm phòng lưu trú. Trạm có 2 y sĩ, 2 hộ sinh và 1 dược tá, nhưng chưa có bác sĩ. Thiếu thầy, thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị nên hầu hết bệnh nhân hơi nặng là phải chuyển lên huyện điều trị. Nhiều gia đình không có kinh phí để điều trị tuyến trên đành phải quay về.

Người dân bản Rào Tre còn khổ hơn vì muốn ra trạm xá phải đi qua một con sông. Có cầu nhưng thường xuyên bị lũ chia cắt, như trận lũ năm 2010 đã làm bản bị cô lập cả tuần, muốn ra xã bà con phải cắt đường rừng đi vòng hơn 10km. Một phòng khám quân dân y đặt tại bản Rào Tre là mong mỏi của các chiến sĩ biên phòng và người dân nơi đây!

Bữa cơm trưa với các món măng và rau rừng đặc biệt sạch cuốn hút chúng tôi mặc điện bị cúp, nóng hầm hập. Tuy nhiên, chia tay bản Rào Tre, chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào khi các vấn đề liên quan đến mặt bằng, kinh phí, phương thức xây dựng phòng khám quân dân y bản Rào Tre đã được Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn thống nhất với lãnh đạo địa phương và bộ đội biên phòng.

Người dân Rào Tre có thêm điều kiện để được chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, có đủ tinh thần và sức lực vượt “rào” (rào trong địa danh Rào Tre là từ địa phương, có nghĩa là con sông) bứt phá, hội nhập cùng dòng chảy cuộc sống của xã hội hiện đại.

Cuộc di dời đã hơn nửa thế kỷ nhưng giờ đây, 100% bà con dân tộc Chứt vẫn thuộc danh sách hộ nghèo của xã. Các chiến sĩ biên phòng ngậm ngùi nhận xét: “Bà con ở Rào Tre thuộc dạng nghèo… chất lượng cao”. Nếu thu nhập bình quân của Hương Liên, một trong những xã nghèo nhất nước, được khoảng 6,5 triệu đồng/người/năm thì ở bản Rào Tre con số này còn thấp hơn nữa, trong đó có người chỉ có 50.000 đồng/người/tháng.

PHÚ KHUYNH

Tin cùng chuyên mục