Đề xuất sửa đổi mức thu cấp quyền khai thác khoáng sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 203/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan. 
 Khai thác cát dưới đáy sông Ảnh: THÀNH TRÍ
Khai thác cát dưới đáy sông Ảnh: THÀNH TRÍ

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi có Nghị định 203/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, về cơ bản công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã đạt được các mục tiêu đề ra; quá trình thực hiện đã rút gọn, thủ tục thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả rõ rệt. Công tác phối hợp quản lý của các cơ quan nhà nước (khoáng sản, thuế) được tăng cường, hạn chế tối đa sự sai sót khi triển khai công tác tính, thẩm định và trình phê duyệt kết quả tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp với đặc thù của từng loại, nhóm khoáng sản. Và đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 203/2013/NĐ-CP đã thu về ngân sách nhà nước hơn 15.000 tỷ đồng từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Tổng hợp báo cáo từ 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, về tổng kết 4 năm thực hiện Nghị định 203/2013 cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể, nhiều dự án khi xem xét cấp phép khai thác thiếu những thông tin cơ bản về địa chất và khoáng sản (như trữ lượng địa chất huy động khai thác, trữ lượng địa chất ở thể tự nhiên hoặc ở thể nguyên khai thể hiện không rõ ràng cụ thể…) nên việc xác định trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác gặp khó khăn; một số giấy phép cấp trước Luật Khoáng sản năm 2010, có trữ lượng xác định theo các tài liệu tìm kiếm, đánh giá, mức độ tin cậy thấp, rủi ro cho các đơn vị khai thác khoáng sản; một số mỏ do vướng mắc trong công tác thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa thể đưa mỏ vào khai thác, chưa có doanh thu nên khó khăn trong việc thực hiện nộp tiền; chưa có quy định về hoãn, giãn (gia hạn) thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp chưa thể triển khai khai thác do gặp trường hợp bất khả kháng; chưa có quy định về việc hoàn trả, đối trừ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp hết thời hạn khai thác, nhưng trữ lượng khoáng sản của mỏ vẫn còn hoặc tổng trữ lượng đã khai thác nhỏ hơn trữ lượng được cấp theo giấy phép khai thác khoáng sản; chưa có quy định về việc điều chỉnh, trừ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã nộp trong trường hợp trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khai thác khoáng sản...

Do đó, để tiếp tục thực hiện và giải quyết những tồn tại vướng mắc trên; đồng thời để phù hợp với thực tế của công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản của các bộ ngành và địa phương, nhưng vẫn bảo đảm sự tuân thủ pháp luật khác có liên quan, cần thiết xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 203/2013. Theo đó, nghị định sửa đổi sẽ quy định rõ trình tự thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan theo quy định của pháp luật liên quan, với hình thức phù hợp; tạo thuận lợi nhanh chóng hiệu quả; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, đủ năng lực năng lực tài chính tham gia hoạt động khai thác khoáng sản.

Chính vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 203/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan. Theo đó, dự thảo đề xuất mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) được quy định theo 7 nhóm loại có giá trị từ 1% - 5%. Cụ thể: Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, bao gồm cát lòng sông, bãi bồi và đất sét gạch ngói có R là 5%; vật liệu xây dựng thông thường (cát san lấp, đất san lấp) 3,5%; các loại vật liệu xây dựng thông thường còn lại (trừ nguyên liệu sản xuất cát nhân tạo) là 3%; than bùn 1%; nguyên liệu sản xuất cát nhân tạo 1%. Nhóm khoáng sản nhiên liệu than các loại (trừ than bùn) là 2%. Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng và khoáng chất công nghiệp gồm đá ốp lát các loại, dolomit 1%; cát trắng, đất sét chịu lửa, diatomit 3%; đá hoa trắng, đá silic sản xuất bột siêu mịn, đá vôi nguyên liệu xi măng, vôi công nghiệp 3%; đất sét nguyên liệu xi măng 2%; đá vôi chất lượng cao dùng trong công nghiệp hóa chất, thực phẩm 1%; dolomit dùng trong công nghiệp chịu lửa, hóa chất 1%; khoáng sản vật liệu xây dựng và khoáng chất công nghiệp còn lại 2%; các loại khoáng sản kim loại khác 2%. Nhóm khoáng sản kim loại  bao gồm sắt, mangan, titan 2%; thiếc, wonfram, cromit sa khoáng 1%; thiếc, wonfram, antimoan, niken trong đá gốc 1%; vàng, bạc đi kèm khoáng sản khác 1%; vàng, bạc trong quặng gốc 2%; vàng, bạc trong quặng phong hóa 3%; đất hiếm 2%. Nhóm khoáng sản đá quý, đá mỹ nghệ gồm đá  quý 2%; đá bán quý, đá cảnh 1%. Nhóm khoáng sản nước nóng, nước khoáng và khí CO2 là 1%.

Tin cùng chuyên mục