Để tự chủ đại học thực sự hiệu quả

Tự chủ đại học vẫn tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm của giáo dục đại học (GDĐH). Còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ để tự chủ đại học thực sự có hiệu quả.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học
Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học
Kết quả tích cực
GS-TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho biết trường có quy mô đào tạo trung bình trên 20.000 sinh viên, học viên. Sau khi được thực hiện thí điểm tự chủ, nhà trường đã thành lập ngay hội đồng trường để ban hành các văn bản về cơ cấu bộ máy, tổ chức, giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, xây dựng đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động… Nhà trường đã vận dụng quyền tự chủ trong sử dụng, bổ nhiệm nguồn nhân lực trình độ cao, tiếp tục bổ nhiệm một số cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu được kéo dài thời gian công tác, quản lý.
Trong lĩnh vực chuyên môn, Trường ĐH Thương mại đã chủ động trong mở ngành, liên kết đào tạo, cân đối chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành theo nhu cầu xã hội, chuẩn hóa toàn bộ các khâu của quá trình đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau tốt nghiệp đạt khoảng 90%. Hiện tổng nguồn thu của trường đạt khoảng 230 tỷ đồng/năm từ học phí, ngân sách, thu dịch vụ khác, chuyển giao khoa học công nghệ…
Nguồn thu tăng cho phép nhà trường bù đắp được phần ngân sách nhà nước không cấp chi thường xuyên 20 tỷ đồng trong năm 2017. Trong đó, tổng chi sự nghiệp năm 2017 tăng 55% so năm 2015 đối với tiền lương, thu nhập tăng thêm, nghiệp vụ chuyên môn, học bổng và chính sách hỗ trợ cho sinh viên, trích lập các quỹ, đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. 
Qua hơn 1 năm làm thí điểm tự chủ, Trường ĐH Thương mại đã giải quyết được vấn đề học phí tăng, bảo đảm cơ hội học tập cho những đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, chất lượng giảng dạy được nâng lên. Tuy nhiên, tương tự một số trường ĐH tự chủ khác, Trường ĐH Thương mại cho biết còn nhiều vướng mắc trong sử dụng nguồn học phí để đầu tư cơ sở vật chất, “hiện phải được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo Luật Đầu tư công”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, theo tinh thần tự chủ thì Bộ GD-ĐT đồng ý với chủ trương đầu tư dự án mà hội đồng trường của các trường ĐH tự chủ đã quyết định. “Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra lại vấn đề này. Trong dự thảo Luật Giáo dục, Luật GDĐH sửa đổi tới đây, dự kiến đưa vào nội dung đầu tư các dự án từ nguồn học phí không được coi là ngân sách, không phải theo quy định Luật Đầu tư công”, ông Phúc cho biết thêm.
Phải có “bộ luật” của trường
Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ đối với cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017, Bộ GD-ĐT cho biết, đến nay, đã có 23 cơ sở GDĐH công lập được Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động theo quy định của nghị quyết. Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá đạt kết quả tốt, các cơ sở GDĐH tự chủ đều đã có sự phát triển nhất định, được xã hội ghi nhận, qua đó có sự lan tỏa làm cho toàn hệ thống GDĐH có sự chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao năng lực tự chủ và đảm bảo chất lượng. 
Hiện Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập để làm căn cứ cho các trường thực hiện. Cụ thể, chia mức độ tự chủ của các đơn vị theo 3 mức (gộp đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên làm một mức) để phù hợp với tình hình thực tế. Về tự chủ học thuật, các cơ sở GDĐH công lập đã được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục được tự chủ toàn diện trong các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Về tự chủ tài chính, cho phép các cơ sở GDĐH được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp do cơ sở GDĐH tích lũy và tự huy động; cơ sở GDĐH chuyển sang áp dụng cơ chế hạch toán như doanh nghiệp được quyết định các dự án đầu tư từ nguồn vốn hợp pháp của cơ sở GDĐH như quy định đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá số lượng cơ sở đào tạo được tự chủ toàn diện chưa cao. Sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm 2018, bộ sẽ đẩy nhanh sắp xếp các trường sư phạm và ĐH trực thuộc theo hướng tự chủ, bỏ cơ quan chủ quản, tăng cường công tác kiểm định để hình thành “văn hóa chất lượng”, gắn tuyển sinh với nhu cầu sử dụng, siết chất lượng đầu ra. 
Vừa qua, khi làm việc với bộ GD-ĐT, về vấn đề tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT xem xét, chỉ đạo thực hiện “mô hình mẫu” tự chủ, bỏ bộ chủ quản đối với 1 - 2 trường ĐH trực thuộc về tổ chức bộ máy, hội đồng trường, chuyên môn, tài chính… để các cơ sở GDĐH khác làm theo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu các Bộ GD-ĐT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cần tạo thuận lợi tối đa về thủ tục đầu tư dự án, quy trình thẩm định, ra văn bản đồng ý chủ trương… khi các trường ĐH đã tự chủ được nguồn vốn.
Tương tự, khi nhà trường đã tự chủ được về quỹ lương thì hoàn toàn có thể tự ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc đối với những cán bộ, giảng viên đến tuổi nghỉ hưu. Đối với những trường hợp bổ nhiệm chức vụ, chức danh quản lý, cần xem theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo những trường hợp vướng, đề nghị đặc cách.
Để tự chủ ĐH thực sự, cần phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử, giống như “bộ luật” của trường, trong đó quy định rõ quy trình tuyển người, phân bổ thu nhập, đánh giá thi đua, khen thưởng. Bộ quy tắc đó phải được xây dựng, thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, hội đồng trường và là căn cứ để thực hiện giám sát nội bộ, giải trình trách nhiệm với xã hội.

Tin cùng chuyên mục