Đề tài nghiên cứu khoa học “trùm mền” vì thiếu vốn

Đã có nhiều đề tài khoa học công nghệ tại Long An được nghiệm thu, đánh giá kết quả rất tốt lại không ứng dụng được trong thực tế.
Hiện nay, tại Long An đang tồn tại một nghịch lý người dân đang rất cần các ngành chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học để ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, đã có nhiều đề tài khoa học công nghệ được nghiệm thu, đánh giá kết quả rất tốt lại không ứng dụng được trong thực tế.
Nghiên cứu rồi ngồi chờ
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đến cuối năm 2016, Sở NN-PTNT tiếp nhận 16 đề tài khoa học công nghệ để chuyển giao nhân rộng từ Sở KH-CN Long An (trong đó có 9 đề tài được bàn giao từ tháng 6-2015).
Sau khi nhận bàn giao, sở đã có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, TP có nhu cầu đăng ký tiếp nhận ứng dụng đề tài trên. Năm 2015, đã có 8/9 đề tài đã được đăng ký nhu cầu chuyển giao nhân rộng.
Riêng đề tài “Ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả thâm canh bắp lai trên nền đất lúa huyện Đức Huệ” thì không có địa phương nào đăng ký.
Đến năm 2016, các địa phương tiếp tục đăng ký nhu cầu chuyển giao nhân rộng 6/7 đề tài.
Đề tài “Ứng dụng chọn tạo giống lúa chịu mặn, năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng rầy nâu phù hợp với vùng hạ huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành tỉnh Long An” cũng không có huyện nào đăng ký tiếp nhận. 
Đề tài nghiên cứu khoa học “trùm mền” vì thiếu vốn ảnh 1  Trồng rau xanh theo chuẩn VietGAP ở huyện Cần Giuộc (Long An). Ảnh: Kiến Văn   
Cũng theo bà Khanh, trên cơ sở đăng ký tiếp nhận của các địa phương, Sở NN-PTNT đã gửi công văn cho Sở KH-CN đề nghị hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai thực hiện nhân rộng các đề tài.
“Thế nhưng, đến nay, Sở KH-CN chỉ mới bố trí kinh phí nhân rộng được 1 đề tài là “Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trê vàng tại huyện Thạnh Hóa” với tổng kinh phí 190 triệu đồng. Các đề tài còn lại, Sở KH-CN đã có kế hoạch triển khai nhưng chưa bố trí được kinh phí”, bà Khanh phân trần. 
Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc Sở KH-CN Long An, lý giải: Cái khó lớn nhất của chúng tôi hiện nay là thiếu kinh phí. Kết quả nghiên cứu khoa học chỉ là bước đầu, muốn đưa vào áp dụng trong thực tiễn thì phải có kinh phí hỗ trợ cho dân.
Để triển khai một mô hình, sở hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng. Nhưng, để có đủ tiền triển khai đề tài đã nghiên cứu và được nghiệm thu là rất khó, vì nguồn kinh phí từ ngân sách cung cấp hàng năm cho khoa học công nghệ quá ít (các năm trước khoảng 10 tỷ đồng, nay đã giảm xuống). Hiện sở còn tồn 32 đề tài đã nghiên cứu.
Thiếu kết nối thị trường
Một số chuyên gia cho rằng, chính đầu ra bấp bênh là rào cản khiến các đề tài, dự án phần lớn vẫn đang chỉ ở dạng mô hình. Không chỉ riêng Long An, ở các địa phương khác, tình trạng này cũng tương tự.
Sở KH-CN làm “đầu mối” các đề tài nghiên cứu khoa học, sau đó chuyển giao cho các sở ngành để đưa về địa phương áp dụng thực tiễn, rồi nhân rộng mô hình trong dân. Nhìn trên tổng thể là phù hợp, nhưng khi triển khai thì có một số vấn đề chưa thích hợp.
Như đề tài “Nuôi trâu ở vùng Đồng Tháp Mười”, nội dung phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng Đồng Tháp Mười, nhất là vào mùa nước nổi, nhưng lại không triển khai được vì thiếu nguồn trâu giống, dân cũng chưa quen với kỹ thuật gieo tinh cho trâu.
Hay huyện Châu Thành là xứ sở thanh long của Long An, nhưng khi triển khai mô hình trồng thanh long theo chuẩn GlobalGAP thì chưa được dân ở đây ủng hộ, hợp tác.
Nguyên nhân là do đầu ra cho thanh long chưa ổn định, chi phí khi sản xuất theo tiêu chuẩn này rất tốn kém nhưng giá bán lại không cao so với cách trồng thường, đó là chưa nói đến chuyện dân cũng không đồng tình với cách làm của doanh nghiệp (dân muốn thanh long đủ độ chín mới hái, trái mới nặng ký; doanh nghiệp thì muốn hái khi thanh long mới chín, cho trái nhẹ ký).
Theo đề xuất của bà Đinh Thị Phương Khanh, khi nghiên cứu một đề tài khoa học phải có một đơn vị tiếp nhận để triển khai. Nói cách khác là nghiên cứu đề tài khoa học theo đơn đặt hàng. Ví dụ như Sở NN-PTNT dùng vốn nhà nước đặt hàng cho Sở KH-CN nghiên cứu đề tài, sau đó bàn giao cho Sở NN-PTNT, sở sẽ dùng vốn khuyến nông để nhân rộng ra thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho cán bộ khuyến nông, cho bà con nông dân tại các địa phương… Hay doanh nghiệp đặt hàng cho Sở KH-CN, sau khi nghiên cứu thành công, sở sẽ “bán” kết quả nghiên cứu lại cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất. Đây là hướng áp dụng khoa học công nghệ tốt nhất cho ngành nông nghiệp phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tin cùng chuyên mục