Điện ảnh Nhật thay đổi từng ngày

Sự kiện đạo diễn Hirokazu Kore-eda đoạt giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim (LHP) Cannes năm nay được ví như một cú hích cho giới làm phim trẻ Nhật Bản đang khát khao đưa điện ảnh vươn xa hơn trong tương lai. 
Sau Cannes 2018, Hirokazu Kore-eda đã trở thành tượng đài mới của giới làm phim trẻ ở Nhật, nối dài danh sách các tên tuổi nổi tiếng khác như: Yasujiro Ozu, Akira Kurosawa, Shohei Imamura, Teinosuke Kinugasa hay Takeshi Kitano.
Đây là lần thứ 5 và cũng là lần đầu tiên sau 21 năm, một đạo diễn Nhật Bản giành giải thưởng cao nhất tại Cannes - thành tích mà hiếm có nước châu Á nào đạt được. Thực ra, Hirokazu Kore-eda vốn là “người quen” ở Cannes.
Ông đến với Cannes từ bộ phim Nobody Knows (2004) và Like Father, Like Son của ông từng giành giải thưởng của ban giám khảo Cannes năm 2013. Trở lại vào năm 2018, ông đã đoạt giải cao nhất với phim Shoplifters.
Ngoài vai trò đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, Kore-eda còn đóng vai trò cố vấn cho các đạo diễn trẻ. Dấu ấn của Kore-eda được thể hiện rõ nét nhất qua tác phẩm điện ảnh The Long Excuse (2016) của đạo diễn Miwa Nishikawa và bộ phim tài liệu The Kingdom of Dreams and Madness (2013) của Mami Sunada.
Điện ảnh Nhật thay đổi từng ngày ảnh 1 Poster phim Shoplifters
Là người có xu hướng làm phim theo cốt truyện khá đơn giản, gần gũi với cuộc sống đương đại ở châu Á với những nhân vật bình dị, đời thường, tác phẩm điện ảnh của Kore-eda tuy không tạo ra cơn sốt ở phòng vé như những bộ phim bom tấn khác, nhưng lại chinh phục khán giả qua những câu chuyện chân thực.
Giải thưởng của ông không chỉ đánh dấu sự trở lại của điện ảnh Nhật Bản ở một LHP danh tiếng, mà còn mang lại kỳ vọng mới cho giới làm phim trẻ. 
Lợi thế của ngành điện ảnh Nhật Bản hiện nằm ở mảng phim nội địa, do khán giả Nhật dần dần không mấy mặn mà với dòng phim Hollywood. Đó là nhờ sức mạnh điện ảnh nội tại và nền văn hóa giàu bản sắc khiến điện ảnh nước này có cơ hội cạnh tranh tự do với điện ảnh quốc tế.
Sau một thời gian dài để Hollywood lấn sân trên sân nhà, điện ảnh Nhật đã dần lấy lại được vị thế. Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, Hollywood hầu như chiếm sân ở bảng doanh thu.
Sang những năm 2000, tỷ lệ này gần cân bằng và đang dần nghiêng về thị trường nội địa. Hơn phân nửa phim nội địa và phim Hollywood đứng đầu doanh thu năm 2017 là phim hoạt hình, bao gồm phim phát hành nội địa có doanh thu cao nhất là Detective Conan: The Crimson love letter (65 triệu USD).
Đáng chú ý là khán giả Nhật Bản ngày nay không quan tâm đến chuyện phim là phiên bản người thật đóng hay hoạt hình mà chỉ đơn giản có nhu cầu tìm các bộ phim có cốt truyện hấp dẫn và thú vị.
Vào năm 2017, điện ảnh Nhật Bản cho phát hành khoảng 600 bộ phim, bao gồm cả phim anime (hoạt hình Nhật). Trong đó, phim mang lại doanh thu cao nhất là Your Name của đạo diễn Shinkai Makoto. Bộ phim còn đạt doanh thu cao thứ hai trong lịch sử điện ảnh xứ hoa anh đào với 24,4 tỷ yên (214 triệu USD).
Nhiều năm qua, giới làm phim Nhật không muốn doanh thu sản xuất chỉ gói gọn trong thị trường nội địa. Tình trạng già hóa dân số của Nhật Bản được cho là đang gây tác động không nhỏ đến xu hướng làm phim của ngành điện ảnh xứ Phù Tang.
Để tồn tại và phát triển mạnh, điện ảnh Nhật không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng thâm nhập sâu hơn vào các thị trường nước ngoài.
Từ năm 2013, giới làm phim Nhật đã có cơ hội mở rộng quảng bá tác phẩm ra thị trường quốc tế, sau khi Chính phủ Nhật thành lập ra Quỹ Cool Japan với mục tiêu quảng bá văn hóa Nhật ra nước ngoài.
Quỹ Cool Japan đặt mục tiêu xuất khẩu càng nhiều sản phẩm văn hóa và dịch vụ của Nhật càng tốt, trong đó bao gồm phim hành động, anime và nhiều sản phẩm nội dung khác.

Tin cùng chuyên mục