Đi tìm tình yêu đã mất…

Đối với người Nga, Pushkin là nhà thơ số một và thơ cũng là số một trong các loại hình nghệ thuật. Một người Nga ở hội chợ sách có nói với tôi, khi ai cũng khen, người ta đâm nghiện in ra sách giấy và “các nhà xuất bản có nguồn thu kha khá từ sách thơ”.
Cũng dễ đến hơn 20 năm mới quay lại thủ đô Moskva. Trên chuyến tàu Sapsan chạy tuyến Moskva - Saint Petersburg lừng danh (chạy 4 tiếng trên quãng đường gần 800km), tôi ngồi cạnh một cô gái khá xinh, tóc vàng, thoang thoảng mùi nước hoa Chanel số 5; phía đối diện là một chàng trai ăn mặc lịch lãm, đang cắm đầu vào màn hình iPad.
Toa của chúng tôi khác với các toa economic khác ( giá vé 1 người khoảng 67 USD) là có cái bàn ăn ở giữa nên có ăn nói gì cũng phải ý tứ, phải nhìn trước ngó sau, không làm phiền người bên cạnh.
Trong không gian tĩnh lặng, cô gái sau khi chít chát trên điện thoại, xem chừng đã chán mới rút trong túi xách ra một cuốn sách bìa mỏng, lật giở vài trang. Tôi liếc nhìn trộm thì thấy cái tựa đề khá mùi mẫn: Đi tìm tình yêu đã mất…
1. Ôi, thời gian. Có cảm giác cuộc đời như một cuốn phim quay chậm, có cái được, có cái mất, cái qua thì đã qua, cái sắp đến thì sẽ đến, nhưng vẫn thật khó rút chân ra khỏi quá khứ.
Hôm khai mạc Hội chợ Sách quốc tế Moskva lần thứ 30, sau khi lần mò ở khu triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân, tôi có hỏi đường một chàng trai trẻ, áng chừng sinh ra sau khi Liên Xô sụp đổ, anh ta vui vẻ nói: Tôi cũng đến đó, hãy đi theo tôi. May quá gặp đúng người cần tìm, vì hỏi rất nhiều người họ cũng chả biết nó diễn ra ở đâu trong một khu vực rộng bằng cả một quận của thành phố.
Đi tìm tình yêu đã mất… ảnh 1 Tác giả tại Hội chợ Sách quốc tế Moskva
Tôi cũng than phiền vì một sự kiện lớn đến vậy mà chả thấy băng rôn, áp phích, quảng bá gì, anh chàng cười lớn, nước Nga giờ vậy và “tôi làm thêm ở khu triển lãm nên mới rõ địa điểm tổ chức. Anh hỏi ai là nhà văn đương đại Nga nổi tiếng nhất? Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ biết các tác phẩm của các nhà văn cổ điển, từ thời còn học phổ thông”.  
Vào trong tòa nhà rộng bằng 3 sân banh, anh Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Trẻ, ngỡ ngàng vì quy mô không bằng triển lãm sách Frankfurt ở Đức và về độ sôi động cũng thua xa hội chợ sách TPHCM ở Công viên Lê Văn Tám.
Tuy có tới 700 NXB từ Nga và 40 nước tham dự, song không khí vẫn có vẻ trầm lắng, thiếu điểm nhấn là các tác phẩm có chiều sâu tư tưởng, toát lên hơi thở thời đại. Mà đó cũng là tình trạng chung, ta cũng vậy, tây cũng vậy.
Điểm sáng nhất là ở khu trưng bày báo chí xuất bản năm 1917, viết và vẽ về Cách mạng Tháng Mười, Đài Truyền hình quốc gia Nga NRT đang thu phóng sự về văn hóa đọc đã ngỡ ngàng quay hình ảnh đại diện giới xuất bản Việt Nam lần đầu xuất hiện và sau đó đã phát chừng 10 giây trên bản tin thời sự tối.
Cũng vui vì ít nhất sách Việt Nam được đánh dấu trên bản đồ thế giới, tuy chỉ là một chấm đỏ nho nhỏ. Và có còn hơn không khi biết rằng, cường quốc đọc - Liên bang Nga với dân số 150 triệu dân trong nửa đầu năm 2017 chỉ cho ra mắt hơn 60.000 đầu sách với lượng in khoảng 240 triệu bản.
Nghĩa là chỉ ngang với Việt Nam so quy mô đầu người. Khủng hoảng kinh tế, giá sách tăng cao và mạng xã hội đã khiến số người đọc tại Nga giảm sút thê thảm.
Theo số liệu mới nhất, 40% người Nga chưa từng đọc sách, 50% không mua sách, trong đó 34 % số này không có một cuốn sách nào trong nhà và 80% người dân không đọc báo và tạp chí.
Cho nên, anh chàng Alec, đang học năm thứ hai một trường ĐH kinh tế ở Moskva mà chúng tôi gặp ở trên đã lắc đầu không biết ai là nhà văn đương đại tiếng tăm nhất ở Nga là hoàn toàn có cơ sở. Cái mà anh ta biết vẫn là khối kiến thức ngữ văn ở trường phổ thông khi Bộ Giáo dục Nga quy định bắt buộc mỗi học sinh phải đọc, thuộc 500 trang sách về văn học cổ điển Nga.
2. Lại nhớ thời Liên Xô cũ, để mua một cuốn sách hay thật sự là chuyện khó như chế tạo tàu vũ trụ. Giá rẻ, chỉ khoảng 2 rub/cuốn (học bổng sinh viên Việt Nam là 90 rub/tháng), nhưng muốn có được, bạn phải biết trước thời điểm phát hành, phải xếp hàng rồng rắn và … tốt nhất là quen được cô bán hàng sách dễ thương.
Thời đó, sách được phát hành hàng trăm ngàn bản và nhà văn Nga được trọng vọng đến mức, nhiều người coi là người thầy của nhân dân, đóng vai trò quan trọng trong định hình những giá trị tinh thần, nghệ thuật, thẩm mỹ trong xã hội. Chính vai trò đầu tàu này đã khiến nhà thơ Nga nổi tiếng Evtushenko phải tuyên bố: Làm nhà thơ ở Nga còn lớn hơn nhà thơ. Và cứ dẫn theo Evtushenko thì nhà văn cũng vậy, là nhà văn còn lớn hơn nhà văn ở nghĩa thông thường.
Tôi cũng thấm điều này khi trong những năm sinh viên tươi trẻ, được người bạn Nga sống cùng phòng chỉ dẫn, muốn làm quen với bất kỳ cô gái Nga nào thì chỉ cần đọc cuốn tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolstoy là “muốn gì được nấy”.
Và anh ta cũng bật mí thêm, nếu thấy khó quá thì cứ thuộc lòng câu đầu tiên, chương đầu tiên “mọi gia đình hạnh phúc thì hạnh phúc giống nhau, mỗi gia đình bất hạnh thì bất hạnh theo cách riêng” là Ok. Và quả công hiệu khi giá trị con người một thời được đánh giá chỉ bằng sự hiểu biết, bằng chiều sâu văn hóa.
Sang Nga lần này, tôi cũng học cách xưa - cái mới là cái cũ tốt đẹp bị lãng quên - là thuộc lòng câu đầu tiên thơ Pushkin “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu/Trước mắt anh em bỗng hiện lên/Như hư ảnh mong manh chợt biến/Như thiên thần sắc đẹp trắng trong” và thấy cũng ép phê trên thực địa. Ngày xưa thì có tình, giờ có hàng bán đúng giá.
Ở phố đi bộ Arbat nổi danh, khi tôi hỏi mua một con matrioshka khá độc đáo về danh nhân, với con lớn nhất có tạc hình Pushkin, bên trong còn 10 nhà văn Nga cổ điển khác, cô bán hàng ban đầu hét giá 300 usd, không thêm không bớt. Nhưng khi tôi đọc Pushkin thì thái độ cô gái đổi khác, mắt bỗng vụt sáng long lanh, suýt ôm chầm tôi vào lòng và hay nhất là giá cả chốt lại còn 200 USD. Ôi Pushkin thân thương của nước Nga!
Nước Nga cũng chưa mất hết đi những tinh túy còn sót lại từ thời Xô Viết. Người Nga chắc chắn không phải là những người đọc cần mẫn nhất, nhưng về khoản thơ ca hò vè thì họ là vô địch.
Ở một khía cạnh nào đó, có cảm giác Moskva khá giống với Hà Nội khi cứ ra ngõ là gặp nhà thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Trang văn chương nổi tiếng nhất trên mạng - bạn có hình dung - lại là trang thơ “stikhi.ru”.
Đến giữa tháng 9, thời điểm chúng tôi tới Nga, trang này đã công bố tới 39 triệu bài thơ. Đăng không mất tiền, đa phần các tác giả thảy thơ lên và chờ “còm”, được vài chục lời khen cũng đã thấy sướng âm ỉ cả đời. Và đặc biệt, dù thơ có dở mấy cũng không thấy có hiện tượng “ném đá”, chê bai như ở Việt Nam.
Đối với người Nga, Pushkin là nhà thơ số một và thơ cũng là số một trong các loại hình nghệ thuật. Một người Nga ở hội chợ sách có nói với tôi, khi ai cũng khen, người ta đâm nghiện in ra sách giấy và “các nhà xuất bản có nguồn thu kha khá từ sách thơ”. In chỉ 500, 1.000 bản, chủ yếu đem tặng bạn bè, đồng nghiệp, người thân nhưng được tiếng là nhà thơ. Và nhà thơ ở nước Nga thì như Evtushenko viết - còn hơn cả nhà thơ.
Đến mức, cũng theo lời người bạn Nga mới quen, các quan chức Nga cũng thi nhau làm thơ và ra sách tuyển tập. Bộ Văn hóa đã đành, các bộ khác như Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng cũng thi nhau “mần” thơ, in thơ. Mới nhất là các nhà ngoại giao Nga ra mắt tuyển tập thơ của Ngoại trưởng Lavrov, của nữ phát ngôn khả ái Zakharova và cả chục đại sứ Nga tại nước ngoài. “Sắp tới chúng tôi chắc ra mắt bộ luật mới bằng thơ”, anh chàng Nga hóm hỉnh nói.
3. Vào các cửa hàng sách lớn nhất ở Moskva và Saint Petersburg, bạn có thể thấy hàng hàng, dẫy dẫy các cuốn sách mới, tạo ấn tượng về sự phong phú của đời sống tinh thần, trí tuệ. Nhưng đọc kỹ, đằng sau những ấn phẩm bìa cứng lòa loẹt với tên gọi mỹ miều thì nội dung hết sức tầm thường với những xung đột gia đình đẩy lên đỉnh điểm, những ma cà rồng hút máu và những người đàn ông xả súng, giết người không chớp mắt, đó là những trang sách mô tả kỹ lưỡng kỹ thuật phòng the, những thám tử phá án mà đọc trang đầu đã… phát hiện ra ai là hung thủ.
Đó không phải là văn học đỉnh cao như ta đã biết thời thế kỷ thứ 19 và thế kỷ thứ 20. Thực chất là thứ nghệ thuật dành cho một xã hội tiêu dùng, chính xác hơn là văn học tiêu dùng. Đó là nghệ thuật Pop-art  dành cho những người giết thì giờ khi chờ đợi ở các nhà ga, trong toa xe lửa hay trên các bãi biển và đọc xong thì… vứt luôn vào sọt rác.
Ở Nga giờ giống như hoàn cảnh xuất bản ở Việt Nam khi mỗi tác giả chỉ in lượng sách một, hai ngàn cuốn, in đến mười ngàn cuốn và có tái bản thì đã là một hiện tượng văn học được tổ chức hội thảo đánh giá. Người Nga cũng tự nhìn nhận sự đi xuống của nền văn học nước nhà, nhưng biết làm sao: thế thời phải thế. Cả thế giới đều vậy và nước Nga cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.  
Cũng như ở Việt Nam, số nhà văn sống được và giàu được bằng nghề viết văn đếm vừa đủ 2 bàn tay, cỡ 20 người. Nhuận bút thì vô chừng và phụ thuộc vào nhà xuất bản với các cách PR, hội thảo riêng về tác phẩm, quảng bá trên các kênh truyền hình trả tiền (80% người Nga lấy thông tin và biết thông tin từ truyền hình) và mỗi nhà xuất bản đều có “con gà” đẻ trứng vàng của riêng mình. Thường thì nhà xuất bản trả cho tác giả khoản nhuận bút khá khiêm nhường, chừng 1.000 USD cho 100.000 chữ. Để sống được, để nuôi bản thân và gia đình, mỗi nhà văn phải “đẻ” cấp tốc 1 tác phẩm trong vòng 1-2 tháng. Và như thế thì có đâu những tác phẩm để đời.
Điều lạ nữa là các tác giả có tiếng nhất nước Nga đương đại, tuy rất khó kể tên, đều có tên không thuần Nga, như Acunin, Prilepin, Pelevin, giống như ca sĩ Việt Nam thích lấy tên Tây đặt cho mình để “nâng tầm” giọng ca. Họ có đặc điểm chung là thích khoe không đọc văn học cổ điển vì “lỗi thời” và văn chương của họ “lạ” hơn cả. Liền sau đó, các nhà phê bình vội vã khen là “nhà văn thiên tài” và tác phẩm này “đã lột tả sự hỗn loạn của thực tế”. Hỗn loạn đâu không biết, nhưng người đọc có tri thức chỉ thấy một mớ hỗn loạn trong câu chữ.
Tàu cao tốc Sapsan vẫn chạy. Còn chừng 30 phút nữa là tới Saint Petersburg, thủ đô phương Bắc của nước Nga. Cô gái đã ngủ gục, úp mặt vào cuốn sách Đi tìm tình yêu đã mất... 

Tin cùng chuyên mục