Điện ảnh Việt ra quốc tế: Vươn tầm nhưng chưa thể đột phá

Xuất hiện ngày càng nhiều tại các liên hoan phim (LHP), giải thưởng điện ảnh quốc tế và cả xuất khẩu thương mại, nhưng cho đến nay, điện ảnh Việt chưa thể ghi dấu ấn đậm nét…


Loạt phim Việt tham gia tranh giải tại một số LHP quốc tế dịp cuối năm 2018
Loạt phim Việt tham gia tranh giải tại một số LHP quốc tế dịp cuối năm 2018
 Tin vui liên tiếp

Những ngày qua, Người vợ ba liên tục đón nhận tin vui từ các LHP quốc tế gửi về. Bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh sau khi nhận giải Phim truyện điện ảnh châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Toronto 2018, tiếp tục nhận thêm giải RTVE - Another Look Award tại LHP quốc tế San Sebastian lần thứ 66.

Nếu giải thưởng tại Toronto được lựa chọn bởi giám khảo đến từ NETPAC (mạng lưới phát triển điện ảnh châu Á) thì tại San Sebastian, là sự vinh danh các tác phẩm tập trung những câu chuyện về nữ giới: được đạo diễn, viết kịch bản, tham gia diễn xuất bởi nữ giới... Người vợ ba sẽ còn một cơ hội khác khi có buổi quảng bá trong chương trình Cửa sổ điện ảnh châu Á (A window on Asian cinema) tại LHP Busan diễn ra từ ngày 4 đến 13-10.

Mới đây, ê kíp Cô ba Sài Gòn cũng thông báo tin vui khi được Cục Điện ảnh Việt Nam lựa chọn là đại diện chính thức duy nhất tham gia vòng sơ tuyển hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar 2019.

Một tin vui khác, đến từ LHP quốc tế Tokyo là khi chúng ta có đến hai đại diện cùng tham gia dự tranh ở hai hạng mục khác nhau. Song Lang sẽ góp mặt ở hạng mục Asian Future - nơi giới thiệu những bộ phim của các đạo diễn đã thực hiện chưa quá 3 tác phẩm. Còn Tháng năm rực rỡ là 1 trong 9 phim tham gia hạng mục Lát cắt điện ảnh châu Á do Quỹ châu Á Nhật Bản sáng lập, tập trung vào các quốc gia, các đạo diễn hay các chủ đề nhất định. Trong quá khứ, Thái Lan, Philippines và Indonesia từng được lựa chọn. Năm nay, phạm vi rộng mở cho các quốc gia Đông Nam Á. 

Nếu theo dõi điện ảnh nước nhà sẽ thấy, nối dài từ năm 2017, bộ phim Cha cõng con tiếp tục chinh chiến nhiều LHP quốc tế trong năm 2018, trong đó có giải Phim châu Á hay nhất tại LHP Iran hồi cuối tháng 4 vừa qua. Cuối tháng 10 này, giới mộ điệu điện ảnh Việt sẽ chứng kiến nhiều đại diện Việt Nam tranh tài với các phim đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tại LHP quốc tế Hà Nội.

Bài toán khó

Liên quan đến câu chuyện Oscar, trước Cô ba Sài Gòn, Việt Nam đã gửi nhiều phim dự tranh hạng mục này, như: Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Khát vọng Thăng Long, Trúng số, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha cõng con... Cho đến nay, chỉ có Mùi đu đủ xanh của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử cuối cùng. Với một mùa giải có quá nhiều ứng viên mạnh như Oscar 2019, dù có quyền hy vọng, nhưng cơ hội cho Cô ba Sài Gòn là không cao. 

Nói về cơ hội và thách thức của phim Việt khi tham dự các LHP quốc tế, đạo diễn Lê Thanh Sơn nhận định: “Một năm có hơn 700 LHP quốc tế, tức là trung bình 1 ngày có 2 LHP đang diễn ra đâu đó. Điều đó có nghĩa là cơ hội của các nhà làm phim nói chung không nhỏ. Quan trọng là chúng ta phải chọn đúng sân chơi nào phù hợp với phong cách và sức vóc của mình”.

Để dẫn chứng cho việc lựa chọn sân chơi phù hợp, Lê Thanh Sơn chỉ ra hai trường hợp Dòng máu anh hùng từng nhận giải thưởng của ban giám khảo tại VC FilmFest - Los Angeles Asian Pacific Film Festival 2007 và Cú và chim se sẻ từng được vinh danh tại hơn 15 giải thưởng điện ảnh khác nhau.

“Họ đã khéo léo vận dụng kỹ thuật làm phim tiên tiến dựa trên chất liệu của chính dân tộc mình để tạo bản sắc riêng, bám rễ vào tâm hồn người Việt; để câu chuyện có được hơi thở của cuộc sống”, đạo diễn Lê Thanh Sơn lý giải.

Với kinh nghiệm đưa Cha cõng con chu du nhiều LHP, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng: “Nếu bạn sáng tạo vượt bậc hoặc tìm ra được những điều mới mẻ cho bộ phim của mình, tất cả LHP đều chấp nhận và phim của bạn có thể có cơ hội nhận giải thưởng… Đừng nói gì mà hãy chờ đợi, tôi tin điện ảnh Việt sẽ nhanh chóng giành giải lớn liên tiếp thôi”. 

Ngoài câu chuyện dự thi, xuất khẩu phim Việt vẫn là bài toán khó. Thực tế, số lượng phim Việt xuất ngoại và có doanh thu được công khai rất ít. Chúng ta từng có phim trình chiếu thương mại tại Bắc Mỹ như Dòng máu anh hùng, Cú và chim se sẻ... nhưng doanh thu quá khiêm tốn. Nhiều phim Việt sau này thông báo được phát hành rộng rãi ở nước ngoài như Lửa phật, Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, con vịt và cô gái điếm, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cha và con và... nhưng chưa một lần, doanh thu được công bố. Trong vài năm trở lại đây, dù thị trường bùng nổ về số lượng phim nhưng con đường đưa phim ra nước ngoài để chiếu thương mại không có nhiều chuyển biến tích cực.

Đạo diễn Lê Thanh Sơn lý giải: “Chưa có tín hiệu khởi sắc ở mảng phim Việt bán ra nước ngoài, có lẽ là do chính chúng ta bỏ ngỏ thị trường này, chỉ tập trung vào phát triển thị trường trong nước”. Anh cho rằng, khi mặt bằng chất lượng phim được nâng tầm, sẽ có những tín hiệu khả quan hơn.

Phim Việt cần một chiến lược dài hơi, bài bản và sự quyết liệt. Trước hết, cần phải mạnh dạn đột phá nhiều thể loại lẫn đề tài để các nhà làm phim mở rộng tư duy sáng tạo và thử thách với nghề. Song song đó là thúc đẩy công tác hội nhập để nắm bắt và học hỏi từ các nền điện ảnh tiên tiến.

Tin cùng chuyên mục