Điện ảnh Việt: Thiếu vắng dòng phim chính thống

Hai năm lại đây, dòng phim chính thống gần như… mất hút và chưa biết bao giờ mới có thể tái xuất?
Hàng chục năm qua, làm nên diện mạo điện ảnh Việt, tạo dấu ấn với bạn bè quốc tế hầu hết là những bộ phim được nhà nước đặt hàng, tài trợ kinh phí và do các hãng phim nhà nước sản xuất. Khi điện ảnh được xã hội hóa, các hãng phim nhà nước chuyển sang cổ phần hóa, dòng phim chính thống ngày càng thưa thớt, hiếm hoi. Hai năm lại đây, dòng phim này gần như… mất hút và chưa biết bao giờ mới có thể tái xuất?
Phim tư nhân chiếm lĩnh thị phần
Hai năm nay, mỗi năm có hơn 40 phim Việt lần lượt ra rạp, nhưng phim tạo được dấu ấn nghệ thuật lại quá ít ỏi. Ngoại trừ bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (được sản xuất với kinh phí của nhà nước cùng nguồn vốn của tư nhân, ra rạp năm 2015) tạo thành hiện tượng khi vừa được đánh giá tốt về chất lượng nghệ thuật, vừa có doanh thu khủng (thu gần 80 tỷ đồng sau 1 tháng trình chiếu).
Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đến nay, vẫn chưa có phim điện ảnh nào được nhà nước đặt hàng hoặc tài trợ kinh phí sản xuất.
Điện ảnh Việt: Thiếu vắng dòng phim chính thống ảnh 1 Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ghi dấu ấn trong dòng phim chính thống
Phim do tư nhân sản xuất hoàn toàn chiếm lĩnh rạp chiếu và hầu hết đều là những bộ phim giải trí, nặng về tính thương mại và được thực hiện theo kiểu dễ dãi, chạy theo thị hiếu tầm thường của người xem.
Bộ phim đoạt doanh thu nhất nhì hiện nay - Em là bà nội của anh (đạt 102 tỷ đồng) lại là một phim được làm lại từ một bộ phim ăn khách của Hàn Quốc. Mới đây, kỷ lục doanh thu được xác lập với bộ phim Em chưa 18 (thu 150 tỷ đồng), một phim giải trí được đánh giá sạch, nhưng nội dung lại mang hơi hướng ngoại, với một lớp trẻ thích sự phô trương, hào nhoáng và những quan điểm sống thoải mái, hiện đại. 
Bản thân các nhà sản xuất (NSX) phim tư nhân, cũng rất khó khăn trong việc nắm bắt thị hiếu người xem hiện nay. Chính vì thế, dù chỉ làm phim giải trí thuần túy để tránh tốn kém trong việc đầu tư kinh phí, thì việc thu hồi vốn, đến việc làm sao để phim có lời là cả một sự… ăn may!
Sau thành công vang dội về doanh thu của một số phim hài (Để mai tính 2, Tèo em), giới làm phim đổ xô nhau làm phim hài, nhưng toàn thất bại về doanh thu. Rồi khi thấy phim kinh dị bắt đầu ăn khách, giới làm phim lại đua nhau làm phim kinh dị và kết quả thu về cũng chẳng khá hơn. Chính điều này đã khiến cho thị trường phim điện ảnh Việt trở nên mất cân đối và gây không ít hoang mang cả cho khán giả lẫn người làm phim.
Khán giả thì ngán ngẩm, ít nhiều mất niềm tin vào phim Việt vì sự trùng lắp đề tài, trong khi cách thể hiện lại nghèo nàn, dễ dãi. Giới làm phim thì hoang mang không biết nên làm đề tài gì để hút khách, tránh thua lỗ! Đó chính là lý do mà 1 năm lại đây, số lượng phim Việt ra rạp có chiều hướng chững lại. Người yêu mến điện ảnh nước nhà vẫn hy vọng, nhà nước sẽ “can thiệp” bằng việc đầu tư kinh phí làm phim, để cân bằng lại mặt bằng phim điện ảnh và cũng là để định hướng cho các NSX, lẫn khán giả đến rạp.
Chưa tìm thấy lối ra! 
Nhìn nhận vấn đề này, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Dòng phim chính thống trong những thập kỷ trước là dòng chủ lưu của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh phát triển theo xu hướng xã hội hóa rộng rãi như hiện nay là đúng theo quy luật phát triển của xã hội, nhưng không thể thiếu dòng phim do nhà nước đặt hàng. Điện ảnh phát triển hài hòa và vững vàng là phải như “kiềng ba chân”: dòng phim chính thống được nhà nước đặt hàng, dòng phim giải trí ăn khách và dòng phim nghệ thuật. Trong đó dòng phim nào cũng tập hợp những phim có chất lượng. Hiện nay, các phim do nhà nước đặt hàng - các phim chiến tranh cách mạng, truyền thống văn hóa lịch sử, phim đề cao giá trị nhân văn, phẩm chất con người Việt Nam... vẫn được chiếu lại mỗi năm, là nguồn phim chính mà các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh thành trong cả nước phục vụ nhân dân, vẫn được các tầng lớp khán giả tại các địa phương đón nhận. Tiếc rằng hai năm nay chưa thể triển khai thêm một bộ phim đặt hàng nào của nhà nước vì chưa thống nhất được cơ chế tài chính phù hợp”.
Điện ảnh Việt: Thiếu vắng dòng phim chính thống ảnh 2 Người trở về - phim đề tài chiến tranh cách mạng nhưng không khô cứng
Hiện nay, thế hệ đạo diễn trẻ từng thực hiện những bộ phim chính thống, được người trong nghề lẫn người xem đánh giá tốt về nội dung vẫn rất nặng lòng với mong muốn được thực hiện những bộ phim chính thống mang tầm quy mô cả về nội dung lẫn cách thể hiện. Dù họ được mời tham gia làm phim thị trường, phim giải trí, nhưng trong thâm tâm vẫn luôn chờ đợi cơ hội được trở lại với dòng phim chính thống. Tuy nhiên, với cái nhìn và tư duy của người trẻ, họ cho rằng phim chính thống dù mang trách nhiệm định hướng, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống nhưng vẫn phải chạm được vào cảm xúc của người xem.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (đạo diễn phim Những người viết huyền thoại - Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 18) cho rằng: “Tác phẩm điện ảnh luôn cần cả hai yếu tố - nghệ thuật và giải trí. Hai yếu tố này phải đồng nhất chứ không thể phân định rạch ròi. Cảm xúc của khán giả, của người xem là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu khi thực hiện một bộ phim”. 
Trong tất cả các cuộc họp, hội thảo chuyên ngành điện ảnh, rất nhiều ý kiến cũng kêu gọi duy trì dòng phim chính thống, để góp phần gìn giữ, tôn vinh điện ảnh dân tộc, vừa định hướng cho việc phát triển điện ảnh trước những biến động về nhận thức, thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay.
Điện ảnh Việt: Thiếu vắng dòng phim chính thống ảnh 3 Người trở về - phim đề tài chiến tranh cách mạng nhưng không khô cứng
Không thể thiếu vắng dòng phim chính thống, phim do nhà nước đặt hàng, đó là điều chắc chắn. Nhưng làm sao để có được bộ phim đạt hiệu quả cả về nội dung nghệ thuật lẫn doanh thu lại là bài toán không dễ! Không lẽ chỉ vì những vướng mắc trong tư duy, những rào cản trong thủ tục hành chính mà dòng phim chính thống chịu chấp nhận số phận hẩm hiu hoặc chỉ được “đẻ” ra trên giấy!
Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền (đạo diễn phim Người trở về - Cánh Diều Bạc cho phim điện ảnh xuất sắc nhất năm 2016) cho rằng: “Dòng phim chính thống là rất cần thiết, nếu điện ảnh Việt chỉ phim hài, phim giải trí nhẹ nhàng thì thật đáng buồn. Tuy nhiên, theo thời gian, phim đề tài chiến tranh cách mạng, gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc… cuối cùng vẫn phải tiếp cận được với khán giả trẻ. Muốn được thế lại cần phải đổi mới tư duy, vì có đổi mới tư duy mới dung hòa và lôi cuốn được khán giả trẻ. Dòng phim nào cuối cùng cũng phải nhằm mục đích hướng đến người xem. Tôi nghĩ, sau thành công của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh các nhà quản lý đang tìm bài toán hướng đến sự dung hòa này. Sẽ không còn kiểu nhà nước cấp vốn ào ào sản xuất phim, sau đó đem phim cất kho, để tiếp tục mang tiếng phim chính thống là phim “ăn cắp” thuế của nhà nước. Tôi cũng tin, bây giờ vắng bóng phim chính thống là để cho ngày trở lại tốt hơn”.

Tin cùng chuyên mục