Điện sinh hoạt tăng thêm tối đa 77.200 đồng/tháng

Theo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương, với giá điện vừa được điều chỉnh tăng thêm 8,36% (từ ngày 20-3), khách hàng sử dụng điện nhiều nhất phải trả thêm 77.200 đồng/tháng, còn khách sản xuất trả thêm cao nhất là 95 triệu đồng/tháng.

 

Biểu đồ tăng giá điện trong 10 năm (chưa thuế VAT - theo số liệu từ Bộ Công thương). Ảnh: CAO THĂNG - đồ họa: TRÍ THẾ
Biểu đồ tăng giá điện trong 10 năm (chưa thuế VAT - theo số liệu từ Bộ Công thương). Ảnh: CAO THĂNG - đồ họa: TRÍ THẾ

Cụ thể, hiện cả nước đang có khoảng 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt. Qua khảo sát và tính toán cho thấy, lượng hộ sử dụng điện dưới 100kWh/tháng hiện vẫn chiếm đa số với 35,6%. Lượng dùng trên 300kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400kWh/tháng chỉ 7,9%. Riêng với các trường hợp dùng điện cho việc kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê cả nước đang có 443.000 khách hàng. Và theo cách tính giá bậc mới từ ngày 20-3, khách hàng dùng dưới 50kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng/tháng; với bậc 2 dùng từ 51-100kWh, mỗi tháng phải trả thêm 14.000 đồng; với bậc 3, khách dùng từ 101 - 200kWh/tháng phải trả thêm 31.600 đồng; với bậc 4 (dùng từ 201 - 300kWh/tháng) phải trả thêm 53.100 đồng; khách hàng dùng trên 400kWh/tháng, trả thêm trung bình 77.200 đồng.

Còn với 1,4 triệu khách hàng sản xuất hiện nay, mỗi hộ phải trả 12,39 triệu đồng tiền điện/tháng, nghĩa là tăng thêm 839.000 đồng. Số liệu này được tính toán dựa trên điều kiện hành vi sử dụng điện tương đương năm 2018. Đặc biệt, đối với khu vực này, EVN đã tiến hành khảo sát nhiều khách hàng sản xuất rất lớn như sắt thép, xi măng… Theo đó, với 40 khách hàng sản xuất xi măng sẽ tăng thêm 7,19%, tức trả thêm 13 triệu đồng/tháng. Cũng theo tính toán, khách hàng sản xuất trả thêm cao nhất là 95 triệu đồng/tháng. Khảo sát đối với 40 khách hàng tiêu biểu sản xuất sắt thép cho ra kết quả trả thêm thấp nhất là 7,3%, tương đương 50 triệu đồng và trả thêm cao nhất là 8,28%.

Tin cùng chuyên mục