Điểm sáng trong công tác cán bộ tại TPHCM - Bài 3: Ấn tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ

Trong thời gian dài, Đảng bộ TPHCM đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ, từ khâu tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng và bố trí. Kết quả này tạo ra được nguồn cán bộ nữ có chất lượng, đảm bảo cho việc lựa chọn, bố trí các nữ cán bộ chuẩn, chất vào những vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng. 

Thực tiễn tại TPHCM cho thấy, khi phát huy được sở trường, thế mạnh của cán bộ nữ trong một tập thể thì công việc sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Chân dung những “nữ tướng”

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, Thành ủy TPHCM liên tục trao các quyết định điều động, phân công đối với một số cán bộ nữ vào những vị trí quan trọng. Cụ thể, điều động, chỉ định Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Kim Yến (sinh năm 1969) giữ chức Bí thư Quận ủy quận 1. Kế đến, phân công Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1967) làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM. Mới đây, Thành ủy TP điều động đồng chí Trần Thị Diệu Thúy từ quận Gò Vấp về Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM và chỉ định giữ chức Bí thư Đảng đoàn LĐLĐ TP.

Nhiều vị trí quan trọng ở TP hiện nay do cán bộ nữ đảm trách, như các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm; Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu…

Trở lại 3 trường hợp vừa được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM điều động, bổ nhiệm vừa kể thì đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, hiện là Thành ủy viên, có độ tuổi còn khá trẻ, sinh năm 1977.

“Nữ tướng” đứng đầu LĐLĐ TP này trưởng thành từ chương trình quy hoạch nguồn cán bộ quản lý phường - xã. Ban đầu, đồng chí Diệu Thúy là cộng tác viên Quận đoàn Tân Bình. Năm 2003, sau các kết quả nổi bật, đồng chí Diệu Thúy được chọn vào nguồn cán bộ quy hoạch của Thành ủy rồi được cử tham gia lớp đào tạo. Đây chính là bước đệm để trưởng thành. Năm 2013, khi mới 36 tuổi, đồng chí Diệu Thúy là Phó Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp và 2 năm sau làm Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp. Ngoài ra, từ năm 2011 (34 tuổi) đến nay, đồng chí Diệu Thúy là đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV.

Đồng chí Diệu Thúy chia sẻ, nếu cho rằng cán bộ nữ sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác thì với Diệu Thúy, dù có khó khăn hơn nam giới nhưng nếu xem đây là điểm yếu thì chưa hẳn. “Khi biết phát huy sở trường của người cán bộ để phối hợp các điểm mạnh của mỗi người trong một tập thể thì công việc sẽ càng mang lại hiệu quả cao hơn. Do đó, cán bộ nữ khi được tạo điều kiện thuận lợi và tự thân phấn đấu sẽ phát huy tốt và có nhiều cơ hội để cống hiến, trưởng thành”, đồng chí Diệu Thúy bày tỏ.

Điểm sáng trong công tác cán bộ tại TPHCM - Bài 3: Ấn tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hôn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cả quá trình quan tâm, chăm chút

Các dẫn chứng vừa kể trên chỉ là số ít trong nhiều quyết định nhân sự quan trọng, được các cấp ủy và tổ chức đảng ở TP tín nhiệm, trao cho cán bộ nữ. Có thể nói, tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt của TP tham gia vào cấp ủy các cấp tăng lên rõ rệt theo thời gian. Nhiệm kỳ 2015-2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy xã - phường - thị trấn đạt hơn 35% và cấp quận - huyện đạt 29,8%. Số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP đạt 21,73%; cấp quận - huyện đạt hơn 20% và cấp phường - xã đạt hơn 35%.

Thống kê của Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cho thấy: Tính đến cuối năm 2017, trong tổng số 473 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp TP có 97 cán bộ nữ (chiếm hơn 20%). Ở cấp quận - huyện có 92 nữ trong tổng số 367 cán bộ lãnh đạo, quản lý (chiếm 25,06%). Đặc biệt ở cấp phường - xã, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ càng ấn tượng khi chiếm gần 44% (1.423 nữ/3.243 người).

Đóng góp cho những con số ấn tượng trên phải kể đến một số địa phương như quận 1, huyện Củ Chi… Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ quận 1 là hơn 44%, Ban Thường vụ là hơn 46% (hiện nay là gần 54%), đại biểu HĐND quận là 45%, thành viên UBND quận là 44,4% và trưởng, phó các tổ chức chính trị - xã hội của quận chiếm đến 48%.

Tương tự, trong tổng số 534 cán bộ chủ chốt diện Huyện ủy huyện Củ Chi quản lý có 223 cán bộ nữ (chiếm gần 42%). “Ở cấp ủy 21 xã - thị trấn, tỷ lệ nữ bình quân là 37,6%. Đặc biệt, tỷ lệ này ở xã Tân An Hội lên đến 60%”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Củ Chi Lê Thanh Phong thông tin.

Từ nguồn cán bộ nữ dồi dào hiện có, huyện Củ Chi đưa ra chỉ tiêu quy hoạch cán bộ nữ giai đoạn 2020-2025 trong Ban Chấp hành và Ban Thường vụ lần lượt là 50,67% và 59%... Chia sẻ thêm về giải pháp, đồng chí Lê Thanh Phong nhấn mạnh, đây là cả quá trình dài quan tâm bồi dưỡng. Huyện ủy quan tâm đến công tác cán bộ nữ ngay từ khâu tuyển chọn. Kế đến, khi rà soát, đánh giá cán bộ, huyện lưu ý đến tuyển chọn, đào tạo các cán bộ nữ trẻ tuổi có năng lực, phẩm chất đạo đức và mạnh dạn bố trí các bạn nữ trẻ tuổi tiếp cận các chức danh được quy hoạch. Kết quả số cán bộ nữ trẻ được bố trí về cơ sở rồi giữ chức vụ ở huyện áp đảo so với cán bộ nam.

“Các cán bộ nữ được đào tạo bài bản từ chuyên môn nghiệp vụ đến lý luận chính trị, cộng thêm phong cách mềm mỏng, gần gũi và sự cẩn thận, tỉ mỉ đeo bám công việc nên phát huy rất tốt”, đồng chí Lê Thanh Phong nhận xét.

Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cũng đưa ra nhận xét, trong thời gian qua Đảng bộ TP đã đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ nữ, thể hiện ở những kết quả trong quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí cán bộ nữ. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng vượt so với yêu cầu của Bộ Chính trị yêu cầu (là không dưới 15%). Những thành quả trên đến từ việc Thành ủy TPHCM tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, rà soát, luân chuyển cán bộ và kiểm tra sát sao việc thực hiện các chỉ tiêu TP đề ra, trong đó có chính sách ưu tiên cán bộ nữ.

Quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đạt 30% trở lên

Hiện TPHCM có 5 cán bộ nữ trong tổng số 23 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (gần 22%), gồm 2 Phó Bí thư Thành ủy và 3 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. TP có 9 nữ trong tổng số 30 đại biểu Quốc hội (30%); 46 nữ trong tổng số 105 đại biểu HĐND TP (gần 44%).

Ngoài ra, trong tổng số 1.022 cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo do Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý có 212 nữ cán bộ, đạt tỷ lệ gần 21%. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đến năm 2020 và những năm tiếp theo đạt từ 30% trở lên (chỉ tiêu Trung ương giao là 25%).

Trước đó, ở nhiệm kỳ 2010-2015, số cán bộ nữ ở TP tăng hơn nhiệm kỳ trước và vượt mức 15% của Trung ương. Trong đó, cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ TP đạt 18,84% (tăng 1,89%); Ban Thường vụ Thành ủy là 29,41%; Ban Chấp hành Đảng bộ khối quận - huyện đạt 26,63%... Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ cán bộ nữ ở TP đạt hơn 25%, tăng hơn 4% so với nhiệm kỳ 2010-2015 và đứng đầu cả nước.

Huyện Nhà Bè: 4 xã, thị trấn có nữ bí thư

Huyện Nhà Bè có 7 xã - thị trấn thì đến 4 xã, thị trấn có Bí thư Đảng ủy là nữ, gồm 3 xã Phú Xuân, Phước Lộc, Nhơn Đức và thị trấn Nhà Bè.

Trong đó, Phan Thị Mỹ Linh (sinh năm 1983) giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Đức từ tháng 2-2018. Linh cũng là nữ bí thư trẻ nhất của huyện hiện nay. Trước khi làm bí thư xã này, Linh là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy.

13 năm trước, Linh bắt đầu công tác tại xã Phước Kiển. Được xã tạo điều kiện, Linh học liên thông đại học chính quy, rồi về công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Nhà Bè. Sau đó, Linh tiếp tục tốt nghiệp lớp cử nhân (văn bằng 2) chuyên ngành Khoa học xã hội rồi bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý hoạt động tư tưởng văn hóa.

 Là cán bộ nữ, trẻ tuổi nên Linh không khỏi lo lắng với vị trí công tác mới. Song, được đào tạo bồi dưỡng bài bản, cộng với sự tin cậy của cấp trên đã là cơ sở, động lực để Linh phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nữ bí thư trẻ tuổi cam kết sẽ cố gắng tiếp cận cơ sở, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm để cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã có các giải pháp giải quyết những hạn chế, khó khăn nhiều năm qua.

Tại huyện Củ Chi, chị Mai Thị Ngọc Duyên được Thành ủy TPHCM đưa đi đào tạo Thạc sĩ Quản lý hành chính công và giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã Trung Lập Thượng vào năm 2015. Song, “trấn giữ” một khu vực ngoại thành, ở vùng đất cách mạng Đất thép Thành đồng - nên ban đầu không ít ý kiến lo ngại “Bí thư trẻ quá, liệu có đảm đương tốt vị trí đó không”. Không để mọi người phải chờ đợi lâu, trong 3 năm qua, hiệu quả công việc của nữ bí thư này từng bước có câu trả lời, khi chị Duyên cùng các cán bộ lãnh đạo xã trực tiếp giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc quan đến đời sống người dân.

Trung Lập Thượng là xã nông nghiệp. Vì vậy, chị Duyên luôn đau đáu với suy nghĩ nếu cứ giữ cách làm nông nghiệp truyền thống thì khó thể có hiệu quả cao. Chính vì vậy, trong những năm qua, xã khuyến khích, tạo điều kiện người dân áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp vào phát triển nông nghiệp. Từ đó, nhiều hộ dân trồng ớt theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, trồng rau thủy canh đạt tiêu chuẩn VietGAP... góp phần phát triển nông nghiệp đô thị, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân địa phương.

Tin cùng chuyên mục