Điểm tựa cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Dù không còn công tác tại Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ cộng đồng quận Bình Thạnh, ở tuổi 65, bác sĩ Ngô Thị Ánh Đông vẫn cần mẫn gắn bó với các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS để tư vấn, hỗ trợ điều trị và là điểm tựa tinh thần cho họ trước lằn ranh sinh tử.

Khơi dậy khát vọng sống cho bệnh nhân

Gia đình khó khăn, chị N.T.T.H. (35 tuổi, quê Thanh Hóa) và chồng đành gửi đứa con duy nhất cho ông bà ở quê, vào TPHCM kiếm sống bằng nghề bán bún riêu lề đường. Đến một ngày, chồng chị H. ngã bệnh phải đưa vào một bệnh viện tại quận Bình Thạnh cấp cứu. Điều trị thời gian ngắn, bệnh viện trả về vì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của AIDS.

Đưa tang chồng xong, chị H. tìm đến Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ cộng đồng quận Bình Thạnh, gặp bác sĩ Đông để xin xét nghiệm. Cầm trên tay kết quả dương tính với HIV, chị H. suy sụp, đôi mắt đờ đẫn, không biết bám víu vào đâu. Chị không còn gì nữa cả, chồng mất, còn lại một mình nơi xứ người với căn bệnh quái ác. Con đường phía trước mù mịt, “bản án tử hình” như đã treo trước mặt chị.

Điểm tựa cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ảnh 1  Bác sĩ Ánh Đông thăm hỏi một bệnh nhân nhiễm HIV
Rất hiểu những hoàn cảnh như vậy, bác sĩ Đông đã ở bên cạnh khuyên nhủ, động viên, chăm sóc và điều trị cho chị H., bởi một người dương tính với HIV vẫn có thể sống khỏe mạnh nếu được điều trị đúng cách. Bác sĩ Đông kể: “Tôi đã nói rằng H. cần phải điều trị gấp và kiên trì, bởi em không chỉ sống cho riêng mình mà còn vì đứa con nhỏ ở quê, em không được từ bỏ cuộc sống này”.

Bác sĩ Đông đã khơi dậy khát vọng sống, quyết tâm vượt qua nỗi ám ảnh bệnh tật để chị H. an tâm điều trị. Đến bây giờ, sau 10 năm phát hiện căn bệnh trong người, chị H. vẫn sống tốt, sức khỏe ổn định, công việc phát triển, tự tin hòa nhập cộng đồng, thậm chí còn đưa con vào TPHCM nuôi dạy. Cũng trong 10 năm đó, chị H. gọi bác sĩ Đông là má. “Không có má Đông, chắc tôi chết từ lâu rồi”, chị H. nói. 

Ông T. (65 tuổi, ở quận Bình Thạnh) đổ bệnh, bị nổi vảy, khô da, sần sùi, lở loét toàn thân với mùi hôi vô cùng khó chịu, gia đình không ai dám lại gần, nên ông T. bị cách ly ở một khu vực riêng. Cho đến khi đưa ông T. đi xét nghiệm, vợ con ông T. tá hỏa với kết quả ông nhiễm HIV. Chỉ riêng mình bác sĩ Đông không “gớm” ông T., mà tận tình khám bệnh, hỗ trợ chăm sóc kỹ càng khi người bệnh đến trung tâm. Chính bác sĩ Đông cũng là người chia sẻ với vợ con ông T. cách chăm sóc người bệnh, nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc điều trị căn bệnh này. Nhờ đó, một thời gian sau, ông T. bớt bệnh, hết vảy trên người.

Chị H., ông T. chỉ là số ít trong rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV mà hơn 20 năm qua đã xem bác sĩ Đông là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Là một trong những người tiên phong thực hiện những mô hình thí điểm về tư vấn, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại TPHCM, gần như khắp các ngõ hẻm phức tạp về tệ nạn xã hội đều có dấu chân của bác sĩ Đông. Bà tự mình tìm đến để vận động bệnh nhân, người nghiện ma túy tới trung tâm khám bệnh và điều trị. Bà còn đến từng nhà vận động các gia đình đưa người bệnh đi khám bệnh, uống thuốc. Với những bệnh nhân quá yếu, bà tự chạy xe, mang thuốc tới tận nhà để điều trị cho họ. Không hiếm trường hợp người bệnh bị gia đình ruồng bỏ, bà tất tả liên hệ nhiều nơi nhờ chăm sóc.

Làm việc không ngừng nghỉ

Không chỉ trực tiếp tham gia điều trị, bác sĩ Đông còn thành lập Câu lạc bộ Niềm tin ở quận 4 và Câu lạc bộ Đồng cảm ở quận Bình Thạnh, tạo nơi sinh hoạt cho người nhiễm HIV và gia đình có người nhiễm. Biết những người mắc căn bệnh này rất tự ti và phần lớn hoàn cảnh gia đình khó khăn, bác sĩ Đông luôn tranh thủ vận động người thân, bạn bè tạo việc làm và tài trợ kinh phí giúp người bệnh bớt khó khăn về đời sống, tặng thẻ bảo hiểm y tế, quà tết, quà Trung thu, học bổng cho con em bệnh nhân nghèo… 

Điểm tựa cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ảnh 2  Bác sĩ Ánh Đông chuẩn bị thuốc chữa bệnh cho các bé mồ côi
Từ ngày nghỉ hưu, bác sĩ Đông đã trở thành bác sĩ của những trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại chùa Kỳ Quang (quận Gò Vấp), hoàn toàn tự nguyện, không nhận một đồng tiền công. Đều đặn hàng ngày, từ 8 giờ đến 17 giờ, bác sĩ Đông có mặt tại phòng y tế của chùa để lo thăm khám sức khỏe, thuốc thang cho các bé. Bác sĩ Đông kể: “Các em ở đây rất đáng thương, phần lớn đều mồ côi; nhiều em bị bại não, bệnh tim bẩm sinh, có em bị viêm phế quản, khó thở..., nên tôi túc trực ở đây khám bệnh thường xuyên cho các em, tùy bệnh như thế nào mà cho thuốc tại chỗ hoặc chuyển đi bệnh viện”. 

Khâm phục trước sự tận tâm của bác sĩ Đông, cô Phan Bảo Hân (55 tuổi, bảo mẫu tại chùa), chia sẻ: “Tụi nhỏ đông lắm, vậy mà bác sĩ Đông gần như nhớ tên từng đứa, ngày nào cũng nhiệt tình thăm khám, hỏi han, rồi tự tay mang thuốc qua cho từng cháu. Nhiều lúc, ngoài giờ làm việc, đang ở nhà, nghe điện có cháu nào trong đây bệnh, bác sĩ Đông lại tức tốc vào thăm khám cho cháu”. 

Gần 40 năm công tác trong ngành y, hơn 20 năm gắn bó công việc tư vấn, khám bệnh, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, đến tận lúc này khi đã cần nghỉ ngơi, bác sĩ Đông vẫn dùng chuyên môn y tế của mình hết lòng chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, bệnh tật. Ngược xuôi mưa nắng, tóc đã bạc hơn nhiều, nhưng trong lời nói và hành động, bác sĩ Đông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu thương chân thành dành cho bệnh nhân và những mảnh đời kém may mắn.

Tin cùng chuyên mục