Điểm khởi đầu của một chiến lược

Đài VOA đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có cuộc gặp với người đồng cấp Colombia Ivan Duque tại Washington, Mỹ, để bàn về những nỗ lực thay đổi thể chế ở Venezuela.
Quan chức Mỹ cảnh báo về những hậu quả đối với người dân Venezuela từ các lệnh trừng phạt của chính phủ nước này
Quan chức Mỹ cảnh báo về những hậu quả đối với người dân Venezuela từ các lệnh trừng phạt của chính phủ nước này

Tờ Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ra sức loại bỏ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đánh dấu điểm khởi đầu của một chiến lược mới nhằm xác lập ảnh hưởng lớn hơn của Mỹ tại Mỹ Latinh.

Định danh tam giác

Theo Wall Street Journal, mục tiêu chính của Mỹ không chỉ là Tổng thống Venezuela mà còn là Cuba, cũng như những bước mở rộng ảnh hưởng gần đây của Nga, Trung Quốc và Iran tại Mỹ Latinh. Theo suy tính của chính quyền Tổng thống Donald Trump, mục tiêu của chiến lược mà Mỹ theo đuổi là cắt đứt mối liên hệ giữa Venezuela và Cuba, thay đổi thể chế ở cả hai nước này. Thái độ hiếu chiến mới của Mỹ bắt nguồn từ việc Nhà Trắng mong muốn đảo ngược một phần xu thế của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama là xích lại gần hơn với La Habana thông qua việc giảm cấm vận và mời gọi đầu tư của Mỹ vào Cuba.

Chính sách mà chính quyền Tổng thống Donald Trump phát triển trong 2 năm qua được thúc đẩy một phần bởi thế lực chỉ trích Cuba, nổi bật là Mauricio Claver - Carone, một quan chức trong Hội đồng an ninh quốc gia, người đã dành cả đời để chống Cuba.

Sau Venezuela và Cuba, các quan chức Mỹ đang để mắt tới Nicaragua. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong bài phát biểu hồi tháng 11-2018 phác họa bản chiến lược mới nổi khẳng định: “Mỹ mong muốn tất cả các góc trong tam giác La Habana, Caracas và Managua đều sụp đổ”.

Dự kiến, Tổng thống Donald Trump sẽ nói chuyện về tình hình Venezuela tại Trường Đại học quốc tế Florida ở Miami, trường có đông sinh viên Venezuela nhất tại Mỹ, vào ngày 18-2 tới. Giới quan sát nhận định buổi nói chuyện có thể sẽ hé lộ được những bước hành động tiếp theo của Washington đối với Caracas. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã từng cho biết bản thân ông đang “nghiên cứu mọi giải pháp” và không loại trừ cả khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela.

Không dễ thực hiện

Chiến lược của Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Nếu sự ủng hộ của Mỹ dành cho thủ lĩnh đối lập Juan Guaido ở Venezuela không đủ sức thay đổi chính quyền của Tổng thống Maduro hoặc Mỹ thất bại trong việc làm suy yếu sợi dây liên kết giữa Caracas và La Habana, thì có thể đẩy Mỹ lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Không những thế, Cuba và Venezuela sẽ có một chiến thắng ngoại giao kiểu David tí hon đánh bại gã khổng lồ Goliath, nhiều khả năng củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc, Nga và Iran tại khu vực. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi cách tiếp cận mềm mỏng với Cuba chủ yếu bởi chính quyền của ông Obama nhận thấy nhiều thập kỷ thực thi các biện pháp mạnh đã không thể thay đổi được thể chế ở Cuba.

Dường như Mỹ cũng khó có thể lôi kéo, tập hợp các nước khác tham gia chống lại Cuba. Venezuela có thể là cái gai đối với nhiều đồng minh của Mỹ, nhưng một số nước, trong đó có Canada và Pháp, giờ lại có lợi ích kinh doanh rộng mở tại Cuba. Ngay cả việc nếu Mỹ tính đến phương án can thiệp quân sự vào Venezuela cũng sẽ vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế và cả trong nước. Ngày 13-2 vừa qua, phát biểu trong một buổi điều trần về cuộc khủng hoảng tại Venezuela, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel đã bày tỏ quan ngại về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela và nhấn mạnh can thiệp quân sự của Mỹ không phải là một lựa chọn. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ này cũng cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra đối với người dân Venezuela sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) hồi tháng 1. Ông Engel cho rằng Nhà Trắng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn can thiệp bằng vũ lực.

Tin cùng chuyên mục