Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM:

Dịch vụ công trực tuyến chưa thông tuyến

Các cơ quan, đơn vị đã có nhiều nỗ lực giới thiệu, hướng dẫn người dân chỉ cần ngồi nhà nộp và nhận hồ sơ hành chính, song kết quả đạt được còn khá hạn chế. 

 

Điều này càng đòi hỏi những giải pháp tuyên truyền hiệu quả, nhằm thay đổi thói quen của người dân - chính là đối tượng giữ vai trò quyết định sự thành công trong việc triển khai áp dụng mô hình giải quyết hồ sơ tiện lợi cho người dân.

Nhận ngay kết quả

Gần 8 giờ ngày 13-11, bà Huỳnh Chí Phương Quyên (ở số 39/9 đường Dạ Nam, phường 2, quận 8, TPHCM) nhận được cuộc điện thoại của nhân viên bưu điện thông báo sẽ đến nhà bà giao trả giấy chứng nhận (GCN) đăng ký kinh doanh để mở quán bán trà sữa và thức ăn nhanh.

Không lâu sau đó, nhân viên bưu điện có mặt tại nhà bà Quyên xác nhận thông tin nhân thân rồi trao GCN cho bà. Như vậy, chỉ chưa đầy 5 phút sau cuộc điện thoại, bà Quyên đã chính thức cầm GCN đăng ký kinh doanh trên tay, kèm theo mã số thuế.

Bà Quyên cho hay, bà đăng ký làm GCN và nhận kết quả tại nhà song không nghĩ mọi việc được giải quyết nhanh như thế. Chỉ trong 2 ngày làm việc (nộp hồ sơ sáng 9-11 và ngày 13-11 là có kết quả - PV) mọi việc đã xong xuôi.

Dịch vụ công trực tuyến chưa thông tuyến ảnh 1 Bà Huỳnh Chí Phương Quyên nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 
tại nhà sau 2 ngày đăng ký thủ tục qua mạng
Một chi tiết khá thú vị là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (thuộc Văn phòng HĐND và UBND quận 8) đã nhận hồ sơ đăng ký của bà Quyên vào lúc 6 giờ 15 ngày 9-11 (thứ sáu).

Nêu thắc mắc vì sao nộp hồ sơ ngoài giờ hành chính, bà Quyên cho hay, trước khi đăng ký cấp GCN, bà đã đến UBND phường 2 tìm hiểu thủ tục. Cán bộ phường giới thiệu và hướng dẫn cách đăng ký hồ sơ qua internet trên trang web: dichvucong.hochiminhcity.gov.vn; đồng thời khẳng định người dân ngồi ở nhà hay bất cứ đâu có kết nối internet, đều đăng ký được thủ tục qua mạng, thanh toán lệ phí trực tuyến và nhận kết quả tại nhà, hay địa chỉ nào mà người dân muốn (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4).

“Tôi làm theo và nhanh chóng hoàn thành các thủ tục qua trực tuyến”, bà Quyên kể và cho biết, đây là lần đầu tiên bà thực hiện thủ tục qua mạng. Lúc đầu bà Quyên cũng lo lắng về đơn đăng ký có chuyển đến cơ quan có thẩm quyền hay không, rồi hồ sơ có được giải quyết đúng hạn hay không. Kết quả giải quyết hồ sơ chỉ trong 2 ngày làm việc như trên đã khẳng định sự lựa chọn của bà Quyên là hoàn toàn chính xác.

Theo ông Nguyễn Nha Kha, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 8,  hồ sơ của bà Quyên là trường hợp đầu tiên thực hiện thành công dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 ở quận. Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn TPHCM đã có nhiều sở ngành, quận huyện áp dụng thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 như quận 8, quận 1, quận Bình Tân, Sở Công thương, Sở GTVT…

Điểm chung là các cơ quan, đơn vị này đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm quen với việc thực hiện thủ tục qua mạng; đồng thời phối hợp với nhiều đơn vị để cung cấp các tiện ích như thanh toán trực tuyến, trả kết quả tại nhà, nhắn tin tra cứu kết quả...

Vẫn còn vướng mắc

Tại quận 8, ông Nguyễn Nha Kha cho biết quận đã trang bị máy tính tại 97 trụ sở khu phố nhằm tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến; nhưng hiện nay, người dân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến còn thấp, với tỷ lệ chỉ gần 26%.

Tương tự, quận 1 là một trong những địa phương đi đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong việc giải quyết hồ sơ cho người dân. Quận 1 cũng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cung cấp thông tin tra cứu quy hoạch… Tuy nhiên, kết quả đạt được cũng rất hạn chế.

Đây cũng là kết quả chung ở nhiều địa phương khác như các quận: 5, 7, Bình Thạnh. Ông Phan Văn Định, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, nhìn nhận còn một số khó khăn khi triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Điểm nghẽn lớn nhất là tâm lý người dân vẫn muốn trực tiếp đến UBND quận nhận kết quả.

Theo ông Võ Minh Thành, trong 9 tháng đầu năm 2018, có 331.100 hồ sơ (trong tổng số 861.260 hồ sơ) thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Như vậy, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TPHCM đạt khoảng 38%. Trong đó, UBND các quận: 4, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình có số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến hơn 40%.

Đặc biệt, tại các Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế thuộc nhóm các đơn vị có số hồ sơ nộp trực tuyến chiếm tỷ lệ hơn 60%.

“Có thủ tục hành chính, UBND quận hoàn toàn có thể gửi kết quả trực tuyến tới người dân với chữ ký số. Làm được điều đó sẽ “nhàn hạ” cho cả người dân và cán bộ quận. Nhưng không ít người dân còn tâm lý thích “giấy trắng, mực đen, dấu đỏ”. Do đó cần sự đồng bộ, cùng chấp nhận của cả cơ quan nhà nước và người dân thì người dân sẽ cởi mở, yêu thích dịch vụ công trực tuyến hơn”, Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình phân tích.

Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM) Võ Minh Thành cho hay, tính đến nay toàn TPHCM đã triển khai khoảng 770 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trong đó có 112 dịch vụ theo mức độ 4, chủ yếu được thực hiện bởi các sở.

Riêng ở các quận huyện, việc “nâng cấp” từ mức độ 3 lên mức độ 4 gặp một số trở ngại, trong đó có việc thanh toán phí/lệ phí (giải quyết hồ sơ) trực tuyến. Vì thế, Sở Thông tin - Truyền thông đang tính toán, tạo hình thức thanh toán trực tuyến thuận lợi cho người dân để tháo gỡ vướng mắc này.

Là đơn vị có tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến cao với 95% doanh nghiệp không cần đến Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM nộp và nhận kết quả hành chính liên quan đến 2 nhóm thủ tục, chính sách liên quan đến thu và chi.

Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, các chính sách liên quan đến chi chế độ chính sách không đơn giản vì liên quan đến tiền bạc, cần phải qua giám định.

“Một người kê khai qua mạng nghỉ bệnh 5 ngày, nhưng có khi bác sĩ chỉ cho giấy nghỉ bệnh 2 ngày. Khi chi trả chính sách, cơ quan BHXH phải đối chiếu, kiểm tra, giám định các giấy tờ. Tuy vậy, sự liên thông dữ liệu của các ngành hiện chưa tốt, chưa tạo thuận lợi khi cần kiểm tra, đối chiếu. Nếu có cơ sở dữ liệu chung thì việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ gặp thuận lợi hơn nhiều”, bà Nguyễn Thị Thu nhận xét.

Tin cùng chuyên mục