Dịch chuyển đầu tư, gia tăng nội lực sản xuất

Nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm trên địa bàn TPHCM đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư sản xuất ra các tỉnh lân cận. Đây là giải pháp để các doanh nghiệp gia tăng nhanh nội lực sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, rào cản kỹ thuật mới mà các thị trường xuất khẩu đã và đang đặt ra. Ngược lại, tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường nội địa. 

Đối mặt hàng rào kỹ thuật

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, cho biết những doanh nghiệp đã dịch chuyển có thể kể tới như Công ty cổ phần Uniben, Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)… Cá biệt, ngay cả Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) - doanh nghiệp chế biến thực phẩm lâu đời của TPHCM, cũng đang đầu tư hẳn vào một cụm công nghiệp sản xuất chế biến với số vốn lên tới 1.500 tỷ đồng tại tỉnh Long An. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất trứng gia cầm cũng đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư cơ sở sản xuất về các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương…

Dịch chuyển đầu tư, gia tăng nội lực sản xuất ảnh 1 Sản xuất vỏ ô tô tại Casumina ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG
Theo bà Lý Kim Chi, trong 8 tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Mức tăng trưởng của toàn ngành chỉ tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tại thị trường trong nước, tình hình dịch bệnh lan rộng đã kéo sức mua giảm mạnh với các mặt hàng chế biến từ thịt heo. Kéo theo sản xuất chế biến thực phẩm giảm chủ yếu do nhóm ngành chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Tình trạng tồn kho của ngành có dấu hiệu tăng khi doanh nghiệp vẫn sản xuất theo đúng kế hoạch đề ra từ đầu năm. Không dừng lại đó, việc gia tăng các chi phí về vận chuyển, thuê mặt bằng và chi phí đầu vào (điện, xăng dầu, tiền lương…) làm tăng giá thành sản xuất, gây tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Không dừng lại đó, tại các thị trường xuất khẩu đang có sự chuyển biến khá mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Đơn cử, với thị trường Trung Quốc - thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, đang đặt ra hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành hàng rào kỹ thuật với nhiều chính sách mới về thuế, quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch; kiểm định chất lượng sản phẩm đối với thủy sản nhập khẩu. Còn tại thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… tuy doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế thuế suất nhờ vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - châu Âu, FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Việt Nam - Hàn Quốc… nhưng đây là những thị trường cực kỳ khó tính với hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất. Mặt khác, doanh nghiệp nội còn phải đối mặt hàng loạt nguy cơ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ nhiều nước khác. 

Gia tăng khả năng tiếp cận vốn 

Từ bối cảnh hiện tại, có thể nhận định tình hình xuất khẩu cũng như giữ thị phần nội địa của các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm thời gian tới vẫn còn chịu nhiều khó khăn. Khảo sát gần đây của Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho thấy có đến 85% doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành lo ngại về khả năng cạnh tranh trong thời gian tới. Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp cũng chưa nắm rõ và biết tận dụng các lợi thế từ FTA. 

Do vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhằm thay đổi công nghệ, quy mô cũng như quy trình sản xuất sản phẩm. Hiện nhà nước đã có các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, các gói kích cầu này doanh nghiệp thường không dễ dàng tiếp cận được. Nguyên nhân là do doanh nghiệp có cơ sở sản xuất nhỏ nên mặt bằng nhà xưởng, phương án sản xuất kinh doanh, minh bạch tài chính kế toán… không đạt yêu cầu quy định của các gói kích cầu.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến về các tỉnh lân cận để tận dụng lợi thế về giá thuê đất. Mặt khác, tại các tỉnh, thành lân cận, hạ tầng tiếp nhận đầu tư đã được hoàn thiện, đồng bộ. Kết nối logistics cũng được tính toán trước nên giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc vận chuyển, giao thương hàng hóa. Và yếu tố quan trọng nhất, quỹ đất dành cho các nhà đầu tư khá dồi dào, đáp ứng đa dạng quy mô đầu tư hiện tại cũng như chiến lược đầu tư dài hơi của doanh nghiệp.

Có thể thấy, ngành chế biến thực phẩm hiện là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu. Thị trường ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Những năm gần đây, công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định ở mức gần 7%/năm. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm 15% giá trị GDP, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tại Việt Nam cũng tăng trung bình gần 10%/năm và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Việt Nam có thế mạnh về nguồn nguyên liệu dồi dào, có thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm quy mô lớn. Xuất khẩu nhóm hàng nông thủy hải sản, đặc biệt nhóm sản phẩm rau quả, cà phê và thủy hải sản đông lạnh đang tăng trưởng tốt và ổn định. Ngoài ra, hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi trên thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay ngày càng được mở rộng về quy mô, đã và đang giúp các doanh nghiệp trong ngành có thêm nhiều kênh phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam phát triển tốt và cơ hội xuất khẩu cho ngành ngày càng tăng. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành dễ dàng mở rộng thị trường và nâng cao sản lượng xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục