Đề xuất không thi chung đề, chỉ chung buổi

Các chuyên gia đề xuất phải có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì. 

Ngày 13-9, Bộ GD-ĐT phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra". Kỳ thi 2018 với những sự cố gian lận gây rúng động đã được mổ xẻ để tìm ra giải pháp tốt nhất cho kỳ thi 2019.

Tại tọa đàm, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho hay, từ sự cố gian lận thi cử năm nay, về giải pháp công nghệ cho kỳ thi Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện tiếp.

“Công nghệ dù có hoàn chỉnh đến đâu thì cũng là sản phẩm cho con người làm ra nên con người quyết định sự thành bại. Từ kỳ thi 2018 bộ đã thấy cần hoàn thiện một số vấn đề”, ông Trinh nêu quan điểm. Trong đó phải hoàn thiện ngân hàng đề thi với số câu hỏi đủ lớn, đạt chất lượng, phù hợp với tính chất của kỳ thi.

Đề xuất không thi chung đề, chỉ chung buổi ảnh 1 Các đại biểu dự tọa đàm thi cử ngày 13-9. Ảnh: ĐBND
“Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo bộ, chúng tôi rất tích cực hoàn thiện kỳ thi này từ nay cho đến khi kết thúc thi theo chương trình- sách giáo khoa hiện hành. Đây cũng là sự chuẩn bị nhuần nhuyễn để phục vụ cho tổ chức kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến kỳ thi đầu tiên sẽ vào năm 2024. Trong lộ trình này cần tính toán để việc đổi mới thi là lộ trình không bị ngắt quãng, không bị sốc”, ông Trinh thông tin.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, về phương thức tổ chức thi, Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương thức thi này cho đến năm 2020, những năm tiếp theo trên tinh thần kế thừa kết quả phương án thi các năm trước và khắc phục tồn tại của kỳ thi năm 2018.

Trong khi đó, từ góc độ trường đại học, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội đánh giá rất cao kỳ thi hiện hành, một phần là do “các trường đại học rất nhàn bởi vì các khâu lọc điểm bộ đã làm hết, chúng tôi chỉ xét từ trên xuống”. Với sự cố gian lận thi cử vừa qua, ĐHQG Hà Nội rất lo lắng về năng lực học sinh, nhưng về cơ bản không có sự khác biệt lớn so với những năm trước.

Tuy đánh giá cao phương án thi hiện nay, nhưng GS Nguyễn Đình Đức cũng phân tích về tác động của kỳ thi “2 trong 1” này. Thực tế ở ĐHQG Hà Nội cho thấy số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất rất nhiều, có khoảng 700 em/năm trong 2 năm gần đây, chiếm khoảng 10%. Bên cạnh đó số lượng thí sinh ảo rất nhiều.

“Khác với trước đây đã đỗ trường nào thì thí sinh sẽ học luôn trường đó, nhưng bây giờ các em có nhiều lựa chọn. Một điểm đáng chú ý nữa là xu hướng lựa chọn ngành xã hội nhân văn rất lớn, chưa bao giờ tỷ lệ này bùng nổ như bây giờ, cho thấy xu hướng học sinh đang lựa chọn những ngành dễ học. Đây là vấn đề cần được cảnh báo”, GS Nguyễn Đình Đức nêu.

Đề xuất không thi chung đề, chỉ chung buổi ảnh 2 Các thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia 2018
GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, kỳ thi “2 trong 1” đang nhiều vấn đề nảy sinh. 156 tổ hợp xét tuyển là quá nhiều. “26 điểm tổ hợp Toán, Lý, Hóa rõ ràng khác với 26 điểm tổ hợp Địa, Giáo dục công dân hay môn xyz nào đó. Theo thông lệ thế giới là tổ hợp phải có Toán, Ngữ văn và Lịch sử.  Do vậy, cần cân nhắc về tổ hợp xét tuyển, bởi nếu tổ hợp xét tuyển không cơ bản thì lợi bất cập hại, tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chất lượng bị ảnh hưởng”, GS Nguyễn Đình Đức cảnh báo. GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, đề thi giá trị cốt lõi phải có Toán và Ngữ văn, với ngành ngoại ngữ có thêm ngoại ngữ, ngành y có thêm môn Sinh học, Hóa học, “không nên tràn lan tổ hợp xét tuyển như hiện nay”.

Đáng chú ý, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT cho hay, tại cuộc làm việc của Bộ GD- ĐT với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa qua, các chuyên gia đã đề xuất nên gọi là kỳ thi “2 trong 1 buổi” chứ không phải “2 trong 1 đề” như hiện nay. Tức là phải có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì. 

Tin cùng chuyên mục