Đi tìm dấu xưa thành cổ

Trong những trầm tích ấy có dấu xưa thành cổ gắn liền với anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan và anh hùng dân tộc Lê Lợi. Cho đến nay, trải qua bao biến thiên lịch sử, những dấu tích của thành Vạn An, thành Lục Niên vẫn còn hiện hữu. 
 Thành Lục Niên đóng trên núi Chủ thuộc dãy núi Thiên Nhẫn
Thành Lục Niên đóng trên núi Chủ thuộc dãy núi Thiên Nhẫn
Nam Đàn (Nghệ An) không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt, đất phát nhân tài, mà nơi đây còn mang trong mình những trầm tích văn hóa, lịch sử.

Những phát hiện thú vị

Thành Vạn An được Mai Thúc Loan (vua Mai Hắc Đế) cho xây dựng từ năm 713 trong cuộc dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường. Thành Vạn An được các nhà nghiên cứu sử học khẳng định là đại bản doanh của Mai Hắc Đế, nằm cách sông Lam khoảng 1km về phía Bắc. Ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An, nói, cách đây hơn chục năm, khi ông đến khảo sát thành Vạn An, những người cao tuổi sống ở đây cho biết, trước đây vẫn còn những đoạn tường thành dài, được đắp bằng đá phủ đất khá cao. Tuy nhiên, do khu vực này dân cư sống đông đúc nên nay chỉ còn lại một ít dấu tích của tường thành.

Năm 2014, các nhà khảo cổ học của Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Bảo tàng Nghệ An đã thực hiện cuộc thực địa điều tra về di chỉ thành Vạn An. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện nền móng của một công trình xây dựng cổ lộ thiên nằm ở sườn núi Lỗ Ngồi (xã Vân Diên). Đầu năm 2015, di tích này được tổ chức khai quật. 

Tại điểm khai quật nằm phía sau lăng mộ của vua Mai Hắc Đế, các nhà khảo cổ đã phát hiện nền, móng trụ bằng đá được kè kiên cố, ở giữa bó nền có một bậc thềm dẫn xuống sân, các chân tảng bằng đá chế tác đơn giản được đặt trên các móng trụ… Bên cạnh các dấu tích trên, trong lòng kiến trúc cũng phát hiện nhiều di vật như: ngói mũi lá, đồ sành, sứ đặc trưng của văn hóa thời Trần… Điều đặc biệt là di tích này có kiến trúc khá khác lạ với số gian thiên là số chẵn (6 gian), khác với số gian lẻ thường thấy ở các kiến trúc phổ biến cùng thời kỳ. 

Tại điểm khai quật gần vị trí khai quật ban đầu, các nhà khảo cổ phát hiện một mặt bằng kiến trúc hình vuông, có diện tích 129,6m2, còn nguyên bó nền và gia cố trụ móng... Điều khá thú vị tại địa điểm này đó là gạch bó nền hình chữ nhật và múi bưởi thời Tùy - Đường. Điểm khai quật này cũng phát hiện nhiều di vật như: tượng chim uyên ương, tượng đầu rồng, tay rồng, lá đề, đầu đao được làm từ đất nung... Ông Nguyễn Đức Kiếm cho rằng, di tích này được trang trí theo kiểu kiến trúc hoàng gia và liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. “Đây là một quần thể kiến trúc thời Trần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Nghệ An và cũng là kiến trúc sớm nhất do triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng để tôn vinh, ghi nhận công lao của vua Mai Hắc Đế được biết tính đến thời điểm này”, ông Kiếm nhận định.  

Theo cuốn Lịch sử Nghệ An dẫn lại sử liệu cũ, thành Lục Niên được Lê Lợi cho xây đắp vào cuối năm 1424 sau khi kéo quân vào Nghệ An. Thành Lục Niên là bàn đạp chiến lược để nghĩa quân Lam Sơn hạ thành Nghệ An ở phía Bắc, nơi quân nhà Minh đang chiếm đóng… Tháng 2-1425, Lê Lợi cho vây hãm thành Nghệ An và đã hạ được thành này. 

Hắt hiu thành cổ 

Thành Lục Niên nằm cách trung tâm xã Nam Kim khoảng vài kilômét. Thành được xây dựng ở lưng chừng núi Chủ thuộc dãy núi Thiên Nhẫn. Tuy nhiên, nếu không có tấm biển chỉ dẫn đặt bên đường thì khó có thể hình dung về sự hiện diện của thành cổ này. Mất một tiếng đồng hồ lần tìm đến khu vực thành nhưng không thấy dấu vết, chúng tôi phải xuống núi nhờ ông Đặng Thanh Hà (73 tuổi, một người dân địa phương), dẫn đường quay lên núi. Vượt qua con dốc dựng đứng, mở ra trước mắt chúng tôi là hai thung lũng rất rộng. Ngay dưới chân núi lớn là đền thờ Phật Quan Âm. Theo ông Hà, đền này do các Phật tử ở địa phương xây cách đây 6 năm. Lần qua nhiều tầng sim, mua, lau lách, về phía sau đền chừng vài chục mét là bức tường thành được xếp bằng đá núi phủ đất nằm lẩn khuất trong các lùm cây, đây chính là mặt trước của thành Lục Niên. Do được lớp cây bụi và rừng thông bao bọc nên nhiều đoạn tường thành vẫn còn khá nguyên vẹn. 

Đoạn thấp nhất khoảng 0,6m, cao nhất hơn 2m, độ dày của tường từ 1,2 - 1,5m. Bức tường mặt trước của thành dài khoảng 200m, hai bức tường phía Đông và Tây khoảng gần 100m/bức kéo từ lưng núi lên đỉnh núi. Phía dưới chân núi, cách cửa thành chừng vài trăm mét là một thác nước có độ cao khoảng 7-8m, khá đẹp nằm lẩn khuất trong rừng cây. Ông Hà cho rằng, rất có thể đây là nguồn nước để cung cấp cho nghĩa quân Lam Sơn, vì đây là nguồn nước duy nhất trong khu vực.  

Ông Hà kể: “Hồi nhỏ, bọn tui thường lên đây, thành còn nguyên vẹn hơn bây giờ. Dân biết đây là thành cổ, từng là nơi đóng quân của Lê Lợi nên rất tự hào và gìn giữ, nếu không thì cũng tan hoang rồi. Di tích này từng được xếp hạng là di tích lịch sử, danh thắng và đưa vào danh mục được bảo vệ. Tuy nhiên, lâu nay, di tích này đã bị bỏ quên”. 

Tại Phòng VH-TT-DL huyện Nam Đàn cũng không lưu giữ một tư liệu nào về thành cổ Lục Niên. Ông Bùi Trọng Lĩnh, Phó phòng, phải gọi điện “cầu cứu” một số người hiểu biết về thành cổ này để tìm tư liệu cung cấp cho chúng tôi. Ông Lĩnh cho biết, thành Lục Niên từng được xếp hạng di tích và danh thắng vào năm 1964, nhưng không rõ di tích cấp huyện, tỉnh hay quốc gia (?). Lâu nay, ngành văn hóa cũng không thực hiện việc kiểm kê di tích hay đưa vào danh mục cần quản lý, bảo vệ thành Lục Niên. “Đây là một thành khá nổi tiếng trong lịch sử nhưng lâu nay ngành giao cho xã quản lý, cắm biển chỉ dẫn và bảo vệ di tích. Hiện ngành văn hóa chưa có chủ trương khảo sát, đánh giá để xếp hạng và phục dựng di tích”, ông Lĩnh nói.

Tin cùng chuyên mục