Điểm tựa của người khuyết tật

Là một công ty chuyên ngành may mặc, nhưng Công ty Minh Châu thuộc cụm công nghiệp Nhị Xuân, huyện Hóc Môn (TPHCM) còn là mái ấm tình thương, điểm tựa của gần 90 công nhân khuyết tật suốt nhiều năm qua...
Điểm tựa của người khuyết tật

Là một công ty chuyên ngành may mặc, nhưng Công ty Minh Châu thuộc cụm công nghiệp Nhị Xuân, huyện Hóc Môn (TPHCM) còn là mái ấm tình thương, điểm tựa của gần 90 công nhân khuyết tật suốt nhiều năm qua...

Bước vào phân xưởng may rộng hơn 200m², hàng chục công nhân đang cặm cụi bên các bàn máy. Tiếng ống chỉ quay ro ro, tiếng kim may lách tách mổ đều xuống những thớ vải theo từng thao tác của người điều khiển. Bình thường nhìn vào không ai có thể nhận ra rằng, tất cả công nhân may khá thành thạo nghề ấy đều là người khuyết tật.

Hướng dẫn khách tham quan một lượt qua từng dãy máy rồi đến dãy bàn chất đầy các phụ kiện bán thành phẩm đã được hoàn thành qua một công đoạn, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc công ty, cho biết, doanh nghiệp hiện có 88 công nhân là người khuyết tật chân tay và khiếm thính đang làm việc.

Cầm trên tay một mẫu quần áo trẻ em được may khá tỉ mỉ, mẫu mã đẹp mắt, chúng tôi không khỏi thán phục trước đôi tay khéo léo cùng ý chí của những người tuy kém may mắn trong cuộc đời nhưng khát vọng sống và vươn lên rất mãnh liệt.

Giám đốc Nguyễn Thị Mỹ Linh (bên trái) bên các công nhân khuyết tật của mình.

Giám đốc Nguyễn Thị Mỹ Linh (bên trái) bên các công nhân khuyết tật của mình.

Tranh thủ giờ giải lao, đến ngồi cạnh chị Nguyễn Thị Hường (44 tuổi), quê ở Vĩnh Long, nhân viên điều hành sản xuất tại xưởngï, chúng tôi được biết, mới ngoài 20 tuổi chị đã phải tháo bỏ chân trái do di chứng bệnh viêm khớp. Nỗi mặc cảm còn chưa nguôi ngoai thì bất hạnh khác lại ập đến khi người chồng đành đoạn bỏ rơi vợ trong tình cảnh tật nguyền, nghèo khó đi tìm hạnh phúc khác.

Không xin được việc, hàng năm trời chị Hường sống nhờ vào sự cưu mang của bà con chòm xóm. Trong lúc gần như tuyệt vọng thì chị biết được thông tin về việc làm cho người khuyết tật từ Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM. Chị lập tức rời quê lên thành phố với niềm hy vọng tràn ngập trong lòng.

Từ sự giúp đỡ của trung tâm, người phụ nữ bất hạnh đã học được nghề may và được giới thiệu vào làm tại Công ty Minh Châu. “Tôi làm ở đây đã hơn 10 năm. Có được cuộc sống ổn định như hôm nay là nhờ ban giám đốc công ty mà đứng đầu là chị Linh đã dang rộng vòng tay, đồng cảm, sẻ chia giúp người khuyết tật như tôi vươn lên từng ngày” - chị Hường bày tỏ.
 
Tương tự chị Hường, chị Trần Thị Ngọc Ái (35 tuổi) cũng đã có thâm niên 10 năm gắn bó với nơi mà chị xem như mái nhà thứ hai của mình. Sinh ra ở vùng quê nghèo huyện Đức Linh (Bình Thuận), chẳng may chị bị chứng teo chân từ nhỏ do một trận sốt bại liệt. Tương lai gần như khép chặt với cô gái trẻ tật nguyền. Không chịu đầu hàng số phận, bằng ý chí, nghị lực của bản thân, sau khóa học nghề may tại Trường Dạy nghề người khuyết tật Trung ương II, Ngọc Ái đã tìm được việc làm tại Công ty Minh Châu.

Nói về nơi đã cưu mang mình suốt chục năm qua, cô không giấu được xúc động: “Những ngày đầu mới  đến, tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của ban giám đốc từ việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày đến việc đào tạo nâng cao tay nghề. Tôi mong là sẽ có nhiều công ty khác làm được như vậy để người khuyết tật có cơ hội khẳng định mình”. Không riêng chị Hường, chị Ái, hầu hết công nhân khuyết tật nơi đây đều rất phấn khởi, tự tin khi nói về công việc và cuộc sống ổn định hiện tại của họ.
 
Nói về những công nhân của mình, nữ giám đốc Nguyễn Thị Mỹ Linh tâm sự: “Bản thân tôi vốn là một người khuyết tật và làm nên cơ nghiệp từ nghề may. Hàng chục năm mưu sinh trong tình cảnh nghèo khó, bị xem thường, thậm chí có những lúc tưởng như bế tắc, tuyệt vọng nên tôi hiểu thế nào là nỗi gian truân để hòa nhập với xã hội của người khuyết tật. Nhìn các bạn khuyết tật bơ vơ đi tìm chỗ đứng nuôi sống bản thân, tôi nhớ lại chính hình ảnh của mình 30 năm trước. Chính vì vậy, tôi không ngần ngại dành tình cảm, kinh nghiệm của mình để tạo dựng cho họ sự bình đẳng, cơ hội vươn lên”.

Thật vậy, không chỉ chăm lo từng chút đời sống vật chất cho công nhân, bà Linh còn làm “bà mai” kết nối hạnh phúc lứa đôi của các cặp vợ chồng công nhân khuyết tật ngay tại công ty.

Nói về nguyện vọng của mình, nữ doanh nhân có trái tim nhân ái này chỉ mong được các tổ chức, đoàn thể cá nhân hỗ trợ cùng mình vượt qua thời kỳ mà các doanh nghiệp đang chịu khủng hoảng kinh tế, để công nhân khuyết tật luôn có được việc làm ổn định, bởi họ cũng có những hoài bão, ước mơ về một tương lai tốt đẹp như bao người khác trong xã hội.

MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục