Để tuyển tập truyện ngắn giữ chân độc giả

Các tuyển tập truyện ngắn xuất hiện trên thị trường gần đây, dù góp thêm món ăn tinh thần cho độc giả, song cũng đang bộc lộ cách làm cẩu thả, tùy tiện của một số đơn vị... 

Nhắc đến các tuyển tập truyện ngắn, nhiều độc giả vẫn chưa quên bộ sách Văn mới do Công ty sách Đông A thực hiện cách đây gần 15 năm, do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn theo tiêu chí là những tác phẩm đặc sắc nhất của những tác giả mà tên tuổi gắn liền với thời kỳ đổi mới và vẫn đang đi tiếp trên con đường sáng tạo văn học.

Bắt đầu từ năm 2014, bộ sách Văn mới được chuyển sang NXB Trẻ cũng do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn. Đến nay, bộ sách đã giới thiệu đến độc giả 3 tuyển tập: Văn mới 2014-2015; Văn mới 2015-2016 Văn mới 2016-2017. 

Một đơn vị cũng khá bền bỉ với thể loại tập truyện ngắn này là NXB Văn học. Không tính những tuyển tập theo chủ đề được xuất bản trước đây, từ năm 2009, đơn vị này bắt đầu giới thiệu đến độc giả những tập truyện ngắn của nhiều tác giả theo từng năm. 

Bên cạnh các đơn vị xuất bản, tuyển tập truyện ngắn còn được ra đời từ các cơ quan báo chí. Chẳng hạn, Báo Nhân Dân cuối tuần phối hợp cùng NXB Văn học thực hiện tuyển tập 30 truyện ngắn, được tuyển lựa từ những truyện ngắn xuất sắc nhất, từng đăng tải trên Báo Nhân Dân cuối tuần 30 năm qua.

Ngoài ra, có thể kể đến tuyển tập truyện ngắn Không đầu, không cuối, không biết tại sao do Báo Lao Động cuối tuần phối hợp cùng NXB Văn học thực hiện; tuyển tập Mưa suốt tháng giêng (Báo Tiền Phong Chủ nhật và NXB Văn học), Ánh sáng giữa đời thường (Báo Người Lao Động và NXB Hội Nhà văn)… Một số cơ quan báo chí như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng thường có những tuyển tập truyện ngắn.  

Nhờ được đầu tư, chăm chút cả nội dung lẫn hình thức nên bộ sách Văn mới ngay từ khi ra mắt đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nói về việc dừng lại khi bộ sách đang đạt được thành công nhất định, ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty sách Đông A, cho biết: “Văn mới đã xuất bản trong 10 năm liên tục. Trong 10 năm, có được thành công như vậy là nhờ nhà văn Hồ Anh Thái bỏ công sức tuyển chọn. Tôi cho rằng, 10 năm là đủ cho một chặng đường của một tủ sách, cần phải khép lại, mình không thể làm tốt hơn được nữa thì nên chuyển giao cho một đơn vị khác có thể làm tốt hơn”. 

Trái ngược với sự chăm chút để tạo dấu ấn trong lòng độc giả, một số đơn vị lại có cách làm tuyển tập truyện ngắn cẩu thả, tùy tiện. Truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá khá nổi tiếng của nhà văn Đỗ Bích Thúy, từng được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành phim Chuyện của Pao, được đưa vào trong một tuyển tập của NXB Thanh Niên, tên tác giả chuyển thành Đỗ Bích Thủy.

Điều đáng nói là bản thân tác giả cũng không hề biết đến sự tồn tại của tập sách này. Hay mới đây, nhà văn Võ Thu Hương ngạc nhiên khi truyện ngắn Vết thương của cây bàng của chị được in trong tuyển tập 20 truyện ngắn hay về người mẹ do NXB Hồng Đức ấn hành.

“Nếu đã làm sản phẩm văn hóa thì cần phải có văn hóa, chí ít là phải biết xin phép khi sử dụng sản phẩm của người khác. Nếu như với tất cả các tác giả đều không cần xin phép, chỉ đọc thấy phù hợp rồi ngang nhiên lấy về in sách bán thì việc kiếm tiền và ra một cuốn sách dễ dàng quá. Đáng tiếc là việc như thế vẫn xảy ra không hề ít”, nhà văn Võ Thu Hương bày tỏ.

Thể loại sách văn học vốn đang kén độc giả. Bởi vậy, việc tổ chức và xuất bản những đầu sách cần được đầu tư, chăm chút cả về nội dung lẫn hình thức, đó là một cách giữ chân độc giả. Tiếc rằng, chỉ vì lợi nhuận mà một số đơn vị đã tự làm hỏng đi thương hiệu lẫn uy tín của mình.

Tin cùng chuyên mục