Đến Tây Nguyên, tưởng nhớ tướng Hoàng Thế Thiện

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trung đoàn 174 (19-8-1949 - 19-8-2019) và 60 năm mở đường Trường Sơn (1959-2019), Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 174 tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa tri ân đồng đội. 

Chúng tôi “hành quân” về chiến trường cũ Đắc Tô - Tân Cảnh để liên hệ với địa phương xây dựng bia tưởng niệm gần 200 liệt sĩ của trung đoàn đã hy sinh tại đây, khi chạm trán với lữ dù khét tiếng 173 của Mỹ trên điểm cao 875 cuối năm 1967. Tôi nhớ đến tướng Hoàng Thế Thiện.

Đến Tây Nguyên, tưởng nhớ tướng Hoàng Thế Thiện ảnh 1 Tướng Hoàng Thế Thiện trên đỉnh Trường Sơn năm 1973
Giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng Tây Nguyên và những đám mây trắng lang thang trên bầu trời xanh lam quyến rũ, tôi như thấy gương mặt vị tướng họ Hoàng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 1, Chính ủy Bộ đội Trường Sơn... hiển hiện. Tôi bỗng nhớ đến bài thơ: “Thăm lại Tây Nguyên” của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện viết ngày 1-1-1972, khi ông được giao làm Chính ủy Bộ đội Trường Sơn: Khi xưa là lính Bê Ba/Nay người truyền tải hàng ra chiến trường.../Mấy lời gửi bạn tiền phương/Hẹn ngày thắng lợi lên đường gặp nhau...

Trở lại chiến trường xưa, chúng tôi không gặp lại vị tướng chính ủy. Nhưng hơi ấm bàn tay và dấu chân ông như vẫn còn đâu đây. Tôi vẫn như thấy ánh nhìn ấm áp và nụ cười thân thiện của tướng Hoàng Thế Thiện. Ông mỉm cười khích lệ, động viên chúng tôi tiếp tục làm những việc nghĩa tình, tri ân đồng đội, tưởng nhớ những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước.

Kể từ ngày có Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện ở quận Tân Bình (TPHCM), năm nào đến ngày giỗ cụ, tôi cũng được gia đình mời dự. Và cách đây hơn 40 năm, trong một chuyến tháp tùng cụ đi công tác (Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế) đã dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt.

Ấy là dịp cụ đến thăm cơ sở khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng của Quân khu 7 tại một căn cứ kháng chiến cũ trên đất miền Đông Nam bộ. Sáng sớm ấy, đến nhà khách “đối ngoại” của Quân khu 7, tôi gặp một vị tướng dáng cao, khuôn mặt hồng hào, mái tóc hoa râm và đặc biệt nụ cười thật thân thiện, gần gụi. Biết tôi là phóng viên được cử đi công tác cùng đoàn, tướng Thiện nói: “Nếu nhà báo không ngại thì lên xe đi cùng tôi”.

Tôi ngại thật. Không dám. Đang phân vân thì Phó Tư lệnh Quân khu 7 - Thiếu tướng Nguyễn Văn Bứa (thường gọi là ông Hai Hồng Lâm) - nói ngay: “Thủ trưởng cho phép thì nhà báo đi cùng xe với thủ trưởng nhé?”. Thế là chuyến công tác ấy, tôi có may mắn được tháp tùng vị tướng mà cánh báo chí chúng tôi đã từng nghe và không phải ai cũng có cơ hội được diện kiến.

Tướng Hoàng Thế Thiện hỏi thăm gia đình và công việc của tôi. Tôi báo cáo với cụ, trước khi về làm báo, tôi là lính chiến thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 5. Nghe thế, giọng Thiếu tướng trầm ấm: “Lính Công trường 5 chống Mỹ hả. Tớ cũng ở miền Đông với Sư 5 đấy”. Cụ gần gũi, thân mật mà nói thế. Với tôi, khi được giao nhiệm vụ tháp tùng cụ, tôi đã tìm hiểu về vị tướng trận mà cán bộ, chiến sĩ toàn quân hầu như ai cũng biết danh.

Gốc quê ở Hà Nam, nhưng tướng Hoàng Thế Thiện sinh ra và trưởng thành từ đất cảng Hải Phòng. Trước năm 1945, ông đã tham gia cách mạng, vào Đảng Cộng sản Đông Dương và bị địch bắt. Vượt ngục, tháng 8-1945, ông là một trong những cán bộ chủ chốt lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Thái Nguyên. Năm 1947, ông vào quân đội. Gần nửa thế kỷ làm người lính bộ đội Cụ Hồ, bàn chân ông in đậm trên mọi nẻo đường đất nước. Trong đó phải kể đến những dấu mốc quan trọng như: Chính ủy Trung đoàn Sông Lô (1948), Trưởng đoàn cán bộ quân sự Trung ương tăng cường cho Nam bộ (1949), Chính ủy Trung đoàn Tây Đô (1950), Chính ủy Cục Không quân (1959), Chính ủy Sư đoàn 1 (1966), Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1973), chính ủy đầu tiên Quân đoàn 4 (2-1975), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế (1977), Trưởng ban B68 Trung ương đặc trách giúp cách mạng Campuchia (1978), Phó Tư lệnh chính trị (Chính ủy) Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (1979), Thứ trưởng thứ nhất Bộ LĐTB-XH (1982)...

Được tháp tùng một vị tướng lừng danh như thế, lòng tôi tràn dâng cảm xúc. Biết tôi vẫn “đơn chiếc”, tướng Thiện đùa vui: “Tớ mà còn con gái nữa sẽ gả cho cậu - cánh nhà báo quân đội năng động lắm”. Mặt tôi đỏ lên vì xúc động. Chuyến công tác ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Tôi cố gắng quan sát, ghi chép từng khoảnh khắc hoạt động của vị tướng lừng danh mà tôi hằng kính trọng. Tôi không thể ngờ rằng, vị tướng đã xông pha trận mạc ấy lại am hiểu về kinh tế đến thế. Kết thúc chuyến công tác, kỹ sư Thung - một trong những người chủ trì dự án vật liệu xây dựng - nói với tôi: “Cụ (tướng Thiện) hiểu biết nhiều về kỹ thuật. Cụ góp ý, chỉ đạo thật trúng, thật quý”.

Năm 2008 về công tác tại Báo SGGP, nhân kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (1959-2009), chúng tôi tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Đợt hoạt động này, không chỉ viết bài giới thiệu Trường Sơn hôm qua và hôm nay mà còn lập quỹ để xây dựng các công trình tình nghĩa, tri ân đồng đội và góp phần chia sẻ, chăm lo cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn đang gặp khó khăn. Trở lại Trường Sơn, nơi in dấu chân mình và đồng đội, tôi được nghe kể nhiều về các tướng lĩnh lừng danh của Trường Sơn, trong đó có Chính ủy Hoàng Thế Thiện.

Lại nữa, khi nghỉ hưu, tham gia Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng), tôi được biết, cuối năm 1967, trên đường vào Nam bộ, Trung đoàn 174 của chúng tôi đã bổ sung vào Sư đoàn 1 do ông Hoàng Thế Thiện làm Chính ủy đánh trận Đắc Tô - Tân Cảnh. Vậy là vị tướng lừng danh họ Hoàng này không còn xa lạ mà chính là thủ trưởng trực tiếp của chúng tôi. Tướng Hoàng Thế Thiện xứng danh vị tướng chính ủy mà nhân dân và bộ đội tôn vinh. Các thành phố lớn TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... đã có đường phố mang tên Hoàng Thế Thiện. Nên chăng các địa phương dọc dãy Trường Sơn huyền thoại cũng có công trình văn hóa - kinh tế nào đó mang trên vị tướng chính ủy này!

Tin cùng chuyên mục