Dịch bệnh quay trở lại

Sau đợt nghỉ tết dài ngày, các cơ sở y tế đã hoạt động trở lại bình thường và ghi nhận nhiều ca mắc bệnh. Trong đó phổ biến là các dịch bệnh bùng phát theo quy luật thời tiết hàng năm như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết…
Dịch bệnh quay trở lại

Sau đợt nghỉ tết dài ngày, các cơ sở y tế đã hoạt động trở lại bình thường và ghi nhận nhiều ca mắc bệnh. Trong đó phổ biến là các dịch bệnh bùng phát theo quy luật thời tiết hàng năm như sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết…

Tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ để phòng ngừa dịch bệnh

Dịch thủy đậu vào mùa

Quay lại trường học sau kỳ nghỉ tết, 10 học sinh tiểu học Trường Nguyễn Du (quận 12 TPHCM) mắc bệnh thủy đậu. Thông tin này được Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết tại cuộc họp giao ban y tế quận huyện đầu năm tổ chức tại Sở Y tế TPHCM. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ tết đã xuất hiện một chùm ca bệnh thủy đậu. Sau khi tiếp nhận thông tin trên, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM phối hợp với ngành y tế địa phương đến Trường Nguyễn Du điều tra dịch tễ, vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường. Số học sinh nhiễm bệnh cũng được cho nghỉ học, cách ly, điều trị để hạn chế nguy cơ lây lan và phát tán mầm bệnh cho cộng đồng. Trước đó, cuối tháng 1-2015, tại TPHCM đã có một ổ dịch thủy đậu tại một trường mầm non ở quận Bình Thạnh với 8 người mắc. Từ đầu năm 2015 đến nay trên địa bàn thành phố đã có 90 ca thủy đậu. “Thời tiết tại khu vực Nam bộ đang chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus như cúm, sởi, quai bị, thủy đậu… phát triển và lây lan nên người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh”, BS Dũng khuyến cáo.

Ghi nhận tại các bệnh viện nhi đồng tuần qua cũng cho thấy số ca mắc thủy đậu gia tăng. Khoa Nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã dành hẳn một phòng với khoảng 10 giường bệnh để điều trị riêng bệnh thủy đậu. Trong hai tháng 1 và 2, Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận đến 50 ca thủy đậu, trung bình mỗi ngày có từ 5 - 6 ca nhập viện, trong khi những tháng trước không có ca nào. Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2 trong những tuần gần đây cũng tiếp nhận nhiều ca bệnh thủy đậu, trung bình mỗi ngày có khoảng 2 ca. Các bác sĩ nhận định, bệnh thủy đậu đã vào mùa và có khả năng sẽ tăng cao hơn năm trước.

Đề phòng nhiều dịch bệnh bùng phát cùng lúc

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tháng 1-2015, trung bình mỗi tuần TPHCM cũng ghi nhận150 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong tháng 2 có 138 ca/tuần. Số ca mắc bệnh nhập viện điều trị trong tháng 2 là 854 ca, giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa thông báo xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) tại Sóc Trăng. Tại Việt Nam, virus cúm A(H5N1) bắt đầu ghi nhận vào tháng 12-2013 trên các đàn gia cầm và ở người đã tạo nên các đợt dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như gây thiệt hại lớn đến kinh tế người dân. Đáng lưu ý, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo sự thay đổi của virus cúm, trong đó lưu ý về sự  đa dạng của việc cùng lưu hành virus cúm ở động vật và trao đổi vật liệu di truyền, tạo ra chủng virus mới; tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người tại Trung Quốc; ghi nhận sự gia tăng gần đây các trường hợp nhiễm cúm H5N1 ở người tại Ai Cập; những thay đổi về virus cúm mùa H3N2 đã ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của các vaccine hiện tại. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, kết quả giám sát trên người từ các điểm giám sát cúm quốc gia cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2015 chủng virus cúm A(H3) là chủng lưu hành chủ yếu chiếm 77,8%, tiếp đó là chủng virus cúm A(H1N1) và cúm B cùng chiếm 11,1%.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như trên, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch như: tăng cường giám sát tại các trường học đối với thủy đậu, tay chân miệng, sốt xuất huyết; giám sát chủ động triệt tiêu ổ dịch tồn lưu; tổ chức điều tra lấy mẫu, tiêm chủng mở rộng bệnh sởi, rubella theo chương trình phòng chống dịch bệnh quốc gia.

Giám sát an toàn thực phẩm trường học

Ngày 5-3, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, cho biết, sẽ tăng cường giám sát an toàn thực phẩm ở các trường học trong năm 2015. Trước đó, ngày 3-3, một vụ nghi ngộ độc thực phẩm đã xảy ra sau bữa ăn chiều với món xôi đậu phộng làm 64 học sinh và 1 bảo mẫu Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3 TPHCM) gặp phải triệu chứng đau đầu, nôn ói.

Kết quả xét nghiệm mẫu mứt dừa tại cơ sở chế biến Phước Thành (quận 11) vừa được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM công bố cho thấy hàm lượng CaO (vôi) lên đến 60mg/kg, natribenzoat (chất bảo quản) cũng vượt ngưỡng nhiều lần cho phép. Cơ sở đã bị đoàn thanh tra liên ngành đình chỉ hoạt động, chờ xử lý… Cơ sở này không đảm bảo vệ sinh từ trong ra ngoài, không gian chật hẹp, việc sản xuất mứt diễn ra ngay trên vỉa hè, công nhân làm việc tại cơ sở không được kiểm tra sức khỏe định kỳ… Mẫu mứt dừa tại cơ sở này cũng được gửi đi kiểm nghiệm và cho kết quả mất an toàn thực phẩm.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục