Đếm “đầu” tivi thu phí tác quyền âm nhạc: Khó chấp nhận

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc cho biết, VCPMC gặp rào cản công nghệ trong việc tính toán khi các đơn vị kinh doanh có thể mở tivi nhưng không nghe nhạc mà chỉ xem các chương trình khác.
Đầu tháng 5-2017, hàng trăm khách sạn 1-3 sao tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) chi nhánh phía Nam thông báo “Chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh”.
Ngày 25-5, tại Bộ VH-TT-DL, Cục Bản quyền tác giả, cùng đại diện của VCPMC đã gặp gỡ báo chí để làm rõ hơn những vướng mắc quanh việc thu phí bản quyền âm nhạc này.
Liệu có phí chồng phí?
Đếm “đầu” tivi thu phí tác quyền âm nhạc: Khó chấp nhận ảnh 1 Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC
Số tiền mà VCPMC đưa ra là 25.000 đồng/phòng/năm đối với phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi. Tuy đây số tiền không lớn, nhưng việc thu tiền nghe nhạc qua tivi khiến nhiều người thắc mắc, bởi lẽ, khi sử dụng truyền hình cáp, họ đã phải trả tiền cho đơn vị cung cấp dịch vụ rồi. Về thắc mắc này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết đây là điều bình thường, Hà Nội, TPHCM đã được thu hơn 10 năm.
Ông Phương giải thích: “Điều này rất dễ hiểu. Cá nhân, tập thể, sử dụng âm nhạc trong lĩnh vực của mình nhằm phục vụ cho công việc kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền. Sử dụng tác phẩm nghĩa là sử dụng tài sản của tác giả để kinh doanh thì phải nghĩ đến chủ nhân của chúng”.  
Về việc thu tiền tác quyền “đếm đầu” tivi, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói thêm: “Tivi mà dùng riêng ở gia đình thì không có vấn đề gì, nhưng ở đây là dùng trong kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền. Chỉ cần làm một phép so sánh thế này, nếu không có tivi, dịch vụ của khách sạn sẽ bị giảm. Việc sử dụng tivi là để nâng cao chất lượng dịch vụ. Qua tivi có âm nhạc thì có nghĩa là âm nhạc đã được các chủ khách sạn sử dụng vào mục đích kinh doanh. Như vậy thì việc phải trả tiền tác quyền là đương nhiên”.
Trả lời câu hỏi các đài truyền hình đều đã phải nộp phí tác quyền âm nhạc, các khách sạn cũng đã phải trả các gói thuê bao truyền hình cáp hàng tháng thì việc VCPMC tiếp tục đòi thu tác quyền âm nhạc khi xem tivi thì có phải phí chồng phí? Ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc cho biết, VCPMC thu tác quyền đối với các đài truyền hình là quyền truyền đạt tới công chúng. Trước thắc mắc các đơn vị kinh doanh có thể mở tivi nhưng không nghe nhạc mà chỉ xem các chương trình khác, làm thế nào để có cơ sở tính phí thu, VCPMC thừa nhận họ gặp rào cản công nghệ trong việc tính toán vấn đề này. Ông Giang cũng cho rằng chủ kinh doanh cũng không thể kiểm soát nhạc trên tivi bởi âm nhạc còn bao gồm nhạc hiệu, nhạc quảng cáo, nhạc phim...
Tuy nhiên việc thu tiền và chia cho các tác giả âm nhạc như thế nào từ số tiền đó cũng đang khó khăn, cảm tính vì không biết chính xác người ta xem bài hát nào, bao nhiêu lần. Việc chi trả trước mắt khó khăn, không chỉ của Việt Nam và còn của cả thế giới - ông Giang chia sẻ. Trước mắt, trung tâm “nhờ” các chủ khách sạn lập danh sách giúp, đưa ra cập nhật sử dụng thường xuyên những bài hát nào. Khi hoàn tiền tác quyền cho nhạc sĩ sẽ dựa trên danh sách tự khai. 
Không hợp lý
Đại diện Bộ VHTT-DL tại buổi gặp gỡ - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh, theo Luật sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên thì việc triển khai văn bản thu phí bản quyền tác giả âm nhạc ở Đà Nẵng là hợp pháp. “Tuy nhiên việc thu như thế nào, mức phí bao nhiêu lại là vấn đề khác” - ông Hùng nói. Nếu như tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm có tài sản và ủy quyền cho các tổ chức liên quan thì các tổ chức này chỉ được thu phí cho các hội viên của mình và có tài sản của mình. Còn thu không đúng hội viên, thu không đúng tài sản thì là việc làm trái pháp luật!
Về mức phí đưa ra cố định 25.000 đồng/tivi, ông Hùng cho biết, đây là giao dịch dân sự, các bên có tài sản đưa ra mức phí để đàm phán với bên khai thác sử dụng. Công việc này phải có lộ trình, quy trình cụ thể để tìm ra tiếng nói đồng thuận. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng các hình thức khác hoặc khởi kiện ra tòa và khi đó tòa sẽ quyết định mức thu đó là đúng hay không đúng.
Vì thế đối với các biểu giá, theo VCMPC là đã tính toán phù hợp với khu vực, với quy mô, nhưng điều đó chưa chắc đã phải phù hợp với toàn bộ các khách hàng. Do đó không thể đưa ra mức giá cứng nhắc một chiều là 25.000 đồng, đây là điều khó chấp nhận, chưa phù hợp với thực tế, chưa phù hợp với bên khai thác sử dụng. Và quan trọng hơn cả, không phải vì không thỏa thuận được mà công chúng không được thưởng thức âm nhạc.
Đại diện Cục Bản quyền tác giả đề nghị VCMPC thực hiện đúng quy trình, đúng luật, đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Mổ xẻ sâu hơn về “công văn” của trung tâm này gửi cho các khách sạn ở Đà Nẵng, ông Hùng cho rằng việc “đề nghị liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả…” là không hợp lý, vượt quá thẩm quyền. Phía trung tâm không thể “ngồi một chỗ” rồi buộc mọi người trả tiền vì đây là đối tượng không phải bắt buộc phải đến xin phép, chỉ phải trả tiền bản quyền - ông Hùng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục