Đi tìm điều giản dị

Thay vì chạy theo mốt hay những trào lưu mới để khẳng định “chất trẻ”, “chất chơi” của bản thân, nhiều bạn trẻ lại ưu tiên lối sống tối giản. “Càng hiện đại, càng đơn giản” là điều mà nhiều người trẻ đang hướng đến để cân bằng cuộc sống ngày càng bận rộn và hạn chế lệ thuộc vào những thiết bị công nghệ, mạng xã hội cũng như quần áo hay mỹ phẩm.
Nhiều bạn trẻ tìm niềm vui đơn giản và ý nghĩa, thông qua các hoạt động thiện nguyện
Nhiều bạn trẻ tìm niềm vui đơn giản và ý nghĩa, thông qua các hoạt động thiện nguyện

Bớt công nghệ

Gần như tách biệt hẳn với không gian trẻ trung và nhộn nhịp của quán cà phê trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3). Một góc nhỏ yên tĩnh phía cuối quán, nhóm bạn trẻ vừa trò chuyện vừa trao đổi một số hạt giống cây, hoa và rau củ cùng nhau. 

Chia sẻ về niềm vui giản dị bên những hạt giống cây trồng, Ngô Gia Phúc (20 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM) cho biết: “Trồng cây, trồng hoa hay trồng rau gì tụi em cũng thấy vui, tưới nước, chăm sóc nó rồi tới ngày nó nở hoa, còn không thì cũng có rau ăn. Vậy mà hay, chứ bây giờ rảnh rỗi cứ dán mắt vô màn hình máy tính, điện thoại thì cận ngày càng nặng mà người ít vận động, uể oải lắm”.

Nhóm 7 bạn trẻ, kết nối với nhau qua giảng đường đại học, cao đẳng và các nhóm trồng cây trên mạng xã hội. Hơn 3 năm qua, các bạn trẻ này vẫn thường xuyên họp nhóm, khi tại nhà một thành viên, khi thì công viên hoặc quán cà phê để chia sẻ hạt giống, cách trồng và chăm sóc cây cùng nhau. Thậm chí, bạn nào ở trọ không có không gian rộng rãi có thể trồng ké vài chậu hồng trên sân thượng nhà bạn khác, rồi cùng nhau chăm sóc. “Em với Phúc trồng hoa với rau chung, vì em ở trọ nên trồng hết trên sân thượng nhà Phúc, rồi chạy qua chạy lại chăm, nhà tụi em cũng gần. Còn mấy bạn kia trồng cây, có bạn còn biết uốn cây đẹp lắm, không thua gì mấy cây kiểng tết bán ngoài chợ đâu”, Minh Hân (20 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM) kể.

Quay lại với câu chuyện tìm niềm vui bên cây xanh thay vì công nghệ hay Internet để chứng tỏ bản thân mình hiện đại, Vũ Duy Khánh (sinh viên năm cuối Trường Đại học Giao thông vận tải) bày tỏ: “Thật ra, tụi em cũng online, chat chit này nọ, cũng cần Internet lắm chứ, như em cũng đang học Anh văn trực tuyến. Nhưng học hay trao đổi công việc xong thì thôi, em ít khi lướt mạng quá lâu. Còn thư giãn, em thích trồng và học cách uốn cây trên mạng, vừa tiết kiệm vừa giúp mình biết thêm kỹ năng làm vườn”.

Giảm vật chất

Gặp Trần Thị Thanh Thúy (26 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận 3) ở một buổi tập thiền tại một địa điểm trên đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1), trong trang phục giản dị như chính bộ môn mà bạn đang luyện tập, mọi thứ đều điềm tĩnh, chậm rãi và đơn thuần hết mức có thể.

Chia sẻ về lý do chọn môn tập luyện tĩnh, mà nhiều người còn cho rằng nó phù hợp với những người đã có tuổi hơn là người trẻ vốn thích sôi nổi, Thúy chia sẻ: “Vì công việc cũng khá bận rộn, và môi trường làm việc phải tiếp xúc với nhiều người nên cuối tuần hay lúc rảnh rỗi thì tôi thích tập thiền để cân bằng lại. Tập cho bản thân thói quen điềm tĩnh, không ồn ào, vội vã thì khi đưa ra mọi quyết định sẽ hạn chế sai sót hơn”.

Dù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng, gặp gỡ đối tác nhưng tủ quần áo, giày dép và những phụ kiện khác của Thúy cũng chỉ ở mức đơn giản và vừa đủ. “Trước đây, mình cũng nghiện mua sắm và làm đẹp, nhưng công việc mới ra trường đôi lúc thu nhập không cho phép mình thoải mái, không mua được quần áo theo mốt hay son môi mới cũng làm mình hay bị stress. Nhiều lúc, phải đau đầu tìm cách cân bằng thu chi. Sau đó, mình học cách tiết kiệm, cắt giảm những thứ không cần thiết, rồi sau này chỉ mua khi thật sự thấy cần, từ đó mình cũng có được những khoản dư nhỏ để dành. Quần áo, mỹ phẩm vừa đủ thì khi đi công tác hay du lịch mình cũng đỡ vất vả để mang theo, tập trung cho công việc nhiều hơn”.

Từng sở hữu bộ sưu tập giày hàng hiệu cùng những phụ kiện công nghệ xịn dành cho máy tính và điện thoại nhưng hiện tại, Nguyễn Hoài Ân (27 tuổi, nhân viên kỹ thuật điện tại quận 7) lại chọn cách sửa lại và tận dụng những sản phẩm đang có chứ không chạy theo mốt mới. “Thay vì đắn đo suy nghĩ, rồi mỗi ngày phải tìm hiểu xem món nào là công nghệ mới nhất để tân trang thêm cho laptop, điện thoại, mình chỉ giữ lại những món đồ nào thực sự cần và khi nó hư mình cũng học cách sửa luôn, biết thêm một kỹ năng nữa cũng hay”, Ân cho hay.

Lối sống tối giản hay đơn giản không có nghĩa là phải từ bỏ hết mọi thứ, mọi nhu cầu cần thiết và thiết yếu luôn được đáp ứng, nhưng dừng lại ở mức độ vừa phải và vừa đủ. Người trẻ chọn và lan tỏa cách sống tối giản cũng là một tín hiệu đáng mừng trong nhịp sống ngày càng hối hả hiện nay.

Tại Đan Mạch, phong cách sống Hygge từ lâu đã ăn vào nền văn hóa của người dân nơi đây. “Hygge” không có từ đồng nghĩa trong tiếng Anh hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào khác, có thể hiểu nôm na “Hygge” là “Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé”. Cách sống này, mang đến niềm vui từ những điều nhỏ bé và gần gũi như: bạn dành buổi tối để quây quần bên gia đình, hay một bữa ăn ấm cúng cùng bạn bè với những câu chuyện vui…

Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có khái niệm tương tự về lối sống tối giản và hạnh phúc như: Na Uy có từ “Koselig”, Thụy Điển với “Mysig”, Hà Lan là “Gezenlligheid” và Đức có “Gemutlichkeit”…

Tin cùng chuyên mục